Khác xa với những ánh nhìn ngờ vực ở Mỹ, CEO TikTok, Shou Zi Chew, đã được chào đón nồng nhiệt và thu hút một đám đông lớn tại một sự kiện ở Indonesia vào giữa tháng này.
Trong trang phục áo sơ mi batik truyền thống của Indonesia, giữa ánh đèn disco nhấp nháy và âm nhạc sôi động, ông tuyên bố trước sự hoan nghênh của các quan chức và người hâm mộ rằng TikTok sẽ “đầu tư hàng tỷ USD” vào Đông Nam Á.
Ông cho biết thêm chỉ riêng Indonesia sẽ nhận được 10 tỷ USD đầu tư trong vòng 5 năm tới. Sự kiện ăn mừng này hoàn toàn trái ngược với những gì ông ấy phải đối mặt vào tháng 3 năm ngoái tại Mỹ.
Sự phản đối chính trị và nỗ lực cấm TikTok ở Mỹ phần nào giải thích cho việc nền tảng này đang chuyển hướng sang Đông Nam Á, nơi có dân số gần 700 triệu người đã trở nên quan trọng đối với thành công trong tương lai của nó.
ByteDance, công ty mẹ của Tiktok, cũng muốn chứng minh tầm vóc trị giá 300 tỷ USD của mình, khiến nó trở thành công ty khởi nghiệp tư nhân được đánh giá cao nhất thế giới, trước đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng dự kiến trong 2 năm tới.
Điều này làm cho việc tìm kiếm doanh thu ở Đông Nam Á trở nên quan trọng đối với tương lai của họ.
Nhưng ngay cả ở châu Á, ByteDance cũng đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ. Các nhà chức trách Đông Nam Á đã chỉ trích nội dung trên nền tảng của họ trong năm nay. TikTok cũng đã bị cấm ở Ấn Độ, một thị trường khổng lồ khác.
Jianggan Li, giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu Momentum Works đưa ra cảnh báo: “Rủi ro pháp lý không chỉ giới hạn ở Mỹ hay châu Âu”.
Mai Anh (theo FT)