Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa cho biết ông đã có cuộc điện đàm riêng với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson, lặp lại lời kêu gọi Quốc hội “xứ cờ hoa” cung cấp viện trợ bổ sung cho Kiev, và trực tiếp thông báo tóm tắt cho nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Cộng hòa về “tình hình chiến trường”.
Trong một bài đăng trên X/Twitter hôm 28/3, ông Zelensky cho biết ông đã nói chuyện và cảm ơn ông Johnson vì sự hỗ trợ quan trọng của ông và Mỹ đối với Ukraine kể từ khi cuộc xung đột toàn diện với Nga bắt đầu.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng mô tả việc thông báo tóm tắt cho Chủ tịch Hạ viện Mỹ về việc Nga gia tăng các cuộc tấn công bằng tên lửa, bom và máy bay không người lái trong những tuần qua kể từ khi nguồn tài trợ cho quốc phòng Ukraine bị đình trệ tại cơ quan lập pháp ở Washington DC.
“Chỉ riêng tuần trước, 190 tên lửa, 140 máy bay không người lái và 700 quả bom dẫn đường đã được phóng vào các thành phố và cộng đồng của Ukraine. Nhà máy thủy điện lớn nhất Ukraine đã ngừng hoạt động”, ông Zelensky cho biết. “Trong bối cảnh này, việc Quốc hội nhanh chóng thông qua viện trợ của Mỹ cho Ukraine là rất quan trọng. Chúng tôi thừa nhận rằng có nhiều quan điểm khác nhau tại Hạ viện về cách tiến hành, nhưng điều quan trọng là giữ vấn đề viện trợ cho Ukraine như một yếu tố thống nhất”.
Cuộc điện đàm giữa ông Zelensky và ông Johnson diễn ra khi Quốc hội Mỹ chuẩn bị giải quyết vấn đề gây tranh cãi là gửi viện trợ bổ sung cho Ukraine, vốn đã khiến các nhà lập pháp đau đầu trong nhiều tháng nay khi ngày càng có nhiều thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện phản đối.
Rời Washington DC vào tuần trước để nghỉ lễ dài ngày, ông Johnson tuyên bố Hạ viện sẽ coi vấn đề này là mệnh lệnh công việc tiếp theo khi Quốc hội quay trở lại Đồi Capitol vào giữa tháng 4. Nhưng vẫn chưa rõ nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Cộng hòa sẽ tiếp cận vấn đề gai góc này như thế nào.
Còn dòng tweet của Tổng thống Ukraine hôm 28/3 có thể có một mục đích: Tăng cường áp lực lên Chủ tịch Hạ viện Mỹ và làm sâu sắc thêm cảm giác ông Johnson là lý do chính dẫn đến việc Quốc hội Mỹ cho đến nay vẫn trì hoãn dự luật viện trợ.
Ông Johnson vẫn chưa đưa ra tuyên bố công khai về cuộc điện đàm. The Independent đã liên hệ với văn phòng Chủ tịch Hạ viện Mỹ để bình luận.
Thực tế, ông Johnson đã trở thành trung tâm của cuộc tranh luận sôi nổi về viện trợ cho Ukraine kể từ thời điểm ông bắt đầu “cầm trịch” tại Hạ viện Mỹ vào tháng 10 năm ngoái.
Một tháng trước đó, ông đã cùng với hầu hết các hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa phản đối khoản viện trợ quân sự mới trị giá 300 triệu USD cho Kiev, nhưng sau khi khoác lên mình tư cách Chủ tịch Hạ viện, ông đã nhiều lần nói rằng ông muốn hỗ trợ đồng minh của Mỹ trong việc bảo vệ nước này trước các cuộc tấn công của Nga.
Tuy nhiên, ông Johnson đã từ chối xem xét gói viện trợ nước ngoài được Thượng viện Mỹ thông qua vào tháng trước. Gói viện trợ này, bao gồm 60 tỷ USD cho Ukraine, được thông qua với sự ủng hộ của 22 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, trong đó có Lãnh đạo phe thiểu số Mitch McConnell.
Lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer và ông McConnell đều đã kêu gọi ông Johnson tiếp tục quy trình lập pháp tại Hạ viện đối với dự luật đã được Thượng viện thông qua.
Nhưng có một vấn đề: Ông Johnson đang phải đối mặt với “sự nổi dậy” từ một trong những thành viên cánh hữu nhất của Đảng Cộng hòa. Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene, người trung thành với cựu Tổng thống Donald Trump, hồi tháng 1 đã đe dọa sẽ đưa ra kiến nghị bãi nhiệm ông Johnson khỏi vị trí lãnh đạo nếu dự luật bao gồm viện trợ cho Ukraine được Hạ viện thông qua.
Dù không rõ liệu bà Greene có thực sự hành động để hiện thực hóa lời đe dọa của mình hay không, nhưng lời cảnh báo dành cho ông Johnson vẫn là: Việc ông phớt lờ những yêu cầu của phe bảo thủ xung quanh dự luật này có thể khiến ông phải trả giá đắt.
Minh Đức (Theo The Hill, The Independent)