Yêu cầu các nền tảng chặn, gỡ tin xấu, độc
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến với các địa phương ngày 29/10, ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Tiểu ban Truyền thông cho biết:
Khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát (đầu năm 2020), Bộ TT&TT đã vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên truyền, quyết liệt thực hiện tốt đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tuyên truyền thực hiện có hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ;…
Phát hiện kịp thời các vấn đề nảy sinh để giải quyết và tham mưu giải quyết, nhất là những vấn đề liên quan đời sống nhân dân; đấu tranh phản bác kịp thời các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch Covid-19; điều tiết thông tin trên báo chí và trên không gian mạng; thực hiện thế trận truyền thông nhân dân, dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, những thông tin sai lệch, tin giả về đại dịch Covid-19 được xử lý với phương châm nhanh nhất, triệt để nhất. Tin giả lan truyền nhanh nên cần công bố thông tin bác bỏ nhanh nhất có thể, lan truyền rộng khắp thông tin thật.
Xử lý triệt để bằng cách tìm nguồn tán phát tin giả để xử lý vi phạm hành chính; xử lý hình sự đối tượng tán phát tin giả; yêu cầu các nền tảng nội dung chặn, gỡ tin xấu, độc.
Ngày 4/6/2021, Bộ TT&TT đã thiết lập Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (Trung tâm công nghệ Quốc gia) với sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT và Bộ Y tế, các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam.
Trung tâm công nghệ Quốc gia có sự tham gia chuyên trách của gần 60 công chức, viên chức nhà nước và tham gia cộng tác của gần 1.000 chuyên gia, lập trình viên, kỹ thuật viên của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Bộ TT&TT phát triển và triển khai ứng dụng công nghệ thống nhất của Ban Chỉ đạo Quốc gia PC-COVID; chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông triển khai cài đặt âm thông báo, nhắn tin tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch đến các thuê bao trên địa bàn một số tỉnh, thành phố; tiếp nhận và xử lý, trả lời phản ánh của người dân qua các tổng đài; thúc đẩy triển khai sóng di động phục vụ giảng dạy và học tập trực tuyến.
Liều thuốc “an sinh tinh thần” quý giá
Trong 3 đợt dịch đầu, các cơ quan báo chí đã bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các cơ quan chức năng để chủ động thông tin, tuyên truyền.
Đợt dịch thứ 4 bùng phát, báo chí đã thông tin kịp thời, nhanh chóng, chính xác về công tác phòng, chống dịch; lan tỏa mạnh mẽ Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; các chỉ đạo, biện pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia, công tác phòng, chống dịch của các bộ, ngành, địa phương, góp phần truyền đi nhanh chóng thông điệp về nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh,
Đảm bảo an sinh cho người dân, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, tạo được sự tin tưởng, đồng thuận của người dân; hướng dẫn, phổ biến cho người dân về các biện pháp phòng dịch, công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly, điều trị để sớm dập dịch.
Báo chí điện tử đã có 2.286.883 tin, bài liên quan đến công tác phòng, chống dịch (từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2023). Trong 3 năm qua, các Đài PTTH đã sản xuất và phát sóng khoảng hơn 880.000 chương trình phát thanh, thời lượng khoảng hơn 2.350.000 phút; hơn 940.000 chương trình truyền hình, thời lượng khoảng hơn 2.570.000 phút. Đăng tải khoảng hơn 1.300.000 chương trình trên trang thông tin điện tử, trên fanpage Facebook, Youtube của các Đài PTTH để tăng độ lan tỏa, thu hút thêm lượt nghe, xem.
Các cơ quan báo chí đối ngoại đã đăng, phát tin, bài, chương trình bằng 13 thứ tiếng (gồm tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Lào, Thái Lan, Campuchia và Indonesia) về các quy định, chính sách về phòng, chống dịch; công tác chỉ đạo và thực tế phòng, chống dịch tại các địa phương; công tác an sinh, đảm bảo cuộc sống người dân các vùng giãn cách… khẳng định nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19 tới người nước ngoài ở Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế.
Các cơ quan báo chí đăng, phát nhiều bài viết hay, chất lượng, có giá trị “vượt thời gian” để người dân đọc, nghe, xem trong thời gian ở nhà thực hiện giãn cách, là liều thuốc “an sinh tinh thần”.
Khi chống dịch và phát triển kinh tế phải song song, Chính phủ và Quốc hội đồng hành cùng doanh nghiệp trên tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật“.
Khi xác định chuyển trạng thái chống dịch, từ “Zero Covid” sang “sống chung với Covid”, nhiều giải pháp, đề xuất, kiến nghị tâm huyết được bàn đến, làm sao để “sống chung” có hiệu quả, thích ứng an toàn trong cuộc sống bình thường mới; tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát dịch bệnh Covid-19, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế xã hội,…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông đã phát huy thế mạnh, triển khai nhiều biện pháp, chương trình miễn phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ TT&TT, Bộ Y tế và Bộ Công an đã thống nhất triển khai: Kết nối các Nền tảng công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 với Cơ sở dữ liệu dân cư để xác thực thông tin người dùng; thống nhất 1 mẫu Tờ khai y tế trong quá trình khai báo, di chuyển; thống nhất 1 mã QR sử dụng chung cho từng đối tượng liên thông giữa tất cả các nền tảng, hệ thống, phần mềm.
Trong 3 năm qua, Bộ TT&TT đã cùng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, BKAV, CMC, Sovico,… phát triển 14 nhóm nền tảng, công cụ công nghệ phòng, chống dịch với trên 20 ứng dụng khác nhau.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Bộ TT&TT bám sát quan điểm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương duy trì chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở tiếp tục tăng cường thông tin tạo đồng thuận xã hội sau khi chuyển bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B;
Chỉ đạo, định hướng báo chí, truyền thông đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, ngăn chặn các thông tin xấu độc, tin giả, tin không kiểm chứng; xử lý nghiêm đối với các thông tin sai sự thật, không kiểm chứng.
Tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng và tiêm chủng vắc-xin. Tiếp tục triển khai, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch.