Toàn cảnh vụ đấu giá đất Hoài Đức (Hà Nội); TP.HCM chốt phương án giá đất
Đất đấu giá Hoài Đức “chốt” ở mức 133 triệu đồng/m2; Bình Dương chuẩn bị đấu giá 10 khu đất; Đà Nẵng công bố danh sách 7 dự án căn hộ đủ điều kiện mở bán; Thừa Thiên Huế phê duyệt quy hoạch khu đô thị ven biển 260 ha.
Sau đây là tổng hợp về các tin tức bất động sản nổi bật trong tuần.
Đấu giá tới 4 giờ sáng, đất Hoài Đức “chốt” ở mức 133 triệu đồng/m2
4 giờ 30 phút sáng ngày 20/8 là thời điểm kết thúc phiên đấu giá 19 lô đất tại khu LK03 và LK04 thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên. Theo thông tin được công bố, trải qua 9 vòng đấu, lô đất LK03-12 ghi nhận mức giá trúng cao nhất trong 19 lô, lên tới 133,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần so với giá khởi điểm. Với diện tích là 113m2, tổng giá trị của lô đất trên là 15 tỷ đồng.
Hình ảnh lô đất có giá trúng lên tới 133 triệu đồng/m2. Ảnh: Nhật Linh |
Xếp thứ hai về giá trúng là hai lô LK03-06 và LK-4-06. Các lô này đều có mức giá đạt 127,3 triệu đồng/m2. Điểm chung của cả ba lô đất có giá trúng cao nhất là đều nằm ở vị trí góc, sở hữu hai mặt tiền.
14 lô đất khác có giá trúng dao động từ 97,3 – 121,3 triệu đồng/m2. Thậm chí, lô có giá trúng thấp nhất vẫn lên tới 91,3 triệu đồng/m2, gấp 12,5 lần so với giá khởi điểm.
Trước khi buổi đấu giá diễn ra, Báo Đầu tư đã lên bài dự đoán về cột mốc trúng giá 100 triệu đồng/m2. Theo góc nhìn của những người trong cuộc, phiên đấu giá tại Hoài Đức sẽ không khó để phá vỡ kỷ lục giá trúng tại khu Ngõ Ba, xã Thanh Cao (Thanh Oai, Hà Nội) trước đó.
Nhận định trên xuất phát từ việc khu Lòng Khúc tại Hoài Đức có vị trí đẹp và được nhiều người quan tâm hơn so với khu đất được đấu giá ở huyện Thanh Oai. Ngoài ra, mức tiền cọc tại phiên đấu giá cũng khá thấp, chỉ dưới 200 triệu đồng cho mỗi thửa.
Bên cạnh đó, buổi đấu giá đất tại huyện Hoài Đức còn được bỏ phiếu trả giá tối thiểu 6 vòng. Trong khi tại Thanh Oai, cuộc đấu giá chỉ diễn ra trong duy nhất một vòng. Điều này sẽ tạo tiền đề để mức giá liên tục bị đẩy lên cao.
Hà Nội kiểm tra lại toàn bộ các buổi đấu giá đất tại Thanh Oai, Hoài Đức
Chỉ 2 ngày sau phiên đấu giá kỷ lục tại Hoài Đức, UBND TP. Hà Nội đã ban hành văn bản số 2771/UBND-TNMT về việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường trên địa bàn Hà Nội.
Văn bản nêu rõ, thời gian qua, trên địa bàn thành phố có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với giá trúng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, như tại huyện Thanh Oai cao gấp 7 – 8 lần, huyện Hoài Đức cao nhất gấp 18 lần.
Các đội nhóm bất động sản túc trực tại khu đấu giá đất để tìm cơ hội lướt cọc. Ảnh: Nhật Linh |
Việc trúng giá cao bất thường nêu trên có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh, thị trường nhà ở, bất động sản.
Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, bảo đảm việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật, góp phần ổn định phát triển kinh tế – xã hội, UBND Thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì phối hợp ngay với các sở, ngành gồm Tư pháp, Tài chính, Thanh tra thành phố, Công an thành phố.
Theo đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu toàn bộ việc đấu giá đất tại các huyện Thanh Oai, Hoài Đức trong thời gian vừa qua phải được đưa ra kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết đối với các vi phạm pháp luật (nếu có); báo cáo UBND Thành phố trước ngày 25/8.
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì phối hợp với các sở, ngành: Tư pháp, Tài chính, Thanh tra thành phố, Công an thành phố rà soát quy trình, thủ tục, quy chế… về đấu giá quyền sử dụng của các quận, huyện, thị xã.
Sở sẽ phải báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất chặt chẽ theo quy định pháp luật, hoàn thành trước ngày 27/8.
Trước đó, vào ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Với các trường hợp đấu giá đất có kết quả bất thường, Thủ tướng giao Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tư pháp, Tài chính, Xây dựng và chủ tịch UBND các tỉnh rà soát, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Huyện Hoài Đức dừng đấu giá 20 lô đất tại khu Lòng Khúc
Theo kế hoạch, vào ngày 26/8 tới đây, huyện Hoài Đức (Hà Nội) sẽ đấu giá 20 lô đất tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên. Đây là các lô LK01 và LK02, nằm ngay bên cạnh 19 thửa có giá trúng cao kỷ lục. Diện tích của các lô này dao động từ 89 – 145 m2, mức giá khởi điểm vẫn là 7,3 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, buổi đấu giá này sẽ phải tạm dừng để các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, rà soát theo Công điện số 82 của Thủ tướng Chính phủ.
Phía Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho biết, trong ngày 23/8, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đến huyện để xác minh các vấn đề liên quan đến công tác đấu giá.
Đơn vị được giao tổ chức đấu giá ở Hoài Đức là Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt cũng đã ra thông báo về việc dừng phiên đấu giá 20 lô đất giá vào ngày 26/8. Những khách hàng đã mua hồ sơ, đặt cọc tiền để tham gia sẽ được bảo lưu hoặc hoàn trả lại tiền theo đúng quy định. Hiện thời điểm đấu giá lại các lô đất vẫn chưa được công bố.
Hà Nội yêu cầu báo cáo vụ đấu giá mỏ cát cao gấp 70 lần giá khởi điểm
Vào ngày 22/8, Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã có văn bản số 10061/VP-TNMT về chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông liên quan đến đấu giá quyền khai thác khoáng sản 3 mỏ cát Châu Sơn (huyện Ba Vì), Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), Tây Đằng – Minh Châu (huyện Ba Vì).
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở TN&MT Hà Nội khẩn trương giải quyết dứt điểm việc thực hiện Công điện số 1087/CĐ-TTg ngày 11/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao tại các văn bản số 1325/UBND-TNMT ngày 4/5/2024; số 6536/VP-TNMT ngày 31/5/2024; số 7443/VP-TNMT ngày 20/6/2024 của Văn phòng UBND thành phố; yêu cầu đơn vị hoàn thành trong tháng 8/2024.
Phó chủ tịch UBND Thành phố cũng giao Thanh tra thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trong quá trình thực hiện nội dung nêu trên.
Trước đó vào ngày 5 – 6/11/2023, Sở TN&MT Hà Nội đã tổ chức đấu giá quyền khai thác ba mỏ cát trên. Hơn 40 nhà đầu tư đến từ nhiều tỉnh thành miền Bắc đã tham gia phiên đấu giá xuyên đêm kéo dài 21,5 tiếng. Tổng giá trúng ghi nhận lên tới 1.690 tỷ đồng, gấp 70 lần mức giá khởi điểm.
Hà Nội sẽ có thêm 8.000 căn nhà ở xã hội
Mới đây, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, đã ký ban hành quyết định về việc phê duyệt cập nhật danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trong các kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2021 – 2025 (đợt 3). Trong đó, đáng chú ý là thông tin về 6 dự án nhà ở xã hội mới.
