Trung Quốc chỉ trích tư duy “tổng bằng không” của Washington, Australia phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, NATO bất ngờ về thay đổi chính sách của Mỹ trong vấn đề Ukraine, Ấn Độ cáo buộc Pakistan vi phạm lệnh ngừng bắn…là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ sắp gặp Tổng thống Nga Putin tại Saudi Arabia. (Nguồn: Sputnik) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Ấn Độ cáo buộc Pakistan vi phạm lệnh ngừng bắn: Báo giới Ấn Độ ngày 12/2 đưa tin quân đội Pakistan đã vi phạm lệnh ngừng bắn khi tấn công các chốt kiểm soát của Ấn Độ dọc theo Đường kiểm soát (LoC) tại khu vực tranh chấp Jammu và Kashmir giữa hai nước.
Phía Ấn Độ đã đáp trả quyết liệt, gây thương vong nghiêm trọng cho lực lượng Pakistan. Mặc dù mức độ thiệt hại cụ thể chưa được xác nhận, nhưng các nguồn tin cho biết quân đội Pakistan đã phải hứng chịu “thương vong nặng nề”. Quân đội Ấn Độ chưa đưa ra thông báo chính thức về thông tin này.
Các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn hiếm khi xảy ra kể từ khi Ấn Độ và Pakistan gia hạn thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 25/2/2021. (India Today)
*Trung Quốc chỉ trích tư duy “tổng số bằng không” của Mỹ: Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Hà Vịnh Tiền ngày 13/2 đã lên tiếng kêu gọi Mỹ từ bỏ tư duy “tổng số bằng không”, sửa chữa sai lầm, quay trở lại con đường đúng đắn của hệ thống thương mại đa phương và hợp tác với các quốc gia khác để giải quyết các mối quan ngại tương ứng thông qua những cuộc tham vấn trên cơ sở bình đẳng.
Phát biểu trên được đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ khi trả lời câu hỏi về việc Washington tăng thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu lên 25%. (THX)
*Ấn Độ bán tên lửa phòng không Akash cho Philippines: Các nguồn tin Ấn Độ cho biết nước này kỳ vọng sẽ bán tên lửa tầm ngắn Akash cho Philippines trong năm nay theo thỏa thuận trị giá hơn 200 triệu USD.
Nếu điều này trở thành hiện thực thì đây sẽ là hợp đồng xuất khẩu quốc phòng lớn thứ hai sang Philippines.
Hệ thống tên lửa đất đối không Akash có tầm bắn lên tới 25 km đã được xuất khẩu sang Armenia vào năm ngoái theo thỏa thuận trị giá 230 triệu USD. Trước đó, Ấn Độ bán tên lửa hành trình siêu thanh tầm trung BrahMos cho Philippines trong thương vụ trị giá 375 triệu USD vào năm 2022. (Reuters)
*Australia phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông: Australia ngày 13/2 nêu quan ngại với Trung Quốc về hành động mà nước này cho là "không an toàn và thiếu chuyên nghiệp" của một máy bay tiêm kích Trung Quốc đối với máy bay tuần tra hàng hải của Australia trên Biển Đông hôm 11/2.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Australia cho biết một máy bay tiêm kích J-16 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã phóng pháo sáng ở khoảng cách gần với máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon của Không quân Hoàng gia Australia khi máy bay này đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra giám sát thường lệ trên Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Australia cũng nhấn mạnh một khinh hạm, tuần dương hạm và tàu tiếp tế của Hải quân PLA đã đi vào vùng biển lân cận của Australia. (Reuters)
*Bắc Kinh trấn an Seoul về DeepSeek: Ngày 13/2, Đại sứ Trung Quốc tại Seoul Đới Binh (Dai Bing) đã viện dẫn thông cáo chung về trí tuệ nhân tạo (AI) được Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước khác ký tại hội nghị thượng đỉnh gần đây ở Paris, trong bối cảnh Seoul có động thái chặn truy cập vào mô hình AI DeepSeek của Trung Quốc vì lo ngại về an ninh.
