TP - Sau khi Thông tư 29 về dạy thêm học thêm của Bộ GD&ĐT có hiệu lực, hoạt động này có chiều hướng âm thầm chuyển sang hình thức mới. Trong khi, nhiều địa phương đang sắp xếp để chuyển sang học 2 buổi/ngày.
TP - Sau khi Thông tư 29 về dạy thêm học thêm của Bộ GD&ĐT có hiệu lực, hoạt động này có chiều hướng âm thầm chuyển sang hình thức mới. Trong khi, nhiều địa phương đang sắp xếp để chuyển sang học 2 buổi/ngày.
Chạy đua đăng ký kinh doanh
Trao đổi với Tiền Phong, một phụ huynh tại TP Nam Định chia sẻ, sau gần 2 tuần dừng dạy thêm, phụ huynh nhận được thông báo các cô đã có phép tổ chức dạy thêm trở lại. Phụ huynh này phản ánh, thực tế, giáo viên nhờ người thân đứng tên đăng kí hộ kinh doanh và xin phép hiệu trưởng, sau đó mở lại các lớp học thêm bên ngoài trường. “Bộ GD&ĐT cấm dạy thêm ngoài trường học sinh do giáo viên giảng dạy trên lớp, nhưng thực tế, có hiện tượng các giáo viên âm thầm bắt tay nhau để dạy chéo cánh học sinh lớp khác”, vị phụ huynh này nói.
Điều bất bình là các lớp dạy thêm mở dưới dạng đăng kí hộ kinh doanh không đảm bảo cơ sở vật chất như ánh sáng, bàn ghế, phòng cháy chữa cháy. Nhiều lớp tồn tại trong các con ngõ sâu, tối tăm. Vị này mong muốn, Bộ GD&ĐT nên có ý kiến về việc học thêm dạy thêm ngoài trường phải đảm bảo điều kiện quy chuẩn giảng dạy như ở trên lớp chứ không phải chỉ cần một phòng học, mấy bộ bàn ghế, đèn điện là có thể dạy thêm.
Học sinh dự thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội. Ảnh: NHƯ Ý |
Chị N.T.H ở Ý Yên, Nam Định cho hay, từ khi Thông tư 29 có hiệu lực, lớp học thêm ngoài trường, trong trường của con gái đang học lớp 8 không hoạt động, con chỉ đến trường học buổi sáng, các buổi chiều nghỉ và buổi tối không phải đi học. “Chúng tôi ủng hộ không dạy thêm, học thêm triệt để. Dù ở quê nhưng buổi tối các con đi học, phụ huynh cũng phải sắp xếp đưa đón. Thực tế, tối nào các con cũng phải làm bài tập được giao trên lớp, nếu đi học thêm là thời gian ngủ, nghỉ của con bị giảm”, chị nói.
Bộ GD&ĐT cho rằng, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự trọng của giáo viên để nói “không” với dạy thêm không đúng với quy định; vận động phụ huynh đồng thuận, ủng hộ các giải pháp quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm nhằm đảm bảo quyền lợi và sự phát triển toàn diện của học sinh.
Ghi nhận tại Hà Nội cho thấy, nhiều giáo viên đã nhờ người thân đứng tên đăng kí hộ kinh doanh để tổ chức dạy thêm, học thêm hợp pháp. Một số giáo viên đến trung tâm bồi dưỡng văn hóa và một số khác thuê phòng để tổ chức dạy thêm ở các hộ đã đăng kí kinh doanh. Thầy Nguyễn Văn Hưng, giáo viên dạy Toán tự do ở Hà Nội cho biết, việc đăng kí hộ kinh doanh rất nhanh và cũng không gặp khó khăn khi hoàn thiện thủ tục. Ban đầu thầy Hưng dự định nếu chưa kịp đăng kí sẽ chuyển lớp đang dạy về một trung tâm văn hóa để đảm bảo quy định của pháp luật nhưng thủ tục nhanh gọn nên lớp học vẫn ổn định. Cô N.H.A, giáo viên dạy Toán ở một trường THPT tại Hà Nội cho hay, cô đã nhờ chồng đứng tên đăng kí hộ kinh doanh nhưng chưa xong vì đơn vị phòng cháy chữa cháy ở quận sở tại đợi sáp nhập nên chưa cấp phép. Các lớp dạy thêm ngoài trường của cô H.A tạm dừng chờ đến khi có quyết định chính thức.
