Theo đó, mỗi cơ quan, đơn vị cá nhân cần đổi mới tư duy, phương thức hoạt động, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.
Tại sự kiện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự và phát biểu chỉ đạo. Đến dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải…
Phát biểu khai mạc lễ phát động, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, ngày 6/1/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần yêu nước và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, 89% cử tri ở các tỉnh, thành trong các nước đã đi bỏ phiếu, lựa chọn 333 đại biểu tham gia Quốc hội khóa I và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. |
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Trải qua gần 80 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, ngày càng được khẳng định vai trò cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất – hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Dù thời kỳ nào, trong hoàn cảnh nào, Quốc hội luôn nói tiếng nói tâm huyết, trách nhiệm của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân, phát huy trí tuệ của cả dân tộc cùng xây dựng và phát triển đất nước.
Công tác thi đua, khen thưởng có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần tạo động lực thúc đẩy các hoạt động cách mạng. Ngay từ những năm tháng đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948), đến nay phong trào thi đua đã được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước. Qua các phong trào thi đua xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực, mọi miền Tổ quốc.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Luật Thi đua khen thưởng (2022), Nghị quyết 44 (5/2/2024) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thi đua khen thưởng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các ban, bộ, ngành địa phương và nhân dân trong xây dựng Quốc hội dân chủ, pháp quyền, khoa học, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội,Văn phòng Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,… cụ thể hóa phong trào thi đua cho xác thực; thực hiện tốt công tác tuyên truyền; kịp thời khen thưởng, động viên các cá nhân xuất sắc cũng như xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ thống nhất cao với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động phong trào thi đua kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam.
Đây là dịp để ôn lại sự kiện lịch sử ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, ngày hội của toàn dân tộc, một bước tiến lớn trong quá trình xây dựng chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa; đồng thời cho rằng đây là dịp để khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm thi đua hoàn thành các mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: hưởng ứng phong trào thi đua do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động, trong thời gian tới, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ triển khai trên hệ thống Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên, quyết tâm thực hiện tốt các nội dung trọng tâm.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu nêu rõ, với khí thế của năm 2024, năm 2025 và hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam, Ủy ban Xã hội cùng với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chủ động xây dựng kế hoạch triển khai phong trào thi đua, không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để triển khai và quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ, nội dung trọng tâm đã đề ra.
Trong công tác lập pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, tiếp tục triển khai tích cực với tinh thần “lập pháp chủ động”, bám sát Kết luận số 19-KL/TW về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; thực hiện hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Trong công tác giám sát, triển khai có hiệu quả Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 3/8/2022 của Đảng đoàn Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội và các nghị quyết liên quan đến công tác giám sát; thể hiện sự linh hoạt, nhạy bén trong công tác giám sát trước những vấn đề lớn, nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước được cử tri, Nhân dân, các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Chủ nhiệm Ủy ban cũng cho rằng, trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là các vấn đề kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước, thực hiện cẩn trọng, kịp thời, tuân thủ đúng quy định của pháp luật đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng công việc được giao…