Chỉ tính riêng ở Mỹ và Canada đã thải ra 32 tấn tóc mỗi ngày. Đây là nguồn nguyên liệu vừa giúp giảm ô nhiễm môi trường vừa có giá thành rẻ để tái chế thành vải may quần áo.
Là nhà thiết kế vật liệu có văn phòng tại Amsterdam, Hà Lan, Zsofia Kollar cho biết cô luôn có niềm đam mê với tóc. Theo cô, khi còn ở trên đầu chúng ta, tóc rất quý giá nhưng khi đã cắt đi, nó lại trở thành thứ có thể khiến nhiều người ghê sợ. Từ niềm đam mê với tóc, Kollar đã biết cách tận dụng biến tóc thành quần áo. Vào năm 2021, cô thành lập công ty khởi nghiệp có tên Human Material Loop, để biến những sợi tóc vương vãi trên sàn của các tiệm hớt tóc thành vải may quần áo, rèm cửa, thảm và đồ nội thất.
Quá trình này bao gồm việc xử lý tóc bằng hóa chất, làm sạch và thay đổi màu sắc cũng như kết cấu để tóc có thể kéo thành sợi. Kollar cho biết các hóa chất này thân thiện với môi trường và không gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Theo cô, sợi tóc sau khi được xử lý có thể được nhuộm bất kỳ màu nào ngoại trừ màu trắng và dệt thành vải giống như bất kỳ loại sợi nào khác. Mặc dù một số nhà thiết kế thời trang đã tạo ra những bộ quần áo mang tính nghệ thuật làm từ tóc người, Kollar cố gắng làm cho vải của mình trông bình thường nhất có thể.
Nhà thiết kế chia sẻ, có 2 lợi ích về môi trường từ việc dệt vải bằng tóc. Đầu tiên, công việc này giúp tóc không bị đưa vào bãi chôn lấp và lò đốt rác, nơi thải ra nhiều khí nhà kính. Thứ hai, tránh được hậu quả của việc khai hoang đất để trồng bông vải, khoan dầu để sản xuất sợi tổng hợp hoặc cắt len cừu, những hoạt động thải ra hàng tấn khí methane làm nóng hành tinh. Hơn nữa, tất cả quá trình xử lý sau đó đều tốn kém. Kollar cho biết, hiện tại, vải làm từ tóc người của Human Material Loop có giá cao hơn len, cotton hoặc polyester do là công ty khởi nghiệp sản xuất vải theo lô nhỏ. Nhưng, một khi đạt được sản xuất quy mô lớn, công ty có thể cung cấp một mức giá rất cạnh tranh.
Bên cạnh ngành dệt may, các công ty và tổ chức phi lợi nhuận gần đây đã biến tóc phế thải thành phân bón, làm chất tẩy sạch dầu tràn hoặc phân hủy chúng thành các axit amin thiết yếu để sử dụng trong các sản phẩm làm đẹp. Để ngành dệt tóc phát triển, ngành này sẽ phải thu thập một lượng lớn tóc, đây có thể là một thách thức về mặt hậu cần. Ví dụ, ở Ấn Độ và Bangladesh, ngành công nghiệp tóc giả và các nhà sản xuất phân bón dựa vào công nhân lương thấp để bán tóc hoặc thu thập tóc từ các tiệm làm tóc.
Theo báo cáo từ công ty quản lý chất thải Green Circle Salons, riêng ở Mỹ và Canada đã thải ra 32 tấn tóc mỗi ngày.
Anh Ankush Gupta, giảng viên hóa học tại Trung tâm Giáo dục khoa học Homi Bhabha ở Mumbai, Ấn Độ, cho biết việc sử dụng tóc tái chế đòi hỏi rất nhiều lao động tham gia vào việc thu thập tóc. Tùy thuộc vào quốc gia, chi phí thu gom tóc sẽ tăng lên nên sẽ khó kiếm được lãi. Hiện có một mô hình thu thập tóc quy mô lớn là Matter of Trust, một tổ chức phi lợi nhuận điều hành một trong những hoạt động thu thập tóc lớn nhất ở Mỹ. Nhóm thu gom hàng trăm tấn tóc mỗi năm để tạo ra những tấm thảm làm sạch vết dầu hoặc bón phân cho đất. Trong 25 năm qua, nhóm đã tuyển dụng một mạng lưới gồm hàng ngàn nhà tài trợ – bao gồm các tiệm cắt tóc, tiệm làm tóc và những người thường xuyên tự mình thu thập đồ trang trí tóc.
KHÁNH MINH