Các bạn trẻ mong muốn làm nhiều việc cùng lúc để giải quyết nhu cầu tài chính và tự hào về bản thân và coi như đây là yếu tố đánh giá thành công trong sự nghiệp.
Khả năng thích ứng cao của thế hệ trẻ
Có thu nhập cao để sống thoải mái ở Thủ đô là lý do để kỹ sư Nguyễn Văn Cường làm nhiều việc cùng lúc. Ngoài công việc kiểm soát chi phí dự án, Nguyễn Văn Cường làm thêm các việc liên quan đến sáng tạo nội dung. Theo anh, ở giai đoạn 20 – 30 tuổi thì ưu tiên cao nhất là công việc và gia tăng thu nhập. Thu nhập từ công việc chính và làm thêm, thanh niên 28 tuổi này có cuộc sống tương đối đầy đủ và cảm thấy không bị rảnh. Ngoài ra, có nhiều công việc cũng giúp Cường mở rộng được các mối quan hệ xã hội.
Tương tự, anh Vũ Văn Khánh sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Nha Trang, quyết định chọn làm nhiều công việc khác nhau, thay vì đầu quân cho một công ty cố định. Theo anh Vũ Văn Khánh, để có thể làm việc cho nhiều công ty một lúc thì phải bố trí thời gian hợp lý và khoa học để hoàn thành công việc đúng hạn.
Hiện nay nhiều sinh viên các trường cao đẳng, đại học đã đi làm thêm, thậm chí làm 2 – 3 việc cùng lúc cũng là để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt hàng tháng. Phạm Thị Ánh Tuyết đang là sinh viên năm 4 chuyên ngành Quản lý kinh tế, khoa Kinh tế Chính trị thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền làm 3 việc song song như quản lý dự án, trưởng phòng nhân sự trung tâm và trợ lý tổng giám đốc công ty truyền thông.
“Công việc của mình có thời gian linh động, có khi phải đi từ sáng sớm đến 2 – 3 giờ sáng mới trở về nhà hoặc sự kiện làm ở tỉnh thì sẽ đi từ 2 – 3 ngày, có khi cả Chủ nhật. Mình lựa chọn đồng thời nhiều công việc khác nhau là muốn được đi nhiều nơi, khám phá những điều mới lạ và được gặp gỡ, học hỏi từ anh, chị có kinh nghiệm. Không chỉ vậy, những công việc như quản lý dự án và phụ trách quản lý nhân sự đã giúp mình áp dụng các kỹ năng cho việc học” – Ánh Tuyết chia sẻ.
Xu hướng làm nhiều việc cùng lúc của giới trẻ hiện nay là một hiện tượng tích cực, thể hiện sự năng động và khả năng thích ứng cao của thế hệ mới là nhận định của Ths. Hạ Phan – CEO Công ty Headhunt JobUp. Theo Ths. Hạ Phan, khi một người trẻ có thể đảm đương 2 – 3 việc cùng lúc, họ không chỉ tạo được nguồn thu nhập đa dạng mà còn chứng minh được khả năng đa nhiệm xuất sắc. Điều này thể hiện việc họ phải linh hoạt xử lý nhiều nhiệm vụ khác nhau, chuyển đổi nhanh qua các vai trò và môi trường làm việc.
Trang bị kỹ năng để làm nhiều việc cùng lúc
TS Vũ Việt Anh – Giám đốc Học viện Thành Công cho rằng, có ba nguyên nhân chính để các bạn trẻ chọn làm đa việc. Hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 giúp cho các bạn trẻ tiếp cận được nhiều thông tin khác nhau, có công cụ hỗ trợ cho các hoạt động công việc thuận lợi.
Các cơ sở đào tạo nên xây dựng chương trình học theo hướng phát triển kỹ năng đa nhiệm cho sinh viên. Điều này có thể thực hiện thông qua việc tích hợp các dự án thực tế đòi hỏi sinh viên phải làm việc đa vai trò, kết hợp nhiều kỹ năng khác nhau. Chương trình học cũng cần chú trọng đào tạo kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả, giúp sinh viên có thể cân bằng tốt giữa học tập và công việc.
