Mặc dù đang chịu tác động từ biến đổi khí hậu và xung đột chính trị toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn có tiềm năng lớn tiếp tục cải thiện chi phí logistics, đưa ngành này phát triển.
Mặc dù đang chịu tác động từ biến đổi khí hậu và xung đột chính trị toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn có tiềm năng lớn tiếp tục cải thiện chi phí logistics, đưa ngành này phát triển.
Khi các doanh nghiệp FDI đặt chân tới Việt Nam và chọn địa điểm xây dựng nhà máy, bên cạnh chính sách thu hút đầu tư của từng địa phương, thì vị trí cũng là một yếu tố quyết định tới việc họ có đầu tư hay không, bởi nhà đầu tư cần tối ưu chi phí và thời gian vận chuyển khi hệ thống giao thông đường bộ của nước ta vẫn còn hạn chế, chi phí logistics khá cao.
Đơn cử, trường hợp của Aboitiz Foods (thuộc Tập đoàn Aboitiz), mới đây đã đầu tư nhà máy thứ 6 tại Việt Nam (2 nhà máy ở miền Bắc và 4 nhà máy ở miền Nam), nhưng Aboitiz Foods chỉ tập trung xây dựng nhà máy tại miền Bắc và miền Nam, chưa đầu tư ở miền Trung.
Hội nghị Logistics Việt Nam lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi để bứt phá” do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra vào ngày 31/10/2024 tại Khách sạn JW Marriott Saigon (82 – Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM).
Với sự tham dự của hơn 300 khách mời trong nước và quốc tế, Hội nghị sẽ phân tích và thảo luận chuyên sâu những vấn đề cấp bách nhất của ngành, như các thách thức và xu hướng mới, hiện đại hóa hạ tầng logistics, tăng cường hiệu quả chuỗi cung ứng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển các mô hình kinh doanh logistics mới.
Thông tin Diễn đàn sẽ được tường thuật trực tuyến trên các nền tảng online của Báo Đầu tư và đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thông tin của Hội nghị được cập nhật thường xuyên tại: https://logsummit.vir.com.vn.
Lý giải việc chỉ đầu tư ở hai miền, ông Hà Văn Minh, Giám đốc Gold Coin Việt Nam (thuộc sở hữu Aboitiz Foods) cho biết: “Miền Trung thường xuyên bị bão lũ, vì vậy, trong giai đoạn phát triển 10 năm, chúng tôi chỉ tập trung xây dựng nhà máy ở miền Bắc và miền Nam. Thêm nữa, việc xây dựng nhà máy thứ 6 tại Long An vì gần TP.HCM, gần cảng Phú Mỹ và cũng nằm ở tỉnh trọng điểm chăn nuôi vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc vận chuyển sang các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre sẽ thuận tiện, giúp giảm đáng kể chi phí logistics, giúp tăng lợi thế cạnh tranh của Công ty”.
Aboitiz Foods chỉ là một ví dụ điển hình trong số nhiều doanh nghiệp FDI, khi lựa chọn đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam thường ưu tiên vị trí gần sông, thuận tiện vận chuyển bằng đường thủy hơn là đường bộ, đồng thời cũng xây dựng nhà máy tại các điểm kết nối giữa các vùng tiêu thụ và tránh tác động của thời tiết, từ đó giảm chi phí logistics và giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi tới tay người tiêu dùng cuối cùng.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã làm thay đổi rất lớn tới điều kiện sản xuất của các doanh nghiệp, khi mới đây bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc, gây thiệt hại lớn với các địa phương.
Có thể thấy, biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp FDI nói chung và ngành logistics nói riêng, khi mà quy mô tàn phá của biến đổi khí hậu ngày một lớn hơn, vùng chịu tác động rộng hơn, nằm ngoài dự báo của doanh nghiệp khi đầu tư, xây dựng nhà máy.
Một yếu tố nữa cũng gây tác động lớn đến hoạt động logistics, đó là xung đột ở Trung Đông leo thang, cuộc chiến Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn, đặc biệt là chủ nghĩa bảo hộ cục bộ theo khu vực đang lên ngôi. Tất cả những điều này có thể đẩy giá dầu, cũng như giá cước vận tải biển bật tăng.
Dù vậy, các chuyên gia, nhà đầu tư đánh giá, Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển logistics. Trong những năm qua, Chính phủ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, các tuyến kết nối liên tục giữa các khu vực, đồng thời khởi công hàng loạt tuyến cao tốc, khi hoàn thành kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể chi phí logistics so với các nước trong khu vực.
Năm 2023, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Chỉ số Hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam ở vị trí 43/139 nền kinh tế được xếp hạng, cải thiện đáng kể so với vị trí 53 vào năm 2010. Trong khu vực, Việt Nam thuộc top 5, cùng thứ hạng với Philippines, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan.
Theo tính toán của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam trung bình ở mức 16,8 -17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung là 10,6% của thế giới. Vì vậy, để tăng tính cạnh tranh thu hút dòng vốn đầu tư thêm nữa vào Việt Nam, việc tiếp tục tìm giải pháp giảm chi phí logistics sẽ tăng tính hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam đã ký kết, thực thi 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và 3 FTA đang đàm phán, trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại trong khu vực mậu dịch tự do với hơn 60 nền kinh tế. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga… Đây được xem là yếu tố thuận lợi cơ bản để phát triển mạnh lĩnh vực logistics.
Nguồn: https://baodautu.vn/tiep-tuc-tim-giai-phap-giam-chi-phi-logistics-d227916.html