Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại nội địa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và bình ổn giá |
Doanh nghiệp ít đơn hàng hơn, doanh số bán ra tại thị trường nội địa, xuất khẩu bị giảm sút mạnh, do đó hàng tồn kho tăng lên.
Tình hình trên dẫn tới một số doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc, giãn việc, làm cầm chừng. Vì lẽ đó, thu nhập đời sống của công nhân và người lao động gặp khó khăn, sức mua ở nhóm đối tượng này bị suy giảm mạnh.
Trên thị trường, nhất là ở các thành phố lớn, hiện tượng đóng cửa hàng, sang nhượng cửa hàng, cửa hiệu tại các trung tâm thương mại và các cửa hàng bán lẻ diễn ra tương đối phổ biến. Người dân chuyển sang để dành, tiết kiệm, tích lũy, dẫn tới sức mua giảm sút, đây là một điều tất yếu.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê doanh số bán lẻ 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng trên 12%, tuy nhiên về quy mô chỉ bằng 80% sức mua xã hội của những năm trước đại dịch. Sức mua xã hội cũng bị giảm sút bởi một số yếu tố khác như: Hệ thống phân phối quốc gia còn khiếm khuyết, đặc biệt là hàng hóa đi từ sản xuất đến tiêu dùng qua quá nhiều khâu trung gian. Vẫn còn tình trạng ép cấp ép giá của một số chuỗi bán lẻ độc quyền dẫn tới hàng hóa bị đẩy giá lên cao.
Ngoài ra trên thị trường nội địa, hàng rởm, hàng giả, gian lận thương mại còn diễn ra khá phức tạp và phổ biến, chưa bị ngăn chặn cơ bản, gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng và cho nhà sản xuất chân chính. Sức mua từ đó cũng bị phân tán và ảnh hưởng không phải là ít.
Đứng trước tình hình trên chúng ta phải làm gì? Một vài tháng nay nhiều hội nghị góp ý về các giải pháp kích cầu tiêu dùng đã được triển khai mạnh mẽ. Nhiều sáng kiến thiết thực nhằm đẩy mạnh việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh số, khôi phục sức mua xã hội. Trong bài này tôi cũng mạnh dạn bổ sung và góp ý để kích cầu tiêu dùng thiết thực hơn, hiệu quả hơn, thường xuyên hơn ở thị trường Việt Nam:
Về phía nhà nước: Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công trên các lĩnh vực nhằm tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động. Thực hiện các chính sách giãn thuế, hoãn thuế, giảm thuế VAT và các loại thuế khác với biên độ rộng hơn, thời gian dài hơn và có thể kéo dài hết năm 2024. Tiếp tục công tác cải cách hành chính, giảm thiểu chi phí tối đa cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ phát triển.
Tiếp tục kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ những doanh nghiệp, cá nhân làm ăn chân chính, hỗ trợ liên doanh liên kết, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, của các sản phẩm. Tổ chức và củng cố lại hệ thống phân phối, nhất là kênh thương mại truyền thống còn ít được quan tâm đầu tư. Tổ chức các sàn giao dịch hàng hóa nông sản thực phẩm tại các chợ đầu mối vùng, đảm bảo mua bán công khai minh bạch, không ép cấp ép giá, góp phần đưa giá bán lẻ trên thị trường của một số mặt hàng trở về mức giá hợp lý, có thể chấp nhận được.
Mở rộng các chuỗi cung ứng ngắn, giảm bớt trung gian, hàng hóa chủ yếu đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, chống độc quyền mua bán gây thiệt hại cho xã hội, người sản xuất và tiêu dùng. Riêng việc khuyến mại hiện nay muốn thiết thực, hiệu quả và tạo niềm tin lâu dài cho người tiêu dùng, các đơn vị bán lẻ cần có kế hoạch phục vụ chu đáo lịch sự. Các cơ quan cấp phép tổ chức khuyến mại cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sơ kết rút kinh nhiệm một cách thực chất, nghiêm túc cho các đợt khuyến mại tiếp theo.
Sau mỗi đợt khuyến mại cần định lượng cho được là các đơn vị đã làm lợi cho người tiêu dùng được bao nhiêu giá trị, hiện vật, khen thưởng các đơn vị làm tốt, đồng thời phê bình nhắc nhở các đơn vị còn yếu kém. Làm được những vấn đề cơ bản thiết thực trong công tác kích cầu nêu ở trên, chắc chắn từ nay đến hết năm 2023, các đợt kích cầu tiêu dùng sẽ hiệu quả hơn, thiết thực hơn và bền vững hơn, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển trở lại, tiêu dùng khơi sắc hơn nhằm góp phần hoàn thành kế hoạch kinh tế xã hội năm 2023 của đất nước, làm tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của những năm tiếp theo.