Ở tuổi 34, tiến sĩ Trương Thanh Tùng đã có một bằng sáng chế quốc tế, hơn 40 công trình khoa học được công bố trên tạp chí uy tín.
6 bài báo xếp hạng cao trên thế giới
Tiến sĩ Trương Thanh Tùng, Trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới (Viện Nghiên cứu tiên tiến Phenikaa), giảng viên Khoa Dược, Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội), là gương mặt khá nổi bật trong nhóm các nhà khoa học trẻ VN và quốc tế, bởi anh đã có nhiều công trình khoa học có tầm ảnh hưởng thế giới. Một trong số đó là công trình nghiên cứu hướng tới phát minh các thuốc mới với các bệnh lây nhiễm. Cụ thể là tìm ra các thuốc mới với cơ chế mới trong “cuộc chiến” kháng kháng sinh (thuốc thay thế kháng sinh nhằm không bị kháng chéo với kháng sinh).
“Hiện nay, các công ty dược và các nhóm nghiên cứu trên thế giới tập trung chủ yếu vào thuốc chữa các bệnh mang lại nguồn lợi kinh tế lớn, hay có thể nói là bệnh của nước giàu, như đái tháo đường, alzheimer… mà đầu tư rất ít cho các bệnh truyền nhiễm. Hậu quả là các dịch bệnh truyền nhiễm như Covid-19, Ebola khiến thế giới trở tay không kịp. Đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển như VN, vấn đề kháng kháng sinh là rất cấp bách. Do đó, tìm thuốc thay thế kháng sinh là một chủ đề nghiên cứu mang lại lợi ích lớn cho VN”, tiến sĩ Tùng chia sẻ.
Theo hướng nghiên cứu này, tiến sĩ Tùng đã có 3 công bố quốc tế tiêu biểu về “Nghiên cứu thiết kế, tổng hợp và phát minh các ứng viên làm thuốc mới hướng ức chế con đường Quorum sensing nhằm thay thế kháng sinh”. Công trình nghiên cứu đã đánh dấu mốc quan trọng: lần đầu tiên trên thế giới cho ra đời các dãy chất mới, có khả năng chống lại vi khuẩn, có thể thay thế được kháng sinh. Các chất mới có tiềm năng trở thành thuốc do người VN sản xuất, có thể giải quyết được các vấn đề quốc tế. Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở để tiến hành các thử nghiệm trên động vật và thử nghiệm lâm sàng.
“Hiện nay, nhóm nghiên cứu của tôi đã bào chế các sản phẩm dùng ngoài da cho các chất mới, các peptid kháng khuẩn sử dụng cho thú y. Đồng thời, các nghiên cứu ứng dụng các chất kháng khuẩn và peptid mới đang được nghiên cứu dưới đề tài của Bộ Quốc phòng về các chế phẩm dùng ngoài da kháng khuẩn, lành vết bỏng… cho bộ đội. Các sản phẩm này thuộc thuốc phát minh, do 100% người VN phát triển và làm chủ quy trình tổng hợp. Do đó, khi ứng dụng thành công sẽ cứu sống được nhiều người bệnh da kháng thuốc, giảm giá thành của thuốc xuống dưới 5 – 10 lần so với hiện nay”, tiến sĩ Tùng cho biết.
Giai đoạn làm tiến sĩ tại Đan Mạch, tiến sĩ Tùng vào top 3 nhà hóa dược trẻ xuất sắc toàn Đan Mạch, trực thuộc Hội Hóa học châu Âu năm 2017. Giai đoạn này, anh công bố 3 công trình Q1, trong đó phát minh ra phương pháp thiết kế thuốc mới, giúp tìm ra thuốc nhanh hơn, được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá cao.
