Nạn mua bán người đang diễn biến ngày một phức tạp. Trong đó, hình thức lừa đảo việc làm trực tuyến được các chuyên gia đặc biệt cảnh báo.
Không chỉ lừa đảo, nạn buôn bán người cũng là một vấn nạn gây nhức nhối, cấp bách và mang tính thời sự trong thời gian qua, theo các chuyên gia.
Tại buổi Tọa đàm tìm hiểu về các hình thức lừa đảo việc làm trực tuyến phổ biến hiện nay do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức mới đây, các chuyên gia đã dẫn báo cáo tình hình buôn người năm 2022 do Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố cho thấy, các đối tượng buôn người đã lợi dụng tình trạng thất nghiệp do đại dịch để dụ dỗ người Việt Nam bằng những lời hứa giả dối về các cơ hội làm việc tại nước ngoài. Nhiều người sau đó bị lừa bán sang vùng biên giới Trung Quốc, Campuchia, Lào và nhiều quốc gia khác.
Các đối tượng buôn người ngày càng gia tăng sử dụng internet, các trang web chơi game, mạng xã hội để dụ dỗ nạn nhân, lan rộng hoạt động buôn người. Hình thức lừa đảo trực tuyến trở thành một thủ đoạn vô cùng phổ biến.
Chuyên gia tại Đại sứ quán Hoa Kỳ phát biểu tại tọa đàm vào ngày 19/3. (Ảnh: Phương Thảo) |
Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi
Trong thời đại toàn cầu hóa và số hóa như hiện nay, nạn buôn người diễn ra phổ biến, chủ yếu qua mạng xã hội. Theo đó, các giai đoạn từ lúc tiếp cận, thuyết phục nạn nhân cho đến khi giao dịch mua bán người hoàn toàn có thể diễn ra trực tuyến.
Anh Duy Vị, đồng Giám đốc điều hành tổ chức Blue Dragon, chia sẻ cách thức những kẻ lừa đảo sử dụng hiện nay là dùng danh tính giả, tham gia các nhóm như tìm việc online và chờ đợi con mồi.
Đối tượng này sẽ đăng bài tuyển những công việc phổ biến, dễ làm với mức lương cao. Những nạn nhân, thường là người có nhu cầu tìm việc làm, kiếm thêm thu nhập.
Chị Ly là một trường hợp cụ thể được tổ chức Blue Dragon giải cứu, đã mắc phải thủ đoạn lừa đảo trên. Chị bị ép buộc tới Myanmar và làm việc cho một cơ sở lừa đảo trực tuyến. Mặc dù đã tìm hiểu rất kỹ nhưng các đối tượng lừa đảo rất tinh vi, chúng đã đưa ra lời mời hấp dẫn cùng những thông tin xác thực và vô cùng thuyết phục.
Kẻ lừa đảo có thủ đoạn ngày càng tinh vi với khả năng thao túng, tạo dựng niềm tin, mối quan hệ rất xuất sắc. Các cách thức lừa đảo thay đổi liên tục và thường đánh vào nhu cầu, mong muốn của nạn nhân.
Nạn nhân của mua bán người có thể là bất kỳ ai
Tác động to lớn của Covid-19 đã khiến cho hoạt động mua bán người thay đổi ngày càng phức tạp. Đối tượng buôn bán người có thể ở bất cứ đâu, ở Việt Nam hoặc nước ngoài đều có thể lừa bán người ở một nơi xa, một đất nước khác.
Theo quan điểm của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam, chị Hoài Phương cho rằng nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em gái dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có trình độ học vấn thấp mà có cả nam giới, với độ tuổi và trình độ học vấn đa dạng.
Các nạn nhân đa số tốt nghiệp trung học phổ thông trở nên, thậm chí có bằng đại học và nói được ngoại ngữ.
Đáng chú ý, một trường hợp điển hình được giải cứu ở Blue Dragon, nạn nhân còn từng là kế toán, giỏi tiếng Anh. Cô và chồng đều được đánh giá là những người có học thức cao. Do dịch Covid-19 bị mất việc, sau khi thấy quảng cáo việc làm trên mạng, họ và hai đứa con nhỏ đều bị lừa bán sang Campuchia.
