Tuy nhiên, sau niềm vui chiến thắng, là những thách thức nan giải mà vị tổng thống trẻ sẽ phải đối mặt tại một quốc gia vẫn được mệnh danh là “Thiên đường bạo lực”.
Làn gió mới ở Ecuador
Đó là nhận xét của báo giới trước việc Hội đồng Bầu cử Quốc gia Ecuador đã xác nhận ứng viên Daniel Noboa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 tại quốc gia Nam Mỹ này. Ông Noboa giành được hơn 52% số phiếu ủng hộ, đánh bại đối thủ Luisa Gonzalez giành được khoảng gần 48% số phiếu. Với kết quả này, ông Daniel Noboa đã trở thành tổng thống đắc cử trẻ nhất lịch sử hiện đại của Ecuador.
Thông tin về vị tân Tổng thống không nhiều nhưng có một thông tin mà trong và ngoài Ecuador gần như không ai không biết đó là việc Daniel Noboa là con trai cưng đồng thời là người thừa kế của tỉ phú Álvaro Noboa – tỷ phú người giàu nhất Ecuador, chuyên về xuất khẩu chuối.
Đúng với sự kì vọng lớn từ người cha, ngay từ nhỏ Daniel Noboa đã chứng tỏ khả năng và sự chuyên chú học hành của mình. Ngay từ tuổi 18, Daniel Noboa đã là một doanh nhân, tự thành lập công ty riêng của mình. Sau đó, Daniel Noboa hiện thực hóa quyết tâm trở thành doanh nhân thực thụ của mình bằng việc theo học về quản trị kinh doanh tại Đại học New York và quản trị công tại Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard.
Sau khi tốt nghiệp, Daniel Noboa trở thành Giám đốc phụ trách mảng hậu cần và thương mại của Tập đoàn Noboa từ 2010 – 2018. Cũng nuôi trong mình nhiều tham vọng giống người cha tỷ phú, Daniel Noboa còn quyết tâm lấn sân sang chính trị bằng việc tham gia ứng viên đại diện liên minh Hành động Dân chủ Quốc gia, gồm các đảng trung dung và cánh hữu ở Ecuador, tham gia Quốc hội Ecuador từ 2021 – 2023.
Và giờ đây, ở tuổi 35, Daniel Noboa đã chứng minh “con hơn cha” bằng việc thắng cử thuyết phục trong cuộc bầu cử Tổng thống Ecuador vừa qua, ở tuổi mới 35, làm được một việc mà người cha tỷ phú từng rất quyết tâm nhưng không thể làm được (ông Ávaro Noboac có đến 5 lần tham gia ứng cử Tổng thống nhưng chưa lần nào giành được chiến thắng).
“An toàn là điều đầu tiên cần được tân tổng thống giải quyết”
Đó là chia sẻ của người chủ hàng bán rau quả Rosa Amaguana, 62 tuổi khi được hỏi về những kỳ vọng về vị tân Tổng thống. Mong muốn ấy có thể là điều quá đơn giản với người dân nhiều nước nhưng thực tế lại đang là nỗi khát khao, mong muốn hết sức thực tế với hết thảy người dân Ecuador.
Cho đến giờ, một câu hỏi day dứt đã được người dân Ecuador đặt ra nhiều lần, đó là vì đâu một quốc gia mới chỉ cách đây 3,4 năm thôi còn là một quốc gia rất đỗi thanh bình, đã vụt trở thành “thiên đường bạo lực” với sự xuất hiện, hoành hành ngày càng dữ dội của các loại tội phạm từ sát thủ chuyên nghiệp, kẻ bắt cóc, tống tiền cho tới những đối tượng trộm cướp vặt…
Theo nhiều khẳng định, các cảng nước sâu, nền kinh tế bị đô la hóa và vấn nạn tham nhũng đã khiến Ecuador trở thành điểm trung chuyển ma túy quan trọng đến tay người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu. Và chính ma túy là một trong những nguồn cơn quan trọng nhất dẫn tới bạo lực tại Ecuador. Việc các nhóm tội phạm tranh giành quyền kiểm soát và phân phối ma tuý, chủ yếu là cocain đã là nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng đáng quan ngại này.
Theo thống kê của Cảnh sát Quốc gia Ecuador, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Ecuador đã ghi nhận 3.568 cái chết do bạo lực, hơn nhiều so với con số 2.042 được báo cáo trong cùng kỳ năm 2022. Còn trong năm 2022, là 4.600 vụ giết người, cao nhất trong lịch sử của đất nước và tăng gấp đôi tổng số vào năm 2021. Năm 2022, Dữ liệu Cảnh sát Quốc gia cho thấy đã có tới 31.485 vụ cướp giật, nhiều hơn khoảng 11.000 vụ so với năm 2020. Guayaquil – thành phố lớn thứ hai của Ecuador – được coi là tâm điểm của “thiên đường bạo lực”.
Khoảng 1/3 số ca tử vong do bạo lực trong 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra tại thành phố này. Guayaquil còn được xem là đang vượt Juarez (Mexico) và Port-au-Prince (Haiti) về tỷ lệ giết người. Tình hình nghiêm trọng tới mức hồi tháng 7/2023, Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm vào ban đêm tại 3 tỉnh ven biển trong bối cảnh làn sóng bạo lực bùng phát.
