Hiệu quả của tín dụng chính sách đem đến không chỉ là giá trị kinh tế mà hơn cả là những vấn đề xã hội được giải quyết, cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người nghèo, người yếu thế đã từng bước được cải thiện, nâng cao. Qua đó góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với đảng, nhà nước trên cơ sở hòa hợp ý đảng, lòng dân.
Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đã trở thành một quyết sách đúng đắn, trực tiếp giải quyết những vấn đề nội tại trong triển khai tín dụng chính sách xã hội, tạo bước đột phá trong việc kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh phối hợp triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình và các đối tượng chính sách khác. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH thị xã thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao; các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện tốt các nội dung nhận ủy thác từ NHCSXH; phối hợp công tác bình xét cho vay; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ, thu lãi, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu được triển khai hiệu quả… đưa đồng vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách kịp thời đúng đối tượng. Ưu tiên nguồn vốn cho vay để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội bảo đảm hoạt động ổn định, bền vững.
Trao đổi với nhiều người dân ở xã Hòa Thành, thị xã Đông Hòa, không ít người chia sẻ về câu chuyện vượt khó, cải thiện đời sống gia đình từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Đồng chí Nguyễn Văn Vinh, hội viên Cựu chiến binh (CCB) chi hội thôn Phước Lộc 2 cho biết: “Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho gia đình mua sắm các loại máy móc như máy gặt đập liên hoàn, máy cày đất, phát triển chăn nuôi … nên mấy năm nay kinh tế gia đình khấm khá lên. Mỗi năm cho thu nhập từ 120 – 150 triệu đồng, qua đó có thêm kinh tế”
Tín dụng chính sách góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Phú Yên. |
Còn hội viên CCB Hồ Thanh Vân – chi hội Phước Bình Bắc chia sẻ: “Nhà tôi đã vay 3 lần với tổng số tiền 120 triệu đồng, cứ trả hết lại vay để tiếp tục làm ăn. Nhờ có nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách nên việc mua máy móc, con giống tương đối thuận lợi”
Còn theo Chi hội phó CCB thôn Phú Lễ: Văn Phú Hoa chia sẽ: “ Được sự quan tâm, tư vấn của tổ chức Hội gia đình tôi được vay từ nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách với số tiền 120 triệu đồng, gia đình đầu tư mở rộng mô hình nuôi bò cao sản kết hợp trồng mía, bắp, cỏ và tận dụng thực phẩm rau củ quả thừa các chợ …làm thức ăn chăn nuôi, đến nay gia đình tôi nguồn thu nhập đã ổn định, việc trang trải cho cuộc sống hàng ngày đã tốt hơn, tạo điều kiện tốt cho gia đình nuôi các con ăn học, mong rằng các tổ chức tiếp tục tạo điều kiện để cho các hộ dân cũng sớm mạnh dạn tiếp cận được các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình”.
Chủ tịch UBND xã Hòa Thành ông Đoàn Phú Hữu (cũng là hội viên CCB) khẳng định: Điểm giao dịch định kỳ hằng tháng của NHCSXH tại xã được bố trí trong khuôn viên UBND xã và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhân dân đến vay vốn, trả nợ. Điểm giao dịch có đầy đủ những nội dung và được công khai theo quy định. Các bảng biểu, thùng thư góp ý, đường dây nóng… treo nơi dễ nhìn, thuận tiện cho khách hàng theo dõi. Chính quyền địa phương chỉ đạo kịp thời Ban giảm nghèo xã và các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác thực hiện rà soát đối tượng vay vốn, thực hiện bình xét cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, đặc biệt là nợ quá hạn.
Riêng Hội CCB xã Hòa Thành đã phối hợp NHCSXH chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đến hết tháng 10/2024, tổng dư nợ ủy thác của NHCSXH tại Hội CCB xã là 7,7 tỷ đồng với 215 khách hàng vay vốn. Người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.
Với việc sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả đã giúp cho các hộ gia đình trong địa phương không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, kinh tế ngày càng được cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo, mà còn góp phần thực hiện một trong những tiêu chí mục tiêu xây dựng xã Hòa Thành đạt về đích đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2024.
Có thể nói, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của xã Hòa Thành nói riêng, của cả thị xã Đông Hòa nói chung; là minh chứng khẳng định chủ trương lãnh đạo đúng đắn của Đảng và nhà nước ta dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng hiệu quả, lan tỏa sâu rộng, xứng đáng với sứ mệnh là một chính sách an sinh xã hội đặc biệt, tiếp sức cho người nghèo, các đối tượng chính sách trong hành trình vượt lên đói nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Thực tế, không chỉ có Đảng ủy, UBND xã, bám sát nội dung của Chỉ thị số 40, thời gian qua, cấp ủy thôn, các giới hội đoàn thể trong xã đã xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên. Theo đó, đã quan tâm hỗ trợ NHCSXH về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động của đơn vị trên địa bàn; cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng kịp thời hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; bám sát, chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp với Ngân hàng trong việc thực hiện các chương trình tín dụng; củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan lồng ghép hoạt động tín dụng với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội.