Cụ thể, quận Long Biên sẽ có 3 dự án. Đầu tiên là khu nhà ở giãn dân quận Hoàn Kiếm ở khu đô thị Việt Hưng. Dự án này có 3.505 căn hộ và dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Tiếp theo là dự án nhà ở xã hội tại ô đất CT thuộc ô quy hoạch CT1, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá quyền sử dụng đất tại phường Long Biên. Dự án có 290 căn hộ và dự kiến hoàn thành vào quý IV/2028.
Cuối cùng là dự án nhà ở xã hội tại ô quy hoạch C14/NO1 phường Phúc Đồng. Dự án cung cấp 1.220 căn hộ và dự kiến hoàn thành vào quý IV/2029.
Ngoài ra, Hà Nội còn có thêm khu nhà ở bán cho đối tượng thu nhập thấp Công an quận Ba Đình ở phường Ngọc Hà, quận Ba Đình. Dự án này có 77 căn hộ và dự kiến hoàn thành trong năm 2026.
Tại huyện Thanh Trì cũng có thêm dự án nhà ở xã hội bán cho cán bộ chiến sỹ Bộ Công an ở thôn Thượng, xã Thanh Liệt. Dự án cung cấp 660 căn hộ và dự kiến hoàn thành vào năm 2028.
Với Thạch Thất, huyện này sẽ có dự án nhà ở xã hội tại khu dân dụng Bắc Phú Cát ở xã Thạch Hòa. Dự án có gần 2.600 căn hộ và dự kiến hoàn thành trong năm 2028.
Bình Dương chuẩn bị đấu giá 10 khu đất, tổng diện tích 8,3 ha
Theo đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2024 – 2025, định hướng đến năm 2030, quỹ đất thực hiện đấu giá (quyền sử dụng đất, tài sản công) gồm 38 khu đất, có tổng diện tích 392 ha.
Riêng trong năm 2024, tỉnh sẽ thực hiện đấu giá 10 khu đất với tổng diện tích 8,3 ha. Cụ thể bao gồm khu đất Cục Hải quan tỉnh Bình Dương (0,26 ha) tại TP. Thủ Dầu Một; hai khu đất của Tổng công ty Sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương (564 m2) tại TP. Thuận An; khu đất Công ty Sobexco (2,35 ha) tại TP. Bến Cát.
Khu đất Tổng công ty Thương mại, xuất nhập khẩu Thanh Lễ (2,98 ha) tại TP. Dĩ An; khu đất CTCP sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Tấn Lợi (0,81 ha) tại TP. Thủ Dầu Một; khu đất Thanh tra Sở Xây dựng (0,04 ha) tại TP. Thủ Dầu Một.
Khu đất Trường Mầm non Châu Thới (0,41 ha) tại TP. Dĩ An; khu đất khu dân cư thị trấn Dầu Tiếng (0,82 ha) và khu đất khu dân cư thị trấn Dầu Tiếng – khu phía sau Công an huyện (0,61 ha) tại thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng.
Hiện nay, các thủ tục đấu giá đang được thực hiện, dự kiến thời gian tổ chức sẽ rơi vào quý IV/2024.
Đến năm 2025, Bình Dương sẽ thực hiện đấu giá 17 khu đất với tổng diện tích 331,6 ha. Trong giai đoạn năm 2026 – 2030, tỉnh sẽ đấu giá 11 khu đất với tổng diện tích 52,2 ha.
TP.HCM chốt phương án giá đất
Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã họp để xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương về sự cần thiết điều chỉnh và cách thức thực hiện điều chỉnh bảng giá đất theo Quyết định số 02.
Sau khi nghe ý kiến phân tích của đại biểu các sở, ngành, Bí thư Nguyễn Văn Nên thay mặt Ban Thường vụ Thành uỷ phát biểu kết luận, quyết định chọn phương án 4 (trong số 4 phương án) để xây dựng, ban hành bảng giá đất.