Nói tới tình trạng bạo lực tại Ecuador không thể không nhắc tới bạo lực nhà tù. Số liệu thống kê cho thấy kể từ năm 2021 đến nay, những vụ đụng độ đẫm máu đã cướp đi sinh mạng của hơn 430 người trong các nhà tù ở Ecuador. Đơn cử như hồi cuối tháng 7 vừa qua, chỉ riêng tại hệ thống nhà tù Guayas 1 – nơi giam giữ hơn 5.600 tù nhân, đã có 31 người thiệt mạng do xung đột giữa các băng nhóm tội phạm hay vụ bạo loạn xảy ra tại nhà tù Litoral ở thành phố Guayaquil ngày 14/4/2023 khiến ít nhất 12 người thiệt mạng.
Chính phủ Ecuador cho rằng, bạo lực là do các tù nhân thuộc các băng nhóm khác nhau đã sử dụng dao, súng và chất nổ tấn công lẫn nhau, tranh giành quyền lực. Hồi năm 2021, khi vụ hỗn loạn đẫm máu tại nhà tù Litoral, gần thành phố Guayaquil, miền Tây Ecuador khiến 90 người thiệt mạng, Tổng thống Ecuador đã phải ban bố lệnh trình trạng khẩn cấp và cho phép huy động hàng nghìn binh lính quân đội và cảnh sát để tuần tra tại 65 nhà tù trên cả nước.
Bạo lực giới cũng khủng khiếp tại đất nước này. Theo các cơ quan phụ trách về bình đẳng giới của EU, tại Ecuador, 65% tổng số phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 49 đã từng chịu đựng một hình thức bạo lực giới trong đời. Cứ 72 giờ lại có một phụ nữ Ecuador tự tử, với tổng số 443 trường hợp ghi nhận từ tháng 8/2014 đến tháng 11/2020. Tuy nhiên, mọi giải pháp đến nay dường như vẫn chưa mang đến hiệu quả rõ rệt nào.
Tháng 8/2023, để tổ chức được cuộc bầu cử tổng thống, Ecuador đã phải huy động số lượng cảnh sát và binh lính lớn chưa từng có để tham gia đảm bảo an ninh. Dù vậy, những sự việc chấn động vẫn xảy đến, trong đó gây choáng váng nhất là vụ việc ngày 9/8, ứng cử viên Tổng thống Fernando Villavicencio bị ám sát khi ông rời một cuộc vận động tranh cử ở thủ đô Quito. Sau khi vụ việc xảy ra, Ecuador đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Không dễ cho một Ecuador đầy tươi mới
“Từ ngày mai, chúng tôi bắt tay vào làm việc cho Ecuador đầy tươi mới, chúng tôi bắt đầu tái thiết nền kinh tế bị tàn phá nghiêm trọng vì bạo lực, tham nhũng và thù hận” – tân tổng thống Noboa đã chia sẻ như vậy với những người ủng hộ trong ngày chiến thắng.
Tuy nhiên, mọi việc không hề dễ dàng cho ông Noboa. Bất chấp vô số giải pháp cứng rắn đã được đưa ra, tình trạng bạo lực tại Ecuador không những không thuyên giảm mà còn hoành hành ngày càng dữ dội. “Chúng tôi chưa bao giờ trải qua những gì đang xảy ra lúc này. Số người chết bởi bạo lực băng đảng cũng nhiều như đang có một đại dịch khác vậy” – Jorge Wated, một doanh nhân từng lãnh đạo lực lượng chuyên trách của chính phủ Ecuador thu thập các thi thể trong đại dịch COVID-19 cho hay.
Quá mệt mỏi với nạn bạo lực băng đảng leo thang, hàng nghìn người Ecuador đang tìm cách di cư để thoát khỏi nguy cơ trở thành nạn nhân của những vụ giết người.
Chưa hết, việc đối phó và tìm giải pháp cho một nền kinh tế đang trì trệ cũng là một thách thức nan giải không kém với tân Tổng thống. Sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế Ecuado ngày càng bất ổn. Ngân hàng Trung ương Ecuado mới đây đã giảm kỳ vọng tăng trưởng cho năm 2023 từ 3,1% xuống 2,6%, một chỉ số kinh tế hằng năm mà các nhà phân tích dự báo sẽ còn thấp hơn. Hồi năm 2022, theo Chính phủ Ecuador, các cuộc biểu tình đã làm cho hoạt động sản xuất tại hơn 1.000 giếng phải tạm ngưng, khiến sản lượng dầu của Ecuador giảm hơn một nửa so với khoảng 520.000 thùng mỗi ngày. Nên nhớ, dầu thô là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Ecuador.
Khó khăn chồng chất khó khăn, trong khi đó nhiệm kỳ của tân tổng thống sẽ chỉ kéo dài đến tháng 5/2025 – khoảng thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Tổng thống Guillermo Lasso.
“Sẽ rất khó đối với ngay cả một vị tổng thống được chuẩn bị tốt nhất để có thể đảo ngược cuộc khủng hoảng an ninh ở Ecuador trong vòng 18 tháng. Ông Noboa chắc chắn là không” – Will Freeman, nhà nghiên cứu về Mỹ Latinh nhận định như đinh đóng cột. Còn người dân Ecuador thì vẫn cứ thắp cho mình ngọn lửa hy vọng. “Tôi hy vọng đất nước sẽ thay đổi. Tổng thống kế nhiệm phải có đủ khả năng giải quyết cả những điều nhỏ bé” – một người dân Ecuador bày tỏ.
Hà Anh