TP.HCM chấn chỉnh việc tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước
Các nhà thầu có số dư nợ tạm ứng quá hạn nhưng không phối hợp thu hồi sẽ bị điều chuyển, cắt giảm vốn đầu tư, không cho tham giá thầu trên phạm vi cả nước.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn mãi vừa ký văn bản số 479 1 /UBND-DA về chấn chỉnh, tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2024.
Theo đó lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu các Sở ngành, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức kiểm tra định kỳ, đột xuất để chấn chỉnh và xử lý các vướng mắc phát sinh, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý, chế tài phù hợp đối với việc sử dụng vốn tạm ứng không đúng quy định của Chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị cung ứng.
Trong đó với các dự án đã tạm ngừng thực hiện phải yêu cầu các chủ đầu tư xác định rõ dự án có được tiếp tục thực hiện hay dừng thực hiện vĩnh viễn ; xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng dự án đã ngừng thực hiện từ nhiều năm nhưng chưa thu hồi hết số vốn đã tạm ứng; thu hồi hết số vốn đã tạm ứng và tất toán tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.
Đối với các dự án đang thực hiện, trường hợp đã có khối lượng hoàn thành, đủ điều kiện chuyển sang thanh toán, khẩn trương nghiệm thu khối lượng hoàn thành, hoàn tất thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước Thành phố; trường hợp không đủ điều kiện thanh toán đề nghị thu hồi hết số vốn đã tạm ứng quá hạn.
TP.HCM sẽ tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước |
UBND TP.HCM cũng yêu cầu các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án thực hiện đúng các quy định về việc tạm ứng vốn; rà soát các quy định liên quan tạm ứng vốn trong hợp đồng đã ký và đang triển khai; đối với các dự án đang thực hiện, còn dư số tạm ứng chưa thu hồi thì khẩn trương thực hiện, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thu hồi vốn tạm ứng, đảm bảo thu hồi hết khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng (trừ trường hợp được người có thẩm quyền cho tạm ứng ở mức cao hơn); đối với các khoản tạm ứng quá hạn phải rà soát, đánh giá cụ thể nguyên nhân từng khoản tạm ứng quá hạn; xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân phải hoàn ứng; đề xuất phương án xử lý triệt để và quyết liệt thực hiện, đảm bảo thu hồi hết số tạm ứng quá hạn (bao gồm cả biện pháp khởi kiện ra tòa, chuyển Cơ quan thanh tra, Công an).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Thành phố thanh tra, giám sát việc chấp hành quy định về bảo lãnh ngân hàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và xử lý các vi phạm phát sinh theo thẩm quyền.
Kho bạc Nhà nước Thành phố có trách nhiệm đôn đốc Chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về thu hồi vốn tạm ứng; phối hợp với Chủ đầu tư thực hiện kiểm tra số vốn đã tạm ứng để thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích; kiểm tra số dư tạm ứng để đảm bảo thu hồi hết số vốn đã tạm ứng theo quy định .
Đối với các nhà thầu có số dư nợ tạm ứng quá hạn nhưng không phối hợp thu hồi, các sở ban ngành tham mưu, báo cáo UBND TP.HCM xem xét các biện pháp chế tài như điều chuyển, cắt giảm vốn đầu tư, đăng báo không được tham gia dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư không cho tham giá thầu trên phạm vi cả nước.
Nguồn: https://baodautu.vn/tphcm-chan-chinh-viec-tam-ung-von-dau-tu-cong-nguon-ngan-sach-nha-nuoc-d223078.html