Ông tuyên bố: "Là một quốc gia tích cực ủng hộ và thực hiện quản trị AI toàn cầu, Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Hàn Quốc, để đáp ứng kỳ vọng toàn cầu và thúc đẩy một môi trường phát triển AI rộng mở, toàn diện, có lợi và không phân biệt đối xử, đảm bảo mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia và người dân". (Yonhap)
Châu Âu
*Nga mong muốn phát triển mối quan hệ “đặc quyền” với Trung Quốc: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 13/2 tuyên bố Nga có ý định phát triển quan hệ với Trung Quốc và rất coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đặc quyền với nước này.
Ông Peskov nhấn mạnh: “Trung Quốc là đối tác của chúng ta, là một quốc gia mà chúng ta có quan hệ rất gần gũi, toàn diện. Và tất nhiên, chúng ta có ý định tiếp tục phát triển quan hệ này trên mọi phương diện có thể..”.
Đề cập đến những cuộc đàm phán về Ukraine, ông Peskov cho rằng hiện còn quá sớm để nói về thành phần các bên tham gia. Người phát ngôn Điện Kremlin nêu rõ: “Hiện tại, cũng không thể nói gì về thành phần tham gia (đàm phán về Ukraine), bởi vì chưa có các mối tiếp xúc thực chất ở cấp chuyên môn”. (RIA Novosti)
*Cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Trump chứng tỏ châu Âu “đã hết thời”: Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev ngày 13/2 tuyên bố châu Âu đang ghen tị và tức giận với cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump vì sự kiện này chứng tỏ quyền lực của “Lục đị già” đã suy yếu.
Cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin ngày 12/2 đã làm dấy lên lo ngại trong giới chính trị châu Âu rằng hai nhà lãnh đạo có thể tìm cách đạt thỏa thuận về cuộc chiến ở Ukraine với những điều khoản bất lợi cho Kiev. Ông Medvedev khẳng định: “Diễn biến này cho thấy vai trò thực sự của châu Âu trên thế giới đã hết". (Reuters)
*NATO bất ngờ về thay đổi chính sách của Mỹ trong vấn đề Ukraine: Một nhà ngoại giao NATO tiết lộ với cổng tin tức Euractiv rằng phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth về việc Ukraine gia nhập liên minh là không thực tế đồng nghĩa với việc ép Kiev phải "đầu hàng trước".
Ngày 12/2, Bộ trưởng Hegseth tuyên bố Mỹ cho rằng việc Ukraine gia nhập NATO không phải là kết quả khả thi trong bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào với Nga. Ông cũng cho biết mọi bảo đảm an ninh trong tương lai cho Ukraine sẽ phải được các lực lượng trong và ngoài châu Âu hỗ trợ trong một sứ mệnh không thuộc NATO và không có sự tham gia của Mỹ. (RIA Novosti)
*Tổng thống Mỹ nói sẽ sớm có lệnh ngừng bắn ở Ukraine: Ngày 12/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ có lệnh ngừng bắn ở Ukraine trong "tương lai không xa".
Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố trên với các phóng viên tại Nhà Trắng chỉ vài giờ sau khi tiết lộ đã có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin và đã nhất trí bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine. Bên cạnh đó, ông Trump nhấn mạnh việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là "không khả thi", đây vốn là một điểm bất đồng then chốt trong xung đột giữa Ukraine và Nga. (AFP)
*Tổng thống Mỹ điện đàm với Tổng thống Ukraine: Văn phòng Tổng thống Ukraine xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 12/2 và nói chuyện trong khoảng một giờ. Cuộc điện đàm này diễn ra ngay sau cuộc đối thoại giữa ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Zelensky cho biết ông Trum đã thông báo với ông về nội dung cuộc điện đàm trước đó với ông Putin. Ông Zelensky cũng cho biết hai bên đề cập cả đến thoả thuận mới về an ninh và hợp tác kinh tế cũng như hợp tác về tài nguyên được thảo luận với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessant, người đang có chuyến thăm Kiev. Hai bên đã nhất trí sẽ tiếp tục liên lạc và gặp mặt. (AFP)
Trung Đông – châu Phi
*Hamas không muốn lệnh ngừng bắn ở Gaza đổ vỡ: Phong trào Hamas ngày 13/2 ra tuyên bố khẳng định lực lượng này không muốn thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza sụp đổ. Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh những cuộc đàm giữa các bên về việc tiếp tục thỏa thuận ngừng bắn giữa Hamas và Israel đang tiếp diễn ở Qatar.
