Tình hình xung đột Nga-Ukraine và Trung Đông, ông Donald Trump đạt thỏa thuận tranh luận trực tiếp với bà Kamala Harris, Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương ra quyết định quan trọng, Thủ tướng Anh thăm Đức và Pháp… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày.
Ông Donald Trump thông báo đã đạt được thỏa thuận với bà Kamala Harris về quy tắc trong buổi tranh luận trực tiếp vào ngày 10/9 tới tại đài ABC. (Nguồn: AFP) |
Châu Âu
* Ukraine không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt với Nga, vốn sẽ hết hạn vào cuối năm 2024. Tại buổi họp báo với các kênh truyền hình Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định: “Sẽ không có chuyện gia hạn. Vấn đề này đã được quyết định”.
Phản ứng lại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 28/8 tuyên bố: “Những quyết định như vậy của phía Ukraine sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của người tiêu dùng châu Âu, những người vẫn muốn mua khí đốt Nga được đảm bảo hơn, giá cả phải chăng hơn về mặt kinh tế”.
Theo ông Peskov, Nga có các tuyến đường thay thế để cung cấp khí đốt cho châu Âu. (Sputnik)
* Ba Lan không còn khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine, khi Warsaw đã cung cấp cho Kiev mọi thứ có thể, bao gồm loạt vũ khí trị giá hàng tỷ USD, theo lời Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz.
Theo ông, hiện nay, “an ninh của nhà nước Ba Lan luôn là mục tiêu tối cao” và Kiev phải hiểu rằng, Warsaw “phải duy trì năng lực của mình”. (PAP)
* Moldova có thể gia nhập Liên minh châu Âu (EU) trong vòng 4-5 năm nữa, theo lời Chủ tịch Quốc hội Moldova Igor Grosu, đồng thời khẳng định, Chisinau nhận được sự ủng hộ từ EU và Mỹ
Theo ông Grosu, chính quyền Moldova hiện tại sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn của châu Âu để phát triển chính sách trong nước. (Sputnik)
* Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham dự cuộc họp của EU tại Brussels (Bỉ) sau 5 năm vào ngày 29/8, với đại diện là Ngoại trưởng Hakan Fidan.
Theo một nguồn tin ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara coi lời mời tham dự cuộc họp của EU là động thái tìm kiếm đối thoại liên quan lời kêu gọi của quốc gia liên lục địa về việc khôi phục quan hệ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng hy vọng cuộc họp ngày 29/8 tới sẽ giúp mở ra các kênh đối thoại giữa hai bên.
Dự kiến, Ngoại trưởng Fidan sẽ gặp các quan chức cấp cao của EU tại Brussels, trong đó có Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell, Ủy viên phụ trách vấn đề mở rộng EU Oliver Varhelyi. (Hurriyet Daily News)
* Thủ tướng Anh Keir Starmer thăm Berlin và Paris từ ngày 27/8 và có các hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Đây là chuyến thăm song phương đầu tiên của ông Starmer kể từ khi nhậm chức hồi tháng trước.
Chuyến đi nhằm xây dựng lại lòng tin với các đồng minh châu Âu vốn bị tổn hại do vấn đề Brexit (Anh rời EU). Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Starmer dự kiến nhấn mạnh rằng, việc tăng cường quan hệ với Đức và Pháp là “rất quan trọng”. (The Guardian)
* Ủy ban châu Âu (EC) đối mặt với hai vụ kiện về khí hậu từ các nhà hoạt động môi trường, yêu cầu cơ quan này phải nâng cao tiêu chuẩn khí thải cho năm 2030 và hủy bỏ quy định phân loại các khoản đầu tư xanh trong ngành hàng không.
Trong vụ kiện tại Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu (EU), các tổ chức phi chính phủ cho rằng, các giới hạn quốc gia về khí thải nhà kính đối với các ngành như giao thông và nông nghiệp là trái pháp luật và yêu cầu các khu vực phát triển lớn như EU cần hành động quyết liệt hơn. Tòa ưu tiên xét xử vụ kiện này và có thể đưa ra phán quyết vào năm 2025.
