Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm 2024 được tổ chức sáng nay, 10-7, tại Hà Nội. Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Trần Tiến Dũng trình bày tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 292 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), tương đương cùng kỳ năm 2023. Các địa phương ban hành 1.528 VBQPPL cấp tỉnh, 1.038 VBQPPL cấp huyện và 810 VBQPPL cấp xã. Một số bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều văn bản như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ GTVT, Sơn La, Thanh Hóa, TPHCM, Hà Nội…
Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc lập đề nghị, trình Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV; trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến nhiều dự án quan trọng do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo (Luật Thủ đô, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Công chứng…).
Đặc biệt, tiến độ thẩm định được đẩy nhanh, nhất là “chùm” nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Các tổ chức tín dụng để bảo đảm các luật này có hiệu lực sớm hơn dự kiến.
Bên cạnh những mặt tích cực, báo cáo cũng chỉ rõ, công tác xây dựng pháp luật còn có những tồn tại, hạn chế nhất định. Việc thực hiện một số quy định của Luật Ban hành VBQPPL chưa đầy đủ, thống nhất; vẫn còn tình trạng bổ sung dự án, dự thảo sát thời điểm tổ chức kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên chưa được xem xét, bổ sung vào chương trình; tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để (đến cuối tháng 6, vẫn còn nợ đọng 6 văn bản quy định chi tiết và số liệu này tăng cao kể từ ngày 1-7, khi nhiều luật có hiệu lực); việc xử lý văn bản trái pháp luật của một số bộ, ngành, địa phương sau khi có kết luận kiểm tra vẫn còn chậm.
ANH PHƯƠNG
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/tinh-trang-no-dong-cham-ban-hanh-van-ban-quy-dinh-chi-tiet-huong-dan-thi-hanh-luat-chua-duoc-khac-phuc-triet-de-post748554.html