Anh Duy Vị thông tin, Blue Dragon thậm chí đã giải cứu bác sĩ, nhà báo và những người đã tốt nghiệp đại học. Kẻ buôn bán người đã tận dụng mong muốn tìm kiếm việc làm phù hợp với mức lương mong muốn để khiến họ trở thành nạn nhân.
Trong hình thức lừa đảo việc làm online, anh Duy Vị cảnh báo, khi tiếp cận nhóm đối tượng lừa đảo, thông tin đối tượng chia sẻ có thể không đầy đủ, nơi làm việc, tên công ty làm việc không rõ ràng, mô tả công việc mập mờ, không tương xứng với năng lực; địa điểm gặp mặt thường xuyên thay đổi và thực hiện hình thức vượt biên không cần hộ chiếu.
Kẻ lừa đảo có thể giữ giấy tờ của nạn nhân để kiểm soát, khống chế. Chúng ép nạn nhân không được nói chuyện với người lạ xung quanh, không được liên lạc với gia đình và chia sẻ về nơi làm việc. Sau đó, chúng dần dần ép nạn nhân làm các công việc trái mong muốn như phục vụ tại quán karaoke, sau đó là quan hệ tình dục với khách hàng.
Cần làm gì khi trở thành nạn nhân?
Những nạn nhân khi phát hiện bị lừa bán, bên cạnh việc liên lạc với các tổ chức phi chính phủ như fanpage Nghĩ trước Bước sau của IOM, Blue Dragon hay Hagar, anh Duy Vị khuyến cáo các nạn nhân hãy liên lạc tới đường dây 111.
Sau khi tiếp nhận thông tin, tổng đài 111 sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan như công an Việt Nam để đưa nạn nhân trở về. Tuy nhiên, các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động trong các đặc khu kinh tế, với hệ thống canh phòng nghiêm ngặt, chúng thậm chí sở hữu vũ khí. Vì vậy, việc giải cứu các nạn nhân không hề dễ dàng.
Theo thống kê của Hagar, có 76 trường hợp cung cấp được đầy đủ thông tin cho tổ chức, nhưng đến nay mới giải cứu được 52 trường hợp. Thời gian giải cứu có thể lên đến 5 tháng.
Các diễn giả chia sẻ tại Tọa đàm. (Ảnh: Lê Nhàn) |
Mỗi cá nhân khi có ý định di cư, nên thực hiện các bước sau: tìm hiểu thông tin trên fanpage Nghĩ trước Bước sau của IOM; lưu số điện thoại 111 và chia sẻ cho bất kỳ ai; tất cả các thông tin cần được thông báo với người thân và gia đình; ghi nhớ ít nhất số điện thoại của Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại nơi sẽ tới.
Bởi vì, bất kỳ ai, không phân biệt giới tính, trình độ học vấn đều có thể trở thành nạn nhân của mua bán người, đặc biệt thông qua hình thức lừa đảo việc làm trực tuyến.
IOM là tổ chức hàng đầu trong nỗ lực thúc đẩy di cư an toàn và có trật tự vì lợi ích của tất cả mọi người. IOM đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 thông qua các lĩnh vực can thiệp khác nhau, kết nối hỗ trợ nhân đạo và phát triển bền vững. Tại Việt Nam, IOM hỗ trợ người di cư thông qua các hoạt động tái hòa nhập, hỗ trợ và bảo vệ đa dạng. Tổ chức Blue Dragon Children’s Foundation là tổ chức phi chính phủ, thực hiện sứ mệnh bảo vệ trẻ em đường phố, trẻ em, phụ nữ thoát khỏi nạn buôn bán người, lao động cưỡng bức và nô lệ, đồng thời cung cấp nơi ở, giáo dục và việc làm cho các nạn nhân sau khi được giải cứu. Tổ chức Hagar Quốc tế là tổ chức phi chính phủ được thành lập để đáp ứng nhu cầu của nhóm phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương sau cuộc nội chiến ở Campuchia. Tại Việt Nam, Hagar được thành lập để hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng của mua bán người, xâm hại tình dục và bạo lực gia đình thông qua văn phòng đại diện ở Hà Nội và các dự án vào cộng đồng và các khóa tập huấn. |