Trong vụ kiện khác được đệ trình cùng ngày, 5 tổ chức phi chính phủ khác yêu cầu EC sửa đổi quy định phân loại các khoản đầu tư xanh trong ngành hàng không khi cho rằng, chính sách hiện tại của EU là hành vi “tẩy trắng”.
EC hiện chưa đưa ra bình luận về 2 vụ kiện trên. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
4 kịch bản của xung đột Nga-Ukraine nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử |
Châu Á-Thái Bình Dương
* Các đảo quốc Thái Bình Dương phê duyệt sáng kiến trị giá 400 triệu AUD (271 triệu USD) do Australia tài trợ nhằm tăng cường chương trình đào tạo cảnh sát và thành lập một đơn vị cảnh sát cơ động trong khu vực.
Tại Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương ở Tonga ngày 28/8, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết, Sáng kiến Cảnh sát Thái Bình Dương sẽ thiết lập 4 trung tâm đào tạo cảnh sát trên khắp khu vực cũng như một trung tâm riêng ở Brisbane.
Sáng kiến này cũng sẽ thành lập một lực lượng cảnh sát đa quốc gia có thể được triển khai tới các nước trong khu vực phục vụ sự kiện lớn hoặc xử lý tình huống khẩn cấp, bảo đảm an ninh của toàn khu vực mà không cần tới sự can dự của nước ngoài. (Reuters)
* Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác với Nhật Bản: Phái đoàn liên đảng từ Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật-Trung do Chủ tịch Liên minh Toshihiro Nikai dẫn đầu đã có các cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Triệu Lạc Tế và nhà ngoại giao kỳ cựu Trung Quốc Lưu Kiến Siêu.
Ông Triệu Lạc Tế tuyên bố, hòa bình, hữu nghị và hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất cho hai nước, đồng thời khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Tokyo để liên tục tăng cường lòng tin lẫn nhau, làm sâu sắc thêm hợp tác, xử lý đúng đắn bất đồng và thúc đẩy quan hệ song phương theo đúng hướng phát triển lành mạnh và ổn định.
Trong khi đó, ông Lưu Kiến Siêu nhấn mạnh, mối quan hệ hai nước đang ở thời điểm quan trọng, bày tỏ hy vọng, hai bên sẽ tiếp cận mối quan hệ Trung-Nhật “từ góc độ rộng hơn và dài hạn, tăng cường liên lạc chiến lược và hợp tác trong nhiều lĩnh vực, và quản lý những bất đồng một cách xây dựng”.
Về phần mình, lưu ý rằng tình hữu nghị giữa người dân thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, ông Nikai tuyên bố Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Bản-Trung Quốc sẵn sàng đóng góp vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ song phương. (THX)
* Australia công bố Lộ trình và Chiến lược kỹ thuật số quốc phòng năm 2024, trong đó đề cập cách tiếp cận của Bộ Quốc phòng trong việc cung cấp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để hỗ trợ lợi ích quốc gia, vạch ra định hướng chiến lược và các ưu tiên của bộ này nhằm cải thiện lĩnh vực kỹ thuật số.
Chiến lược tập trung vào chương trình nghị sự kỹ thuật số của Bộ Quốc phòng thông qua 3 ưu tiên cốt lõi: mở rộng và nâng cấp Lực lượng phòng vệ Australia cũng như và Cơ quan dịch vụ công của Australia để trở thành lực lượng lao động tốt nhất và giảm sự phụ thuộc vào các nhà thầu; tận dụng sức mạnh của các nền tảng hàng đầu toàn cầu; đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, thông qua việc tập trung vào các mối quan hệ đối tác mạnh mẽ để cung cấp các công nghệ và năng lực có chủ quyền. (Australian Defence Force)
* Ấn Độ-Brazil đề cao quan hệ đối tác chiến lược: Tại Kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban chung Ấn Độ-Brazil (JCM) ở Delhi, Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar đánh giá, quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đã trở nên sâu sắc và đa dạng” hơn trong những năm gần đây, bao trùm nhiều lĩnh vực như quốc phòng, không gian, an ninh, công nghệ và giao lưu nhân dân.
