Các quan chức Mỹ vừa tiết lộ rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể dỡ bỏ lệnh cấm ngầm về việc triển khai các nhà thầu quân sự Mỹ đến Ukraine, trong động thái thể hiện sự thay đổi lớn trong chính sách của Nhà Trắng. Giới quan sát cho rằng sự hỗ trợ này sẽ giúp Ukraine giành ưu thế trên chiến trường.
Vai trò nhà thầu
Nếu được thông qua, chính sách mới có thể có hiệu lực trong năm nay. Khi đó, Lầu Năm Góc sẽ được phép hợp đồng với các công ty Mỹ để đưa nhân sự sang làm việc tại Ukraine lần đầu tiên từ khi xung đột bùng phát vào tháng 2.2022.
CNN: Mỹ sắp cho nhà thầu quân sự đến Ukraine
CNN ngày 26.6 dẫn lời một quan chức chính phủ Mỹ cho hay Nhà Trắng chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào và việc thảo luận về vấn đề này còn sơ khai. “Tổng thống Biden tuyệt đối chắc chắn rằng ông ấy sẽ không đưa binh sĩ Mỹ sang Ukraine”, quan chức ẩn danh này cho biết.
Trong thời gian tới, Mỹ hy vọng việc đưa các nhà thầu quân sự đến sẽ giúp đẩy nhanh việc bảo dưỡng và sửa chữa các hệ thống vũ khí của Mỹ mà quân đội Ukraine đang sử dụng. Các công ty đấu thầu sẽ phải trình bày phương án giảm thiểu rủi ro đối với nhân viên nếu sang Ukraine làm việc. Hiện vũ khí và trang thiết bị quân sự do Mỹ cung cấp bị hư hại trong chiến đấu tại Ukraine được chuyển đến các nước lân cận như Ba Lan, Romania để sửa chữa nên mất nhiều thời gian.
Nga cảnh báo cứng rắn
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Nga cáo buộc Mỹ chịu trách nhiệm cho một vụ tấn công của Ukraine tại Crimea, khi 5 quả tên lửa ATACMS do Washington cung cấp được phóng tới làm 4 người thiệt mạng và hơn 150 người bị thương. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 24.6 cho rằng sự liên quan của Mỹ và Ukraine trong vụ tấn công là điều chắc chắn, trong khi một quan chức Mỹ cho biết “không có gì để nói”, khi được hỏi về vụ việc.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga cảnh báo Mỹ về nguy cơ leo thang tại Ukraine
Trong ngày 25.6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov có cuộc điện đàm đầu tiên giữa lãnh đạo bộ quốc phòng 2 nước kể từ tháng 3.2023. Theo Reuters, 2 bên đề cập nhiều chủ đề, trong đó có cuộc xung đột Ukraine và tầm quan trọng của việc duy trì kênh liên lạc. Bộ Quốc phòng Nga cho hay Bộ trưởng Belousov cảnh báo người đồng cấp về những mối nguy hiểm của việc Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Bên cạnh đó, phát biểu tại diễn đàn khoa học Tham luận Primakov ở Moscow (Nga) ngày 25.6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo rằng nguy cơ đối đầu vũ trang trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân hiện ở mức cao. Ông kêu gọi tiếp tục thảo luận chuyên môn nhằm tìm cách giảm nguy cơ này.
Liên quan tình hình tại Ukraine, Reuters đưa tin Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 26.6 cùng giới tướng lĩnh nước này đến thăm các binh sĩ ở tiền tuyến tại vùng Donetsk. Dự kiến ông Zelensky sẽ dự hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Bỉ vào ngày 27.6, trong bối cảnh Kyiv hy vọng đạt được các cam kết an ninh mới từ EU.
NATO có lãnh đạo mới
Reuters ngày 26.6 đưa tin Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa chính thức chọn Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (ảnh) làm tổng thư ký kế nhiệm, thay thế ông Jens Stoltenberg.
Ông Rutte chính thức được bổ nhiệm sau khi ứng viên đối thủ duy nhất là Tổng thống Romania Klaus Iohannis tuần trước rút khỏi cuộc đua. Tân Tổng thư ký NATO sẽ nhậm chức vào tháng 10, trong bối cảnh xung đột hiện tiếp diễn tại Ukraine, bên cạnh những dự báo khó lường về thái độ của Mỹ đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương này.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tinh-toan-moi-cua-my-tai-ukraine-1852406262255203.htm