Israel trước đó đã thông qua 2 nhà trung gian hòa giải Ai Cập và Qatar truyền tải thông điệp tới Hamas về việc đảm bảo tiếp tục thỏa thuận ngừng bắn nếu lực lượng này trả tự do cho các con tin theo kế hoạch vào ngày 15/2 tới.
Hôm 10/2, Hamas tuyên bố việc bàn giao con tin Israel theo dự kiến sẽ bị hoãn lại cho đến khi có thông báo mới. Hamas cũng cáo buộc Israel vi phạm các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn. (Al Jazeera)
*Iran chỉ trích chính sách gây sức ép tối đa của Mỹ: Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ngày 12/2 đã chỉ trích mạnh mẽ các chính sách gây sức ép tối đa đầy mâu thuẫn của Mỹ đối với Tehran.
Nhà lãnh đạo Iran đặt câu hỏi nếu Mỹ thực sự muốn đàm phán, tại sao họ không dừng các chính sách thù địch của mình lại.
Mới đây, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp vào tuần trước để khôi phục chiến dịch “gây sức ép tối đa” đối với Iran, nhằm ngăn chặn Tehran “sở hữu vũ khí hạt nhân”. Áp lực gia tăng trong bối cảnh Tổng thống Trump đã ra tín hiệu sẵn sàng đàm phán với Iran về chương trình hạt nhân của nước này. (Al Jazeera)
TIN LIÊN QUAN | |
Bắt tín hiệu cách tiếp cận mới của ông Trump, Iran ra điều kiện đàm phát hạt nhân |
*Tổng thống Ai Cập hoãn chuyến thăm Mỹ: Ngày 12/2, báo Ahram Online đưa tin Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã hoãn chuyến thăm Mỹ theo kế hoạch cho đến khi có thông báo mới. Theo nguồn tin này, quyết định của ông El-Sisi được đưa ra, sau khi Quốc vương Jordan Abdullah II có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington.
Gần đây Ai Cập đã đưa ra nhiều phản hồi liên quan tới kế hoạch về Dải Gaza do ông Trump đề xuất, kiên quyết bác bỏ việc phân bổ đất đai để tái định cư người dân Gaza và từ chối tiến hành các cuộc thảo luận về việc di dời người Palestine. Báo cáo cho biết thêm rằng Ai Cập cũng đã chính thức yêu cầu Mỹ làm rõ về những bình luận gần đây của ông Trump về các lệnh trừng phạt tiềm tàng nhắm vào Cairo. (Arab News)
*Israel cảnh báo "chiến tranh" ở Gaza nếu Hamas dừng phóng thích tù nhân: Ngày 12/2, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cảnh báo nước này sẽ nối lại chiến tranh ở Gaza nếu Hamas không thực thiện thỏa thuận ngừng bắn và phóng thích các con tin vào ngày 15/2.
Ông Katz cho biết: "Cuộc chiến tranh mới ở Gaza sẽ khác biệt về cường độ so với cuộc chiến trước khi có lệnh ngừng bắn. Cuộc chiến sẽ không kết thúc mà không có sự thất bại của Hamas và việc phóng thích tất cả các con tin. Điều này cũng cho phép hiện thực hóa tầm nhìn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Gaza". (AFP)
Châu Mỹ
*Mỹ có thể dỡ bỏ trừng phạt Nga khi đạt tiến triển trong vấn đề Ukraine: Chuyên gia phân tích chính trị và nghiên cứu Christopher Helali dự báo Mỹ có thể bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga nếu đạt được tiến triển trong quá trình đàm phán về vấn đề Ukraine.