Tại điều 4 Thông tư 29 quy định một trong ba trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm là không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Nhưng theo phản ánh của chị T.T.H ở Hoàng Mai, Hà Nội, lớp học thêm Toán nâng cao của con gái (học lớp 3) ở một CLB tại Linh Đàm (Hoàng Mai) vẫn học bình thường 1 buổi/tuần.
Chuyển dạy 2 buổi/ngày
Đại diện Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết, địa phương đang triển khai thí điểm mô hình học 2 buổi/ngày, 5 ngày/tuần, từ ngày 3/2 đến hết ngày 28/2. Sau thời gian thí điểm, sở tổ chức tổng kết để rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà ở tất cả các cấp học. Các trường học của Ninh Bình đều được đầu tư cơ sở vật chất tốt, đủ điều kiện để dạy học 2 buổi/ngày.
Theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các nhà trường được chủ động trong kế hoạch dạy học. Do vậy, việc tổ chức học 2 buổi/ngày có nhiều thuận lợi và giúp việc học giảm áp lực về thời gian cũng như lượng kiến thức trong một buổi học. Việc học 6 buổi sáng/tuần khiến học sinh phải học cả thứ Bảy, giờ vào học sớm và phải học đến tiết 5 nên kết thúc muộn. Học liên tục 5 tiết trong một buổi sáng khiến lượng kiến thức khá nhiều và học sinh sẽ mệt mỏi hơn. Trong khi đó, việc triển khai mô hình 2 buổi/ngày, 5 ngày/tuần giúp nhà trường có thể kéo dãn kế hoạch dạy học, học sinh có thể vào học muộn hơn, từ khoảng 7h30 thay vì 7h như hiện nay, giảm số buổi học sinh phải học tiết 5.
Mô hình 2 buổi cũng giúp các nhà trường có thêm thời gian để sáng tạo, tổ chức các hoạt động giáo dục phong phú hơn cho học sinh. Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết, qua thăm dò cho thấy phụ huynh rất ủng hộ triển khai mô hình này. Học sinh được nghỉ học thứ Bảy vừa đồng bộ với cấp mầm non và tiểu học, giúp phụ huynh thuận lợi hơn trong việc bố trí các hoạt động để gắn kết gia đình.
Tỉnh Yên Bái thực hiện thí điểm dạy học theo mô hình này từ đầu tháng 1 đối với học sinh THCS. Chủ trương dạy học 5 ngày/tuần nhận được sự đồng tình, ủng hộ của giáo viên, học sinh, phụ huynh. Mô hình này vừa giúp giảm áp lực, vừa giúp học sinh có thêm thời gian cho các hoạt động vui chơi, giải trí cũng như tự học, tự bồi dưỡng, tham gia hoạt động cộng đồng, xã hội. Giáo viên cũng có thêm thời gian cho gia đình hay tham gia các hoạt động, khóa học để nâng cao nghiệp vụ. Phòng GD&ĐT thành phố Thanh Hóa cũng có đề xuất với UBND TP Thanh Hóa về việc được thực hiện học 2 buổi/ngày.
Bộ GD&ĐT vừa đề xuất một số giải pháp khác để quản lí hiệu quả việc dạy thêm, học thêm. Theo đó, các địa phương cần ban hành các quy định cụ thể để quản lí việc dạy thêm, học thêm. Nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên, trách nhiệm của nhà giáo; phát huy năng lực tự học của học sinh; đổi mới công tác kiểm tra đánh giá (kiểm tra, đánh giá, thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; không ra đề ngoài nội dung chương trình để đảm bảo học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm vẫn sẽ vượt qua các kì kiểm tra, tuyển sinh); tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Ngoài ra, để đảm bảo đời sống cho nhà giáo, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã và đang tiếp tục tham mưu về các chính sách cho nhà giáo, trong đó dự án Luật Nhà giáo, nếu được Quốc hội thông qua trong thời gian tới sẽ mang lại những chính sách đãi ngộ tích cực cho nhà giáo.
Nguồn: https://tienphong.vn/quan-ly-day-them-hoc-them-nguy-co-bien-tuong-post1718495.tpo
Bình luận (0)