Tuyến đường Lê Lợi (quận 1) sẽ có giá 810 triệu đồng/m2 nếu tính theo dự thảo bảng giá đất mới. Ảnh: Lê Toàn |
Phương án 4 là điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.
Căn cứ cơ sở dữ liệu giá đất hiện có được chắt lọc từ các nguồn như: giá đất bồi thường, giá đất tái định cư, giá cụ thể đã được UBND các cấp phê duyệt, giá đất chuyển nhượng thực tế từ cơ quan đăng ký đất đai, cơ quan thuế để cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất.
Dự thảo bảng giá đất điều chỉnh sau khi được Sở Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến các đơn vị có liên quan, trình hội đồng thẩm định của thành phố. Sau đó, UBND TP.HCM sẽ xem xét phê duyệt.
Bảng giá đất mới nếu được thông qua sẽ sử dụng đến 31/12/2025. Tuy nhiên, đến cuối năm nay, thành phố vẫn phải đánh giá lại để phù hợp tình hình kinh tế. Từ đầu năm 2026, TP.HCM sẽ áp dụng bảng giá đất mới hằng năm chung theo Luật Đất đai 2024.
Đà Nẵng công bố danh sách 7 dự án căn hộ đủ điều kiện mở bán
Mới đây, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã thông báo danh sách các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã có văn bản thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, tính từ ngày 1/1 đến ngày 31/7/2024.
Theo đó, có 7 dự án đủ điều kiện được bán. Gồm dự án chung cư Bắc Cường (quận Hải Châu) của Công ty Cổ phần Cường Thịnh Phát Land với 112 căn hộ chung cư.
Khu căn hộ cao tầng với 1.733 căn thuộc dự án khu đô thị thương mại và dịch vụ thể thao cao cấp New Town (quận Ngũ Hành Sơn) của Công ty TNHH Phát triển New Town; dự án Olalani Riverside Towers (quận Sơn Trà) của Công ty Cổ phần Mỹ Phúc với 1.425 căn hộ chung cư.
Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cũng thông báo đủ điều kiện được bán đối với 2 dự án của Công ty Cổ phần Thương mại Du lịch Đầu tư Cù Lao Chàm, gồm khu căn hộ phía Đông đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà) với 528 căn; tòa nhà B4-1 và tòa nhà B4-2 thuộc dự án khu dịch vụ du lịch ven sông Hàn (quận Ngũ Hành Sơn) với 679 căn.
Ngoài ra còn có dự án nhà ở liền kề và nhà ở biệt thự thuộc khu nhà ở và dịch vụ Tuyên Sơn (quận Hải Châu) của CTCP Đầu tư Landcom với 219 căn; tổ hợp khách sạn và căn hộ P.A Tower (quận Hải Châu) của Công ty Cổ phần PAVNC với 300 căn.
Thừa Thiên Huế phê duyệt quy hoạch khu đô thị ven biển 260 ha
Vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã hành quyết định về việc phê duyệt quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) khu đô thị ven biển Thuận An, TP. Huế.
Dự án sẽ là khu vực phát triển các mô hình du lịch sinh thái biển, đầm phá, cung cấp các dịch vụ công cộng và dịch vụ du lịch cho TP. Huế và khu vực lân cận. Đây cũng là khu vực phát triển khu dân cư mới theo mô hình đô thị sinh thái và cải tạo chỉnh trang các khu dân cư hiện có.
Phạm vi nghiên cứu quy hoạch có quy mô diện tích khoảng 260,46 ha thuộc phường Thuận An TP. Huế, với dân số hiện trạng khoảng 12.734 người. Dân số quy hoạch đến năm 2045 dự kiến khoảng 17.300 người.
Nguồn: https://baodautu.vn/batdongsan/toan-canh-vu-dau-gia-dat-hoai-duc-ha-noi-tphcm-chot-phuong-an-gia-dat-d223170.html