Trong cuộc trao đổi với TASS về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump, chuyên gia Helali chia sẻ: “Tôi cũng biết rằng một phần cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Nga-Mỹ đề cập đến đồng USD, các vấn đề kinh tế khác nhau. Chắc chắn BRICS cũng được nhắc đến. Vì vậy, vẫn còn những vấn đề tồn đọng về phi đô la hóa và sự phát triển của thế giới đa cực”. (TASS)
*Tổng thống Mexico phản đối ông Trump áp thuế: Ngày 12/2, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum tiếp tục lên tiếng phản đối thuế quan mới của Mỹ đối với thép và nhôm nhập khẩu, nói rằng bà đã viết một bức thư gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump về biện pháp “không cần thiết” này.
Theo các số liệu chính thức, Mỹ đã ghi nhận thặng dư gần 6,897 tỷ USD trong thương mại thép và nhôm với Mexico năm 2024. Trong tuần qua, Tổng thống Trump đã kí sắc lệnh áp thuế 25% lên thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, điều dự kiến sẽ tác động đến ngành thép của Mexico.
Cùng lúc đó, Mexico và Mỹ đang tổ chức các cuộc đối thoại để đàm phán về việc tạm ngưng mức thuế 25% đối với tất cả các hàng hóa Mexico được xuất khẩu sang Mỹ. (THX)
*Tổng thống Trudeau bác bỏ kịch bản sáp nhập Canada với Mỹ: Trong chuyến thăm châu Âu mới đây, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố việc sáp nhập Canada với Mỹ sẽ "không bao giờ xảy ra".
Trước đó, chính quyền của Tổng thống Trump ngày 1/2 thông báo quyết định áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Canada. Canada đáp trả bằng việc áp thuế 25% đối với hàng hóa Mỹ trị giá 155 tỷ CAD (107 tỷ USD).
Các mức thuế này lẽ ra đã được áp dụng vào đầu tuần này, nhưng vào phút chót, Mỹ và Canada đã tạm hoãn các đề xuất thuế quan tương ứng trong ít nhất 30 ngày. Tổng thống Trump tuyên bố nếu Canada muốn tránh mức thuế cao, họ có thể trở thành bang thứ 51 của Mỹ.(THX)
*Tỷ phú Elon Musk bồi thường 10 triệu USD cho ông Donald Trump: Theo Wall Street Journal, nền tảng truyền thông xã hội X của tỷ phú Elon Musk đã đồng ý dàn xếp vụ kiện liên quan đến việc Twitter (tên cũ của X) cấm Donald Trump sau vụ bạo loạn tại Điện Capitol Mỹ ngày 6/1/2021.
Twitter và các nền tảng mạng xã hội khác đã khóa tài khoản của ông Trump tại thời điểm đó vì lo ngại ông sẽ kích động thêm bạo lực với những tuyên bố sai sự thật về gian lận cử tri khiến ông thất bại trước Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2020.
Tỷ phú Musk sau đó đã mua Twitter và đổi tên thành X. Ông đã khôi phục tài khoản của Trump trên nền tảng này và là một người ủng hộ chính của ông Trump trong cuộc đua tổng thống vừa qua. Ông Trump đã bổ nhiệm ông Musk làm người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ mới thành lập.(AFP)
*Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ gặp người đồng cấp Nga tại Saudi Arabia: Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/2 cho biết ông sẽ có cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Saudi Arabia.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng tìm cách thúc đẩy việc chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại nước láng giềng Ukraine.
Động thái trên diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông Trump cho biết hai nhà lãnh đạo đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại và đồng ý ngay lập tức bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine. Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết cuộc gọi kéo dài gần một tiếng rưỡi và hai bên nhất trí rằng "đã đến lúc phải hợp tác". (Reuters)
Nguồn: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-132-tong-thong-my-dien-dam-voi-tong-thong-nga-va-ukraine-noi-se-gap-ong-putin-tai-saudi-arabia-va-co-lenh-ngung-ban-som-cho-ukraine-304211.html
Bình luận (0)