(MPI) – Tham gia ý kiến thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 diễn ra ngày 04/11/2024, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản bày tỏ đồng tình với nội dung báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 của Chính phủ.
Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn |
Các đại biểu cho rằng trong năm 2024, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, nước ta còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức song nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, khoa học của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; sự giám sát, đồng hành, chủ động phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chắc chắn trên cơ sở nắm bắt và dự báo cơ bản sát tình hình, có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương…, tình hình kinh tế – xã hội tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8-7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 – 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao. Thu hút FDI là điểm sáng, vốn thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất nhiều năm qua, trong khi đầu tư toàn cầu sụt giảm…
Bên cạnh đó, đại biểu tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong các Tờ trình của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, các gợi ý thảo luận của các cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị tập trung vào các thách thức cần phải vượt qua bất cập, khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, dự kiến cho năm 2025; cho ý kiến đối với tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả đã đạt được, các vấn đề cần lưu ý, quan tâm và có giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật trong thời gian tới.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh bày tỏ đồng tình với 11 nhóm giải pháp Chính phủ đề ra trong báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Đánh giá cao kết quả kinh tế – xã hội trong 9 tháng năm 2024, đại biểu Trần Quốc Tuấn khẳng định, với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đã điều hành linh hoạt, đạt nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế – xã hội. Kinh tế tăng trưởng ổn định, khả quan bất chấp thách thức toàn cầu, xuất khẩu mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài tích cực, khẳng định vị thế Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn. Lạm phát trong tầm kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định…
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh cũng đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025; cho rằng, trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế – xã hội, lạm phát được kiểm soát…
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, để hoàn thành các mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cần quan tâm đến các sản phẩm nông sản, thủy sản, công nghệ số mang thương hiệu Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ… Đồng thời nhấn mạnh, việc Quốc hội chuẩn bị thông qua các dự án luật, nghị quyết tại Kỳ họp này là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong nước thì chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc phải ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cơn bão số 3, cơn bão lịch sử 30 năm trên biển và 70 năm trên đất liền đã làm thiệt hại về kinh tế, tính mạng, tài sản nhân dân và theo dự báo có thể giảm tăng trưởng GDP cả năm 0,15%.
Với sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả tích cực ở hầu hết các lĩnh vực. GDP 9 tháng ước đạt 6,82%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch và đặc biệt là chỉ tiêu tăng năng suất lao động, sau 3 năm không đạt thì 9 tháng đầu năm 2024 đã vượt kế hoạch.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Văn Thi, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế – xã hội nước ta vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đòi hỏi cần phải có các giải pháp quyết liệt hơn để tổ chức thực hiện. Theo đó, về giải ngân vốn đầu tư công có tích cực nhưng chưa đạt kế hoạch, tỷ lệ giải ngân chung cả nước 9 tháng đầu năm là 47,29%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Do vậy, Chính phủ cần phân tích, nhận diện rõ các nguyên nhân và từ đó có giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân các nguồn vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là nguồn vốn sự nghiệp vẫn rất chậm, trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 11%; Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 8%. Do vậy, nếu không có các giải pháp quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thì sẽ rất khó đạt mục tiêu năm 2024 Quốc gia giao về mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ bày tỏ tán thành với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Đồng thời đồng tình với những giải pháp của Chính phủ đã nêu trong báo cáo.
Đại biểu cũng nhấn mạnh đến các vấn đề liên quan đến sử dụng tiết kiệm nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế – xã hội; về đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; đồng thời bày tỏ đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc xây dựng các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công; việc thành lập và hoạt động của các Trung tâm phục vụ hành chính công.
Tuy nhiên, việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số cơ quan vẫn còn tình trạng kéo dài, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, nhất là trong quá trình phối hợp, trao đổi, lấy ý kiến khi giải quyết thủ tục hành chính giữa các bộ, ngành. Do vậy, Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên đề về giải quyết thủ tục hành chính để tạo sự lan truyền mạnh mẽ về đổi mới, cải cách từ Trung ương đến địa phương; thực hiện đúng, đủ, nghiêm túc các quy định, nguyên tắc và thực hiện thủ tục hành chính. Thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp”.
Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận bày tỏ thống nhất cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025; đồng thời cho rằng trong năm qua, mặc dù tình hình thế giới có nhiều thách thức, rủi ro, khó lường, nhưng kinh tế- xã hội nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ…
Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng được quan tâm và phát triển. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, hiệu quả…
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, những kết quả đạt được chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, lợi thế của đất nước và chưa đáp ứng được mong mỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Đại biểu nhấn mạnh, ngay trong Kỳ họp lần này, Chính phủ trình rất nhiều nội dung, nhiều dự án Luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư hay xem xét cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc các dự án đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa…. thể hiện tinh thần kiến tạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá những dự án, công trình có vướng mắc về mặt thể chế hiện nay. Từ đó, có thể ban hành các cơ chế đặc thù, thí điểm đối với một số dự án cụ thể hay ở một số địa phương cụ thể để triển khai đánh giá và nhân rộng, nhằm phát huy nguồn lực xã hội phát triển đất nước./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-11-4/Tinh-hinh-kinh-te–xa-hoi-tiep-tuc-dat-duoc-nhieu-5o5f1m.aspx