Ấn Độ khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của Brazil.
Về phần mình, Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira nhận định, quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ đã “thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực hợp tác” và “chương trình nghị sự song phương được mở rộng” trong những năm gần đây. (The Hindu)
TIN LIÊN QUAN | |
Australia nêu sáng kiến bước ngoặt ở Thái Bình Dương, Papua New Guinea hưởng ứng, nhiều nước thấy ‘khó hiểu’ |
Trung Đông-châu Phi
* Israel không kích trúng xe chở tên lửa của Hezbollah vào đêm 27/8. Vụ việc xảy ra cách thành phố Baalbek của Lebanon khoảng 10 km, nơi được coi là thành trì của phong trào Hezbollah.
Một nguồn tin thân cận với Hezbollah đã xác nhận vụ tấn công và cho biết “các loại đạn dược bên trong xe tải đã bốc cháy”.
Bộ Y tế Lebanon cho biết, một người đã bị thương trong cuộc không kích. (AFP)
* Nga tố cáo tham vọng độc quyền của Mỹ gây ra khủng hoảng Trung Đông: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 28/8 khẳng định, tình hình hiện tại ở Trung Đông chính là hậu quả từ tham vọng của Mỹ muốn “độc quyền vai trò hòa giải”, duy trì nguyên trạng và thúc đẩy “hòa bình kinh tế”.
Theo bà, Mỹ đã bỏ qua một giải pháp lâu dài dựa trên các quyết định hiện có của Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và do đó, góp phần tích tụ nguy cơ xung đột ở Trung Đông.
Quan chức ngoại giao Nga cũng cho rằng, việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực có thể dẫn đến leo thang hơn nữa và Moscow ủng hộ việc tránh các hành động có thể làm trầm trọng thêm tình hình ở Trung Đông. (TASS)
* Các nước Arab chỉ trích kế hoạch thay đổi hiện trạng quần thể Al-Aqsa: Ngày 27/8, Saudi Arabia đã chỉ trích những phát biểu của Bộ trưởng An ninh quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir về việc xây dựng một giáo đường Do Thái bên trong khu phức hợp thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa, mà phía Israel gọi là Núi Đền.
Saudi Arabia cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục thực hiện trách nhiệm trong việc chấm dứt thảm họa nhân đạo mà người Palestine phải chịu đựng
Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC) cũng ra tuyên bố chỉ trích những phát biểu của Bộ trưởng Ben-Gvir, đồng thời phản đối hành động xâm phạm của các nhóm định cư cực đoan và các bộ trưởng trong chính phủ Israel tại khu phức hợp thánh đường Al-Aqsa.
Tổng thư ký Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) Jasem Mohamed Albudaiwi cáo buộc hành động này của Israel nhằm khiến tình hình thêm căng thẳng và rằng khu vực sẽ chìm trong bất ổn. (Al Monitor)
* Mỹ kêu gọi các bên ở Libya đối thoại mang tính xây dựng: Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Phi của quân đội Mỹ (AFRICOM) Michael Langley và Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Libya Jeremy Berndt đã gặp Tư lệnh Quân đội Quốc gia Libya (LNA) Khalifa Haftar tại thành phố Benghazi, miền Đông Libya, vào ngày 27/8.
Trong tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội X, Đại sứ quán Mỹ tại Libya cho biết, Washington kêu gọi tất cả các bên liên quan ở Libya tham gia một cách xây dựng vào quá trình đối thoại, với sự hỗ trợ từ Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMI) và cộng đồng quốc tế.
TIN LIÊN QUAN | |
Quan chức Israel toan tính ‘động tay’ ở Nhà thờ Al-Aqsa, Palestine tuyên bố ‘ranh giới đỏ’, Ai Cập phản đối hành động ‘vô trách nhiệm’ |
Châu Mỹ
* Cuba-Nga tổ chức tham vấn liên bộ Ngoại giao và tái khẳng định cam kết giữa hai nước trong việc thực hành chủ nghĩa đa phương.
