Ứng cử viên 55 tuổi này đã giành được 42,3% số phiếu trong cuộc bầu cử ngày 21/9, sự thay đổi lớn đối với một người chỉ giành được 3% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2019.
Lãnh đạo phe đối lập Sajith Premadasa giành được 32,8% số phiếu bầu. Tổng thống đương nhiệm Ranil Wickremesinghe đứng thứ ba với 17% số phiếu bầu.
Sau khi đắc cử, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về ông Anura Kumara Dissanayake cũng như tương lai đất nước khi ông lãnh đạo.
Khởi đầu chính trị
Sinh ngày 24/11/1968, ông Dissanayake, thường được biết đến với tên viết tắt là AKD, là con trai của một người lao động có bằng khoa học vật lý.
Ông tham gia vào chính trị cánh tả khi còn là sinh viên, vào khoảng thời gian Hiệp định Ấn Độ-Sri Lanka năm 1987 được ký kết. Thỏa thuận này là một phần trong kế hoạch của Chính phủ Sri Lanka nhằm chấm dứt nội chiến bằng cách chuyển giao quyền lực chính trị cho người Tamil thiểu số dựa trên một thỏa thuận do nước láng giềng Ấn Độ làm trung gian, theo đó sẽ gửi lực lượng gìn giữ hòa bình.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đã không đạt được mục tiêu và dẫn đến cuộc nổi loạn đẫm máu ở Sri Lanka, do đảng chính trị Marxist Janatha Vimukthi Peramuna (JVP) hay Mặt trận Giải phóng Nhân dân dẫn đầu.
Vào thời điểm đó, ông Dissanayake, một thành viên của cộng đồng Sinhalese chiếm đa số, là một nhà lãnh đạo sinh viên tích cực của JVP. Cuộc nổi loạn đã bị dập tắt trong khoảng hai năm.
Ông Dissanayake kể rằng mình đã được một giáo viên bảo vệ trong hơn một tháng khỏi các vụ giết hại các nhà hoạt động JVP.
Một số lượng lớn người đã mất tích, và ước tính không chính thức cho thấy số người chết trong cuộc đấu tranh vũ trang của JVP là khoảng 60.000 người. Một số người vẫn chưa được tìm thấy.
Theo chủ nghĩa Marx và ngưỡng mộ các lãnh đạo cộng sản
Ông Dissanayake đã thăng tiến qua nhiều cấp bậc trong JVP trong nhiều năm.
Trong CV của mình, ông đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đảng vào năm 2014 và ngay sau đó đã tuyên bố công khai rằng đảng sẽ “không bao giờ” cầm vũ khí nữa.
Nguồn gốc chủ nghĩa Marx của đảng ông thể hiện rõ trong văn phòng của ông ở thủ đô, với chân dung của những nhà lãnh đạo cộng sản lỗi lạc như Karl Marx, Vladimir Lenin, Friedrich Engels và Fidel Castro. Bên ngoài, lá cờ búa liềm màu đỏ tung bay trên cột cờ.
Đã kết hôn và có hai con, ông Dissanayake dành phần lớn sự nghiệp chính trị của mình ở bên ngoài xã hội chính thống.
Theo cổng thông tin The Hindu, ông đã thành lập liên minh Quyền lực Nhân dân Quốc gia, với hơn hai chục nhóm chính trị nhỏ, các chuyên gia, học giả và nhà hoạt động.
Tờ The Hindu đưa tin, sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của một lực lượng thứ ba, bên ngoài hai phe phái chính trị truyền thống của Sri Lanka.
Năm 2019, ông ra tranh cử tổng thống và đứng thứ ba với việc chỉ giành được 3% số phiếu bầu.
Ứng cử viên mang lại sự thay đổi
Ông Dissanayake ra tranh cử với tư cách là ứng cử viên của liên minh Quyền lực Nhân dân Quốc gia, trong đó có đảng JVP theo chủ nghĩa Marx của ông.
Mặc dù JVP chỉ có ba ghế trong quốc hội, nhưng lời hứa của ông Dissanayake về các biện pháp chống tham nhũng cứng rắn và nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo hơn đã giúp ông tăng thêm sự ủng hộ.
“Lần đầu tiên trong lịch sử hậu độc lập của Sri Lanka, quyền lực chính trị sẽ chuyển từ một số gia đình tinh hoa tham nhũng sang chính quyền của nhân dân”, ông viết trong bản tuyên ngôn vận động tranh cử của đảng mình.
Ông cũng tự giới thiệu mình là ứng cử viên mang lại sự thay đổi cho những người đang phải chịu đựng các biện pháp thắt lưng buộc bụng liên quan đến gói cứu trợ 2,9 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Nền kinh tế mở
Kể từ khi nổi tiếng, ông Dissanayake đã nới lỏng một số chính sách, nói rằng ông tin vào nền kinh tế mở và không hoàn toàn phản đối tư nhân hóa.
Bản tuyên ngôn của ông cam kết cải thiện các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ mà không cần bán chúng.
Ông Dissanayake và đảng của ông đã hàn gắn quan hệ với Ấn Độ kể từ năm 1987. Ông cũng được coi là có quan hệ thân thiết với Trung Quốc.
Năm nay, ông Dissanayake đã đến thăm New Delhi để họp với các chính trị gia hàng đầu của Ấn Độ, ngay sau chuyến thăm tương tự tới Bắc Kinh. “Lãnh thổ Sri Lanka sẽ không được sử dụng để chống lại bất kỳ quốc gia nào khác”, ông nói.
Cuộc bầu cử hôm 21/9 là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi các cuộc biểu tình rầm rộ về nền kinh tế lật đổ cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa vào năm 2022.
Đó là cuộc khủng hoảng tài chính là tồi tệ nhất trong lịch sử Sri Lanka khi quốc gia này giành độc lập kể từ khi chế độ thực dân Anh kết thúc vào năm 1948.
Được hỗ trợ bởi thỏa thuận của IMF, nền kinh tế Sri Lanka đã phục hồi một cách thận trọng, dự kiến sẽ tăng trưởng trong năm nay lần đầu tiên sau ba năm. Lạm phát đã giảm xuống còn 0,5% từ mức đỉnh điểm khủng hoảng là 70%.
Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt cao liên tục là vấn đề quan trọng đối với nhiều cử tri vì hàng triệu người vẫn sống trong cảnh nghèo đói.
Ông Dissanayake đã hứa sẽ giải tán quốc hội trong vòng 45 ngày sau khi nhậm chức để có nhiệm kỳ mới cho các chính sách của mình trong cuộc tổng tuyển cử.
Ông sẽ phải đảm bảo Sri Lanka tuân thủ chương trình của IMF cho đến năm 2027 để đưa nền kinh tế của nước này đi vào con đường tăng trưởng ổn định, trấn an thị trường, trả nợ, thu hút các nhà đầu tư và giúp một phần tư người dân thoát khỏi đói nghèo.
Ngọc Ánh (theo CNA)
Nguồn: https://www.congluan.vn/tong-thong-dac-cu-sri-lanka-nguoi-theo-chu-nghia-marx-va-khat-vong-dua-dat-nuoc-thoat-khoi-khung-hoang-post313516.html