Trong quá trình làm nhiều việc, các bạn trẻ nên xác định rõ đâu là nghề nghiệp chính để tập trung phát triển chuyên sâu; còn các công việc khác nên xem như những trải nghiệm bổ trợ, giúp tích lũy thêm kỹ năng và kinh nghiệm cho nghề nghiệp chính của mình.
CEO Công ty Headhunt JobUp Ths. Hạ Phan
Vì thế, các bạn biết tận dụng những cơ hội, công nghệ đó để phát huy khả năng, năng lực của mình; có thể cùng lúc làm được nhiều công việc. Hiện nay, thông tin, hoạt động về những người trẻ thành công hay các tấm gương thành công ở các nước vô hình trung tạo ra áp lực cho người trẻ. Những người trẻ tuổi cũng rất mong muốn có cuộc sống tốt đẹp như những người bạn khác, vì thế họ chọn làm nhiều việc cùng lúc để tránh bị tụt hậu.
Theo TS Vũ Việt Anh, để thực hiện công việc cùng lúc hiệu quả và không bị chồng chéo, điều quan trọng lớn nhất đối với tất cả các bạn trẻ là phải trang bị cho mình những kỹ năng. Kỹ năng đầu tiên rất quan trọng đó là quản lý thời gian. Kỹ năng thứ hai là quản lý công việc, giờ nào việc đó để tránh ảnh hưởng đến hoạt động học tập của mình.
Các bạn cũng cần cân bằng cảm xúc, duy trì công việc và nghỉ ngơi để tránh bị căng thẳng. Cùng với việc trang bị thêm các kỹ năng, ứng dụng công nghệ vào công việc, các bạn trẻ cũng phải lưu ý: mỗi công ty đều có chính sách riêng biệt và thậm chí có thể là bảo mật trong công việc. Khi các bạn làm nhiều việc thì tránh để lộ những thông tin cá nhân bởi có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động của các DN.
Xu hướng giới trẻ cùng lúc làm nhiều việc cũng là vấn đề rất thách thức đối với tất cả các trường đào tạo nghề hiện nay. TS Vũ Việt Anh cho rằng, nếu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cứ đào tạo theo các chương trình dạy nghề bó hẹp thì chưa phát huy được hết tất cả tiềm năng của sinh viên.
Vì thế, ngoài việc đào tạo chuyên môn chính (kỹ năng cứng) thì các trường nghề nên đào tạo mở rộng những ngành nghề đang theo xu hướng. Như vậy, các trường sẽ giúp sinh viên tiếp cận sớm với tất cả những yếu tố đáp ứng môi trường bên ngoài và việc đào tạo chương trình ngoại khóa giúp các trường có thêm nguồn thu. Thậm chí, các trường kết hợp với DN đào tạo theo nhu cầu của DN để sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng và làm được việc ngay.
Tại Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội, sinh viên được đào tạo với mục tiêu trang bị kiến thức và kỹ năng đa dạng, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Trong chương trình đào tạo tại nhà trường, sinh viên sẽ có từ 3 – 6 tháng trải nghiệm và thực tập tại các DN.
Đây là cơ hội để sinh viên tiếp cận công việc thực tế, tích lũy kinh nghiệm và xác định rõ những kiến thức cần bổ sung khi quay lại trường học.
Đồng thời, nhà trường phối hợp chặt chẽ với DN để cập nhật các mô-đun tự chọn vào chương trình đào tạo theo từng thời điểm, bảo đảm phù hợp với yêu cầu cụ thể của các vị trí công việc tại DN.
Giám đốc Trung tâm Truyền thông tuyển sinh và hỗ trợ khởi nghiệp Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Xuân
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/tiep-can-ky-nang-da-nhiem-giup-gioi-tre-khang-dinh-ban-than.html