Theo Bộ Ngoại giao Cuba, trong hoạt động tham vấn liên bộ Ngoại giao Cuba-Nga diễn ra tại Havana, hai bên cam kết tôn trọng tuyệt đối mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. (Prensa Latina)
* Nhiều nước ủng hộ chủ quyền của Venezuela: Ngày 27/8 đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt lần thứ XI của các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ thuộc Liên minh Bolivar vì các dân tộc châu Mỹ của chúng ta – Hiệp ước Thương mại của các dân tộc (ALBA-TCP).
ALBA-TCP tập hợp 10 thành viên chính thức là Cuba, Venezuela, Bolivia, Nicaragua, Dominica, Antigua & Barbuda, Saint Vincent & Grenadines, Granada, Saint Kitts & Nevis, và Santa Lucía.
Kết thúc hội nghị, các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ thuộc liên minh ALBA-TCP đã ra tuyên bố lên án các kế hoạch và hành động gây bất ổn từ bên ngoài nhằm đe dọa nền dân chủ, hòa bình và cuộc sống ở Venezuela.
Các nhà lãnh đạo ALBA-TCP yêu cầu tuân thủ nghĩa vụ không can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia nào khác và tôn trọng đầy đủ quyền bất khả xâm phạm của mọi quốc gia trong việc lựa chọn hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của mình.
Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel cũng khẳng định duy trì quan điểm ủng hộ Venezuela và Tổng thống Nicolás Maduro, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của tình đoàn kết khu vực Mỹ Latinh trong bối cảnh hiện tại. (Radiohc)
* Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cải tổ lớn trong Nội các, trong đó có lãnh đạo các bộ Dầu mỏ, Tài chính và Tập đoàn dầu khí quốc doanh PDVSA.
Theo ông, những thay đổi nêu trên là “sự đổi mới sâu sắc của chính phủ”. Ông cam kết các thành viên trong Nội các sẽ giúp đất nước “mở ra những con đường mới”, “đẩy nhanh những thay đổi mà nhân dân (Venezuela) cần có”. (Reuters)
* Mỹ tuyên án đối tượng đầu tiên xông vào Đồi Capitol trong vụ bạo loạn hồi năm 2021, có tên Michael Sparks, theo đó, Thẩm phán Timothy Kelly của tòa phúc thẩm tại thủ đô Washington, đã tuyên án 53 tháng tù giam cùng khoản phạt 2.000 USD đối với người này.
Gần 1.500 người đã bị buộc tội vì có vai trò trong vụ bạo loạn, tấn công tòa nhà Quốc hội Mỹ. (Reuters)
* Ông Trump đạt thỏa thuận với bà Harris về cuộc tranh luận trên truyền hình do ABC chủ trì vào ngày 10/9 tới.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump cho biết, hai bên đã nhất trí rằng, các quy tắc đối với cuộc tranh luận ngày 10/9 sẽ giống các quy tắc trong cuộc tranh luận trên CNN tháng 6 vừa qua giữa ông và Tổng thống Joe Biden, trước khi ông Biden từ bỏ cuộc đua.
Theo ông Trump, ABC đã đảm bảo với ông rằng cuộc tranh luận sắp tới sẽ “công bằng và bình đẳng”, trong đó không bên nào được cung cấp trước câu hỏi và các ứng cử viên không được mang theo giấy ghi chép.
Tuy nhiên, đội ngũ vận động tranh cử của bà Kamala Harris chưa xác nhận về những quy tắc trong cuộc tranh luận trên ABC. (Reuters)
Nguồn: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-288-ukraine-tuyen-bo-gat-nga-noi-ben-thiet-la-chau-au-thoa-thuan-trump-harris-cac-quoc-dao-thai-binh-duong-quyet-tu-chu-an-ninh-284189.html