Tổng Giám đốc CII nói gì về việc bán toàn bộ cổ phiếu để mua trái phiếu
Trong sáng ngày 17/10/2023, Đại hội đồng cổ đông bất thường 2023 của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (Mã CII) đã được tổ chức lần thứ 2. Có 95 cổ đông tham dự, đại diện cho 96,9 triệu cổ phiếu, chiếm 34,13% vốn điều lệ tham dự đại hội.
Đáng chú ý trong đó, Tổng giám đốc CII – ông Lê Quốc Bình đã đưa ra lời giải thích về việc ông cùng vợ bán ra toàn bộ cổ phiếu CII để chuyển sang mua trái phiếu chuyển đổi của doanh nghiệp.
Theo giải trình của ông Bình thì việc bán toàn bộ cổ phiếu và mua trái phiếu chuyển đổi với mục đích chuyển vị thế từ cổ đông sang chủ nợ. Ông Bình cho biết thêm đây là khoản đầu tư dài hạn vào CII, nắm giữ trái phiếu, số lượng trái phiếu khi chuyển đổi sẽ được nhiều cổ phiếu hơn. Còn bản thân ông khi nào nghỉ hưu ông mới không nghĩ tới việc nắm giữ CII nữa.
Trước đó ông Lê Quốc Bình đã đăng ký bán ra toàn bộ 6 triệu cổ phiếu mà mình nắm giữ theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận từ ngày 10/10 – 8/11. Số tiền thu về dự kiến là khoảng 112 tỷ đồng theo giá thị trường. Sự việc trên đã gây xôn xao không ít cho cổ đông của CII.
Vợ của ông Bình, bà Phạm Thuý Hằng cũng bán ra toàn bộ 4 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 1,41% về còn 0% vốn điều lệ, giao dịch cũng được dự kiến thực hiện từ ngày 10/10 – 8/11. Mục đích việc thoái vốn của ông Bình và vợ đều là để đầu tư mua trái phiếu chuyển đổi mã CII42301 của CII.
Điều này khiến nhiều cổ đông băn khoăn bởi việc chuyển vị thế từ cổ đông sang chủ nợ theo lý thuyết sẽ giúp vợ chồng Tổng giám đốc Bình có được sự ưu tiên khi xử lý tài sản của CII trong trường hợp doanh nghiệp phá sản.
Nợ vay lên tới 13.000 tỷ, CII muốn tái cơ cấu tài sản
Một trong những vấn đề nổi cộm của CII hiện tại đó là lượng nợ vay chiếm phần lớn trong cơ cấu nguồn vốn doanh nghiệp. Tại cuối Quý 2, tổng tài sản của CII đạt 26.649,2 tỷ đồng. Trong đó có 954,6 tỷ đồng tiền mặt. Đi kèm 2,5 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và 615,6 tỷ đồng đầu tư chứng khoán.
Đáng chú ý, nợ vay ngắn hạn chiếm 6.039,4 tỷ đồng, nợ vay dài hạn chiếm 7.112,3 tỷ đồng. Tổng nợ vay của CII hiện đã lên tới 13.151,7 tỷ đồng, chưa kể tới các nghĩa vụ phải trả khác. So với vốn chủ sở hữu thì lượng nợ vay của CII đang cao hơn tới 62,2%.
Cũng về vấn đề vay nợ, trên báo cáo kết quả kinh doanh Quý 2 của CII, chi phí tài chính tăng thêm 41,2% lên mức 454,8 tỷ đồng. Trong đó riêng chi phí lãi vay đã chiếm 363,6 tỷ đồng. Tương đương với việc mỗi ngày CII đang phải trả 4 tỷ lãi vay.
Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2, CII cũng đã nêu ra vấn đề này với giải pháp phát hành trái phiếu chuyển đổi nhằm tái cơ cấu nguồn vốn, giảm tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu.
Theo đó, công ty dự định phát hành tổng cộng 7.000 tỷ đồng trái phiếu. Bao gồm 2.400 tỷ đồng trái phiếu thời hạn 10 năm do tổ chức tín dụng nước ngoài bảo lãnh. 4.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông, thời hạn 10 năm.
CII dự định nghiên cứu 6 dự án BOT tổng đầu tư 75.000 tỷ
Nợ vay cao vượt vốn chủ tới 62,2%, đi kèm áp lực lãi vay phải trả tới 4 tỷ đồng mỗi ngày, CII vẫn tự tin thông báo về việc nghiên cứu 6 dự án BOT mới với tổng đầu tư 75.000 tỷ. Bao gồm:
Cao tốc TP HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 2 với 22.000 tỷ đồng; Nâng cao năng lực thông hành khu vực Tây Bắc TP HCM với 19.059 tỷ đồng; Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ nút giao Tân Kiên đến ranh Long An với 11.982 tỷ đồng; Dự án nâng cao năng lực giao thông dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng – Nguyễn Xí – Ung Văn Khiêm – Nguyễn Hữu Cảnh với 10.108 tỷ đồng; Dự án nâng cấp mở rộng trục Bắc Nam đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức Long Thành với 6.625 tỷ đồng; Dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối đường Cao tốc TP HCM – Trung Lương với 5.048 tỷ đồng.