Vấn đề đa dạng hóa nguồn thu, tìm các mô hình thu phí độc giả đang là vấn đề được nhiều các cơ quan báo chí quan tâm trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra thông tin tại Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” về thực trạng thị trường quảng cáo và tác động với báo chí: Thị trường quảng cáo toàn cầu trong những năm gần đây tăng nhưng với báo chí thì lại giảm đi. Cụ thể, trong giai đoạn 2019-2024, doanh thu ấn phẩm số giảm từ 35,1 tỷ USD xuống còn hơn 21 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu ấn phẩm số tăng không đáng kể, từ 10,6 tỷ USD lên 11,9 tỷ USD.
Báo chí toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, như việc các ấn phẩm in giảm sát cả về số lượng lẫn doanh thu. Trong khi đó, các ấn phẩm số gia tăng, nhưng không đáng kể. Đáng chú ý và quan trọng là phần tăng của ấn phẩm số không thể bù đắp cho phần mất đi của báo in.
Nhiều thống kê chỉ ra, các tờ báo bản điện tử ngày nay dù rất thu hút đông đảo độc giả, thì 70% – 75% doanh thu “quảng cáo số” vẫn chảy vào túi các nền tảng công nghệ xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok… Các trang tin, trang mạng xã hội cũng cạnh tranh quyết liệt, khiến vấn đề kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh số càng trở nên cấp thiết và cần thiết hơn bao giờ hết.
Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh |
Rõ ràng, đứng trước thực tế này, theo ông Lê Quốc Minh, các cơ quan báo chí trên thế giới đã quan tâm tới việc đa dạng hóa nguồn thu, trong đó tập trung vào các giải pháp như tổ chức sự kiện, thu hút tài trợ, hợp tác với mạng xã hội cũng như các nền tảng công nghệ-trí tuệ nhân tạo…
Nhưng, hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế báo chí ở Việt Nam, PGS.TS. Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội đưa ra những điểm nghẽn kinh tế báo chí-truyền thông tại Việt Nam hiện chưa phát triển, bao gồm: Vấn đề nhận thức, mục tiêu; sức ép của sự bùng nổ công nghệ-kỹ thuật; việc điều hòa quan hệ lợi ích; điểm nghẽn trong xây dựng cấu trúc hệ thống tổng thể của nền kinh tế báo chí-truyền thông và thể chế quản lý báo chí-truyền thông đáp ứng yêu cầu mới.
Bàn về vấn đề giải pháp, ông Lê Quốc Minh cho biết, việc tìm kiếm doanh thu từ độc giả ngày càng quan trọng hơn và đó là nguồn thu an toàn hơn. Hầu hết cơ quan báo chí lớn trên thế giới hiện nay đều thu phí, trong khi tại Việt Nam nếu các cơ quan báo chí còn tình trạng chờ xem đơn vị khác thử nghiệm có sai mới tiến hành thì dễ mắc lại những sai lầm cũ.
Bên cạnh đó, các cơ quan cũng cần đón xu hướng kết hợp làm báo với truyền thông, bởi các nhà báo là người thành thạo nhất về kỹ năng kể chuyện. Do vậy, việc sản xuất nội dung quảng cáo cho thương hiệu là cách để các cơ quan báo chí có thêm nguồn thu nhờ vào chuyên môn sâu về kể chuyện của mình.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng thúc đẩy việc tổ chức sự kiện để đem lại doanh thu, nhiều cơ quan tại Việt Nam đón xu hướng này rất tốt như báo Nhân dân, báo Đầu tư…cũng đang cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin.
Đứng dưới góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ, Bộ sẽ trình Chính phủ sửa đổi Luật Báo chí, trong đó có nội dung giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế báo chí.
Hiện, các cơ quan chức năng đang trong quá trình sửa đổi Nghị định số 18/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản theo hướng thực hiện của Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi). Nhất là đối với quy định, hướng dẫn các mức biểu phí để trả bản quyền trong lĩnh vực báo chí. Ông Lâm nêu lý do, nguồn lực khiêm tốn của cơ quan báo chí và phải cạnh tranh với mạng xã hội. Nhưng nguồn lực đó tiếp tục bị bào mòn bởi câu chuyện vi phạm bản quyền.
Thứ trưởng cũng nhìn nhận, thay đổi cách làm báo, thay đổi cách kinh doanh sản phẩm báo chí là việc làm khó, nhưng không gì là không thể. Bộ TT&TT khuyến khích, mong muốn các cơ quan báo chí mạnh dạn đưa ra những mô hình mới để làm báo, để kinh doanh sản phẩm báo chí.
Lãnh đạo Bộ TT&TT tin rằng, báo chí hướng đến độc giả thì nguồn thu chính vẫn là từ độc giả. Tuy nhiên, các tổ chức khác trong xã hội, ví dụ như cộng đồng doanh nghiệp cũng rất cần sự đồng hành có trách nhiệm của báo chí.
“Cộng đồng doanh nghiệp là những đối tượng có nguồn lực, họ còn đối mặt với nhiều khó khăn hơn những gì các cơ quan báo chí đang gặp. Họ có kinh nghiệm trong việc vượt qua khủng hoảng, vượt qua khó khăn. Và họ rất cần sự đồng cảm, chia để cùng tiến bộ, đạt được mục tiêu phát triển của từng doanh nghiệp, từng cơ quan báo chí và phát triển đất nước nói chung”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nêu ra ý kiến.
Bộ TT&TT cho biết sẽ lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đóng góp quý báu từ các cơ quan và các đại biểu có mặt trong Hội thảo. Bộ sẽ xem xét, tiếp thu, tổng hợp các ý kiến báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí.
Sự phát triển của báo chí truyền thông trong bối cảnh mới cũng là một trong những chủ đề chính yếu để trường xây dựng các chương trình đào tạo, các đề tài nghiên cứu cũng như các hoạt động kết nối với cộng đồng báo chí truyền thông trong và ngoài nước. Đó cũng là định hướng để tạo dựng nội dung hội Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” về vấn đề sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí năm 2016. Đây là hành lang pháp lý quan trọng nhất cho hoạt động báo chí phát triển, để quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định, theo đúng tinh thần nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. |
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tim-nguon-thu-tu-doc-gia-de-bao-chi-phat-trien-ben-vung-152611.html