Công tác kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp được thực hiện thường xuyên, nhất là sau khi Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp thị xã, từ đó đã nâng cao năng lực hoạt động; các chủ trương, chính sách được triển khai nhanh chóng, những khó khăn, vướng mắc được Chủ tịch UBND xã trực tiếp chỉ đạo giải quyết kịp thời tại cơ sở.
Cùng với sự tận tâm, tận tụy, trách nhiệm của cán bộ và nhân viên NHCSXH không quản khó khăn, vất vả…, đúng giờ giao dịch cố định là có mặt phục vụ Nhân dân đã kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo nên thành công chung của Chỉ thị số 40.
Nguồn vốn cho vay ưu đãi thông qua NHCSXH đã khắc phục được tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đời sống Nhân dân được nâng lên, điều kiện kinh tế được cải thiện, ổn định trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Tô đậm thêm tính nhân văn của chính sách
Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 trên địa bàn xã, vốn tín dụng chính sách đã giải ngân cho gần 1.750 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với doanh số cho vay đạt gần 52 tỷ đồng. Nguồn vốn góp phần giúp cho hàng trăm hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 8.630 lao động, 01 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn hòa nhập cộng đồng; 133 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ gần 60 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; xây dựng 1.357 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; 26 căn nhà cho hộ nghèo và các gia đình chính sách, đóng góp tích cực vào việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
Rõ ràng hiệu quả đầu tư nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ tính bằng những giá trị kinh tế đạt được mà còn là điểm tựa vững chắc cho người nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Có thể khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống. Để phát huy hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, phù hợp với bối cảnh, tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục quan tâm quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu cần phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc nắm bắt thông tin liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại địa phương. Chỉ đạo thực hiện tốt việc điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình làm cơ sở thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện để các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhanh, kịp thời nguồn vốn. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc giám sát, phản biện xã hội, nâng cao hiệu quả giám sát toàn dân đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đẩy mạnh triển khai mở rộng cuộc vận động Vì người nghèo, xem xét gửi các quỹ, các khoản tiền tạm thời nhàn rỗi vào NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn.
Các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác tập trung thực hiện đầy đủ, hiệu quả các công việc được ủy thác; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; lồng ghép việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội với các chương trình, dự án của các hội, đoàn thể. Thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, các mô hình giúp nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Mới đây, tại hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức vào chiều 17/7/2024, phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng giám đốc NHCSXH Hoàng Minh Tế ghi nhận, đánh giá cao những kết quả nổi bật trong quá trình triển khai Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư trên địa bàn Phú Yên. Có thể khẳng định, Chỉ thị 40-CT/TW đã đi vào cuộc sống, hợp ý Đảng, lòng dân, được Nhân dân đồng tình ủng hộ. “Thời gian tới, NHCSXH sẽ tiếp tục quan tâm, chú trọng bổ sung nguồn lực, nguồn vốn để thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi tại địa bàn Phú Yên, góp phần phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương”, Phó Tổng giám đốc NHCSXH khẳng định.
Kết luận hội nghị, đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đề nghị thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị 40-CT/TW; tích hợp các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong quyết định đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án khác trong kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030; hằng năm, cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay.
UBND các cấp trên địa bàn chỉ đạo, thực hiện tốt việc điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình và các đối tượng thụ hưởng các chính sách tín dụng khác làm cơ sở để NHCSXH cho vay; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nâng cao hiệu quả sử dụng vốn…
MTTQ tỉnh phối hợp triển khai các hoạt động giám sát và phản biện xã hội nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách. Các tổ chức chính trị – xã hội nâng cao trách nhiệm, vai trò nhận ủy thác cho vay, hướng dẫn bình xét cho vay đúng đối tượng, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn…
Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân đã góp phần tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị. Một quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương đã mang lại những kết quả khích lệ trên mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa và trật tự xã hội cho người dân nghèo nông thôn. Qua 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã thực sự trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn từ tỉnh, thị xã đến xã, để Ngân hàng Chính sách xã hội không chỉ là đại diện ủy thác giải ngân tín dụng của Chính phủ mà còn là cầu nối, đòn bẩy thúc đẩy mối liên kết gắn bó mật thiết giữa Đảng – người dân – chính quyền trong công cuộc đẩy lùi đói nghèo, phát triển bền vững./.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-dap-ung-nguyen-vong-cua-nhan-dan-159333.html