Khi cánh chiếc cổng nhà máy Nestlé Bình An mở ra, đoàn khách tham quan nhìn thấy ngay khuôn viên nhà máy với hàng cau xanh ngắt ôm bờ tường nhà máy. Điều đặc biệt, nhà máy Nestlé Bình An nằm trong khu công nghiệp Amata (TP Biên Hòa, Đồng Nai) là một trong ba khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam được chọn xây dựng khu công nghiệp sinh thái theo hướng toàn cầu.
Do đó, không chỉ trong nhà máy mà dọc các cung đường bên trong khu công nghiệp cũng rợp màu xanh của cỏ cây, khác hẳn với hình dung của nhiều người về những khu công nghiệp với những nhà máy mái tôn nằm san sát nhau.
Dẫn chúng tôi vào Trung tâm huấn luyện, ông Phùng Hữu Cung, giám đốc nhà máy Nestlé Bình An, hướng dẫn các chuyên gia, sinh viên và các thành viên của đoàn các kỹ năng xử lý tình huống để đảm bảo an toàn khi tham quan, một quy trình bắt buộc đối với tất cả mọi người khi đến nhà máy có cái tên rất thuần Việt và ý nghĩa – nhà máy “Bình An”.
Theo ông Cung, nhà máy Nestlé Bình An có diện tích 1,97 hecta với 271 nhân viên. Đây là nhà máy hiện đại với 3 dây chuyền tiệt trùng và 12 dây chuyền rót và đóng gói. Điều đặc biệt, đây là nhà máy tiên phong trong mô hình kinh tế tuần hoàn khi các phế phẩm đều được tái chế, tái sử dụng.
Tại nhà máy này, các ống hút giấy được gắn lên những hộp sữa Milo đều là ống hút giấy có chứng chỉ rừng bền vững FSC, bao bì sử dụng là bao bì Tetra Ultra và màng phim POF. Theo ông Cung, nhà máy này cũng có hiệu suất tiết kiệm năng lượng cao khi chu kỳ sản xuất đã được nhà máy tối ưu từ 24h sang 144h, giúp giảm 3,5 lần lượng nước sử dụng so với quy trình cũ, giảm sử dụng hóa chất 3 lần so với trước, hơn thế còn giảm lượng điện tiêu hơn gấp 4 lần so với trước.
Trực tiếp hướng dẫn đoàn khách tham quan của chương trình Việt Nam Xanh đến khu vực quản lý năng lượng, ông Cung cho hay nhà máy này đã ứng dụng số hóa trong quản lý năng lượng khi dùng DMO Energy – hệ thống đo lường và quản lý năng lượng, giúp trên 80% năng lượng được kiểm soát. Đồng thời, nhà máy cũng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) điều khiển máy nén khí, giúp giảm lượng điện lên đến 220.361 kWh/năm.
Còn tại khu vực xử lý nước thải, ông Cung cho hay đây là khu vực điển hình của kinh tế tuần hoàn khi lượng nước thải của nhà máy đã được tái sử dụng. Cụ thể, nhờ công nghệ xử lý tiên tiến Purity, có đến 46,4% lượng nước thải từ dây chuyền sản xuất của nhà máy Nestlé Bình An được xử lý đạt Tiêu chuẩn chất lượng nước ăn uống của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để tái sử dụng cho một vài hoạt động trong nhà máy như vệ sinh nhà xưởng, cấp nước lò hơi, tháp giải nhiệt, giúp giảm đến 44.373 m³/năm.
Một điểm gây bất ngờ cho các chuyên gia của chương trình Việt Nam Xanh đó là không gian trưng bày các sản phẩm được làm từ vật liệu tái chế từ phế phẩm của nhà máy.
Cầm tấm lợp nhựa, ông Nguyễn Thanh Sơn – trưởng đoàn tham quan – bất ngờ khi được các nhân viên của nhà máy Nestlé Bình An giới thiệu được sản xuất bằng chính phế phẩm tái chế từ vỏ hộp sữa. Ngoài ra, vỏ hộp sữa cũng được tái chế thành giấy thùng carton. Còn với bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải cũng được các đối tác của nhà máy Nestlé sản xuất thành phân hữu cơ.
Bước vào khu vực đóng gói sản phẩm với hàng tá những chiếc ống hút giấy được gắn vào những lốc sữa Milo đều răm rắp bằng dây chuyền hiện đại, ông Khuất Quang Hưng – giám đốc Đối ngoại và Truyền thông của Nestlé Việt Nam – kể rằng việc thay thế ống hút nhựa bằng ống hút giấy là cả một cuộc thay đổi ngoạn mục đối với sản phẩm này.
Theo ông Hưng, với mong muốn giảm thiểu chất thải nhựa, sau một thời gian dài nghiên cứu, Nestlé đã mang đến người tiêu dùng loại ống hút mới làm từ giấy thay cho ống hút nhựa truyền thống. Ống hút giấy Milo có thể uốn cong, không có mùi giấy nên không ảnh hưởng đến mùi vị và chất lượng của sữa. Hơn hết, ống hút này cũng được cải tiến để giữ độ cứng trong thời gian lâu hơn.
Ông Hưng cho rằng không chỉ đảm bảo an toàn thực phẩm và tính năng sử dụng tốt, ống hút giấy còn thân thiện với môi trường khi đạt chứng nhận FSC, đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được những giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội.
“Các nhà cung ứng của Nestlé phải đạt các tiêu chí nghiêm ngặt về ESG nên với các sản phẩm như ống hút giấy cũng được uốn cong như ống hút nhựa, không chỉ vừa đảm bảo vị tươi ngon của sản phẩm, mặt khác cũng phải tạo ra sự tiện lợi cho người tiêu dùng và hướng đến những giá trị bền vững cho môi trường”, ông Hưng nói.
Cầm trên tay hộp sữa Milo, ông Hưng cho hay với những hộp sữa này, Nestlé hợp tác với các đối tác để có thể tái chế 100%. Theo ông Hưng, từ năm 2019, Nestlé Việt Nam đã trở thành một trong những doanh nghiệp sáng lập liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), từ đó cùng với PRO Việt Nam và các nhà tái chế tăng cường thực hiện các hoạt động và dự án nhằm tăng tỉ lệ thu gom bao bì đã qua sử dụng thông qua các chương trình thực hiện ở trường học, cộng đồng… để tạo vòng đời mới cho sản phẩm.
Nói về chiến lược phát triển bền vững của Nestlé tại Việt Nam, ông Hưng cho hay thành lập Công ty TNHH Nestlé Việt Nam và khởi công xây dựng Nhà máy Đồng Nai vào năm 1995, đến nay Nestlé đã có gần 30 năm phát triển tại Việt Nam với hơn 2.200 nhân viên với 4 nhà máy trên toàn quốc.
Theo ông Hưng, Nestlé luôn coi trọng những nguyên tắc phát triển bền vững trong các hoạt động sản xuất – kinh doanh gắn liền với việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Năm 2023 cũng đánh dấu cột mốc 3 năm liên tiếp Nestlé Việt Nam dẫn đầu trong Top 100 “Doanh nghiệp Bền vững“ của ngành hàng sản xuất. Ông Hưng cho hay Nestlé đã đi tiên phong với những hành động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tái sinh, đổi mới – sáng tạo và chuyển đổi số nhằm nỗ lực hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển bền vững tại Việt Nam.
Trong số các thành viên của đoàn tham quan, ngoài các chuyên gia về phát triển bền vững, còn có sự tham gia của các giảng viên và sinh viên của các trường đại học tại TP.HCM. Tham gia tour, các giảng viên và sinh viên đã chứng kiến được quy trình sản xuất, đóng gói cũng như được lắng nghe những kỹ sư chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn công việc hằng ngày với những ngành nghề mà các sinh viên đang theo học.
Ngay tại nhà máy, những thắc mắc về kỹ thuật, chất lượng cũng như định hướng phát triển bền vững của sinh viên đã được đại diện của Nestlé VN giải thích tường tận.
Sinh viên Đào Hà Thanh Lâm (Trường ĐH HUTECH) cho hay, tham gia chuyến tham quan nhà máy Nestlé, bản thân em thực sự bị ấn tượng bởi quy mô sản xuất và những cam kết mạnh mẽ của công ty trong việc xây dựng một tương lai bền vững.
“Mỗi bước chân trong nhà máy đều là một khám phá thú vị về quá trình sản xuất hiện đại và những nỗ lực không ngừng nghỉ để bảo vệ môi trường. Chuyến tham quan nhà máy Nestlé đã khơi dậy trong tôi niềm tin vào một tương lai bền vững. Tôi hy vọng rằng nhiều doanh nghiệp khác sẽ đồng hành cùng Nestlé, chung tay cùng nhau bảo vệ hành tinh”, Lâm chia sẻ.
Trong khi đó, bạn sinh viên Võ Huỳnh Như kể rằng ngay từ lúc đặt chân vào nhà máy, nữ sinh này đã bị ấn tượng bởi không gian xanh mát, tràn đầy sức sống. Từ cách sử dụng năng lượng tái tạo, hệ thống xử lý nước thải tiên tiến đến quy trình sản xuất không phát thải carbon… tất cả đều được thực hiện một cách chuyên nghiệp và có trách nhiệm với môi trường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thạc sĩ Nguyễn Vũ Phong (Viện Khoa học Ứng dụng HUTECH) chia sẻ chuyến tham quan tại Nhà máy Nestlé Bình An và tìm hiểu giải pháp công nghệ “Eco Friendly” là những bài học sát với thực tế nhất, giúp sinh viên nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, áp dụng mượt mà hơn trong công việc sau này.
“Từ những hoạt động trải nghiệm đặc sắc tại nhà máy, các bạn thêm nhạy bén trong việc đưa ra loạt giải pháp giúp cải thiện tình hình chất lượng môi trường trong thời đại 4.0”, thạc sĩ Phong nói.
QUANG ĐỊNH
30-8-2024
Nguồn: https://tuoitre.vn/tour-kham-pha-nha-may-xanh-den-nestle-binh-an-20240825145727136.htm