Tinh gọn bộ máy theo cách “vừa chạy, vừa xếp hàng” là một bước đi hợp lý để cải cách hành chính theo hướng linh hoạt, thích ứng với thực tiễn.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, tinh gọn bộ máy theo cách “vừa chạy, vừa xếp hàng” là một bước đi hợp lý để cải cách hành chính theo hướng linh hoạt, thích ứng với thực tiễn. |
Ngày 12/2/2025 Quốc hội đã khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9 để thể chế hóa những cải cách nhằm tinh gọn bộ máy Nhà nước. Chỉ trong khoảng thời gian 2 tháng, số lượng những cải cách được Đảng, Nhà nước đưa ra là khổng lồ.
Trong hệ thống Đảng, nhiều cơ quan được hợp nhất hoặc giải thể nhằm tránh trùng lặp chức năng. Ban Đối ngoại Trung ương chuyển nhiệm vụ về Bộ Ngoại giao và Văn phòng Trung ương Đảng, trong khi Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương giao lại cho Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Y tế. Các hội đồng lý luận được sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Đồng thời, báo chí và truyền thông của Đảng cũng được tái cơ cấu, với Tạp chí Cộng sản và Báo Nhân Dân trở thành đầu mối chính.
Bên trong các ban Đảng, số lượng vụ và phòng giảm mạnh: Ban Kinh tế Trung ương giảm 33% số vụ, Ban Nội chính Trung ương giảm 16% số vụ và 50% số phòng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương giảm 14% số vụ và 58% số phòng. Hệ thống Đảng ủy cấp Trung ương cũng được tái cơ cấu, chuyển các tổ chức đảng về Đảng bộ Chính phủ và Đảng bộ Quốc hội.
Quốc hội giảm số ủy ban từ 9 xuống 7, chấm dứt hoạt động Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội. Chính phủ giảm số bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ từ 30 xuống còn 21, đồng thời tinh giản khoảng 30-50% số đơn vị trung gian.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cũng thực hiện cắt giảm mạnh, với nhiều đơn vị giảm từ 30% đến 75% số phòng, vụ, góp phần nâng cao hiệu quả vận hành bộ máy nhà nước.
Cuộc tinh gọn bộ máy mà Việt Nam đang triển khai thực sự là một cuộc cách mạng “vừa chạy, vừa xếp hàng” theo đúng nghĩa. Quá trình này đòi hỏi phải thực hiện ngay trong khi hệ thống vẫn vận hành, vừa triển khai vừa điều chỉnh theo thực tiễn, không có sẵn một mô hình tối ưu mà phải liên tục thử nghiệm và hoàn thiện.
Cách tiếp cận theo phương thức “vừa chạy, vừa xếp hàng” có nhiều ưu điểm quan trọng, giúp giảm thiểu xáo trộn, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính.
Trước hết, phương thức này đảm bảo tính liên tục trong vận hành, tránh gián đoạn công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công. Thay vì dừng hẳn để tái cấu trúc, các cơ quan vừa điều chỉnh, vừa thực hiện nhiệm vụ, giúp bộ máy không bị đình trệ. Đồng thời, cách làm này tạo sự linh hoạt, cho phép điều chỉnh dựa trên thực tế triển khai, thay vì áp dụng mô hình cứng nhắc. Nếu có bất cập, các cơ quan có thể kịp thời rút kinh nghiệm và sửa đổi để phù hợp hơn.
Cách tiếp cận này cũng giúp phát hiện và giải quyết vấn đề kịp thời, tránh sai lầm hệ thống. Nếu một mô hình sáp nhập không hiệu quả, có thể điều chỉnh ngay trước khi mở rộng. Điều này còn tạo điều kiện thử nghiệm mô hình mới, giúp xác định phương án tối ưu trước khi nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh đó, cách làm này giảm chi phí chuyển đổi, giúp phân bổ nguồn lực hợp lý hơn, tránh áp lực tài chính đột ngột. Đồng thời, nó tạo sự đồng thuận, giảm phản ứng tiêu cực từ những nhóm bị ảnh hưởng. Khi thay đổi diễn ra theo lộ trình, chính quyền có thể giải thích rõ ràng, điều chỉnh chính sách hỗ trợ hợp lý và duy trì sự ổn định trong bộ máy.
Cách tiếp cận “vừa chạy, vừa xếp hàng” trong tinh gọn bộ máy giúp đảm bảo hệ thống vẫn vận hành ổn định trong khi quá trình cải tổ diễn ra, đồng thời tạo điều kiện để điều chỉnh linh hoạt theo thực tiễn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, quá trình này cần được thực hiện một cách bài bản và có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm giảm thiểu những khó khăn có thể phát sinh.
Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp, việc sáp nhập, tinh giản tổ chức có thể tạo ra một số thách thức trong điều phối nhiệm vụ và chuyển giao chức năng giữa các cơ quan. Nếu không có kế hoạch cụ thể, việc xác định trách nhiệm và quyền hạn có thể chưa rõ ràng, dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ chưa thực sự nhịp nhàng. Thế nhưng, những khó khăn này mang tính tạm thời và có thể được giải quyết bằng các biện pháp điều chỉnh linh hoạt, hướng dẫn cụ thể và cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị liên quan.
Bố trí nhân sự sau tinh gọn cũng là một nội dung quan trọng. Khi chuyển đổi mô hình tổ chức, cần chú trọng đến việc phát huy năng lực của đội ngũ công chức, viên chức, đảm bảo rằng mỗi vị trí đều được phân công hợp lý và có sự hỗ trợ cần thiết. Việc tái đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức được điều chuyển sẽ giúp họ thích ứng nhanh chóng với vị trí mới, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc. Nếu thực hiện tốt, quá trình này không chỉ tinh giản bộ máy mà còn giúp hình thành một đội ngũ tinh gọn, chuyên nghiệp và có năng lực hơn.
Trong thời gian đầu thực hiện, chất lượng một số dịch vụ công có thể bị ảnh hưởng do sự thay đổi về cơ cấu tổ chức. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao và cơ chế giám sát hiệu quả, những vấn đề phát sinh có thể được khắc phục kịp thời. Quan trọng hơn, mục tiêu cuối cùng của tinh gọn bộ máy không chỉ là giảm số lượng mà còn nhằm cải thiện chất lượng phục vụ, đảm bảo dịch vụ công được cung cấp nhanh chóng, hiệu quả hơn. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đổi mới phương thức làm việc sẽ giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công thuận tiện hơn, đồng thời giảm tải áp lực cho bộ máy hành chính.
Tinh gọn bộ máy theo cách “vừa chạy, vừa xếp hàng” là một bước đi hợp lý để cải cách hành chính theo hướng linh hoạt, thích ứng với thực tiễn. Mặc dù có thể phát sinh một số khó khăn trong giai đoạn đầu, nhưng nếu có kế hoạch triển khai phù hợp, kết hợp với đổi mới tư duy và phương thức làm việc, quá trình này sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của đất nước.
Nguồn
Bình luận (0)