Trong giai đoạn 2022 – 2023, anh đã khám phá và phát minh ra phương pháp tiềm năng loại bỏ vi rút HIV ra khỏi cơ thể, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, có thể trở thành phương pháp điều trị HIV đầu tiên trên thế giới do người Việt tạo ra. Tính riêng trong năm 2022, anh công bố 12 bài báo khoa học ISI uy tín quốc tế, trong đó có 6 bài báo xếp hạng cao nhất thế giới (top 10%, hạng Q1, là tác giả chính).
Năm 2022, khi là trưởng nhóm nghiên cứu, giảng viên khoa dược, anh được bầu chọn là một trong 28 nhà khoa học trẻ tiêu biểu thế giới tham gia ban cố vấn 2 tạp chí khoa học quốc tế ISI. Đặc biệt, anh là nhà khoa học trẻ (ngoài Mỹ) đầu tiên tại VN được bầu là thành viên chính thức của Hiệp hội Khoa học nghiên cứu quốc tế Sigma Xi – một trong những hiệp hội khoa học nghiên cứu lâu đời nhất thế giới, thành lập năm 1886, có trụ sở tại Mỹ.
Hành trình lựa chọn công việc ở nước nhà
Tiến sĩ Tùng sinh ra và lớn lên tại Hải Dương, từng là học sinh chuyên hóa Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương). Con đường đam mê nghiên cứu khoa học bắt đầu khi anh trở thành sinh viên Trường ĐH Dược (Hà Nội) và được một thầy giáo dìu dắt, hướng dẫn.
“Vào năm thứ 4 đại học, tôi đã có bài báo ISI đầu tiên mà tôi là tác giả chính. Đề tài của bài báo về các chất mới có tiềm năng điều trị ung thư. Với tôi, việc một sinh viên có bài báo khoa học trên tạp chí thuộc danh mục ISI chính là niềm hạnh phúc lớn, là động lực để tôi quyết định theo đuổi nghiên cứu khoa học sau khi tốt nghiệp. Bởi thời điểm đó, thường các bạn đồng lứa sau khi ra trường sẽ lựa chọn kinh doanh dược, một công việc có thu nhập cao hơn rất nhiều so với theo đuổi nghiên cứu khoa học”, anh Tùng chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp, với mong muốn được trải nghiệm và tìm hiểu kinh nghiệm nghiên cứu khoa học ở các nước tiên tiến trên thế giới, anh đã đi học và tham gia nghiên cứu ở rất nhiều nước. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), anh Tùng tiếp tục theo học tiến sĩ tại ĐH Copenhagen (Đan Mạch) – một trong những cái nôi của khoa học y, dược. Đây cũng là khoảng thời gian anh bắt đầu nghiên cứu ức chế con đường giao tiếp của vi khuẩn, để tìm thuốc thay thế kháng sinh. Những thành công bước đầu giúp anh hoàn thành luận án tiến sĩ năm 2017, mở ra cơ hội tham gia nghiên cứu tại các nước phát triển khác như Phần Lan, Anh, Mỹ.
Từng có điều kiện sống, làm việc và nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới, nhưng anh Tùng lại quay trở về VN tham gia các hoạt động nghiên cứu trong nước với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều hạn chế. Chia sẻ câu chuyện này, anh cho biết có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để về, đó là quê hương. Đối với người trẻ, quan trọng nhất là dám dấn thân để học hỏi hoàn thiện mình. Khi trở về, việc lựa chọn Trường ĐH Phenikaa là nơi bắt đầu cũng bởi ở đây anh có môi trường khám phá bản thân và sáng tạo không ngừng.
“Tôi đã có thể công bố công trình quốc tế khi còn là sinh viên ở VN, thì giờ đây có đầy đủ kiến thức được học tập ở nước ngoài, tại sao không về VN nghiên cứu?”, anh Tùng đặt câu hỏi và cũng là câu trả lời cho lựa chọn của mình.
Với những cống hiến đó, tiến sĩ Trương Thanh Tùng được tuyên dương tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ 7, năm 2023.
Thanhnien.vn