Nhờ vào những kết quả nghiên cứu nổi bật, tiến sĩ Nguyễn Vũ Kỳ, khoa Nhật Bản học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã đạt các giải thưởng uy tín của Bộ GD-ĐT, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh…
Đồng thời, những công trình của tiến sĩ Nguyễn Vũ Kỳ cũng đóng góp cho sự phát triển của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, thúc đẩy hoạt động giao lưu học thuật quốc tế.
Có những ngày chỉ để số hóa dữ liệu nghiên cứu
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Kỳ hiện là Chủ nhiệm bộ môn kinh tế – chính trị Nhật Bản, khoa Nhật Bản học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Từ năm thứ ba đại học, tiến sĩ Kỳ đã tham gia nghiên cứu khoa học, với đề tài đầu tiên là “So sánh phong trào văn minh khai hóa ở Nhật Bản và Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX – Cuộc vận động cắt tóc ngắn ở Nhật Bản và Việt Nam”.
Sau này, tiến sĩ Kỳ tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu về quan hệ Nhật Bản – Việt Nam, cũng như mở rộng nghiên cứu về quan hệ quốc tế ở Đông Á. Ông đặc biệt quan tâm về quan hệ Nhật Bản – Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam và chủ đề tác động của Chiến tranh Việt Nam đến chính trị, kinh tế, xã hội của Nhật Bản.
Đối với tác động của Chiến tranh Việt Nam đến nền kinh tế Nhật Bản, tiến sĩ Nguyễn Vũ Kỳ nhận định: “Ở Việt Nam, ít thấy công trình nào lý giải kỹ càng về vấn đề này. Một nguyên nhân khiến cho việc nghiên cứu còn ít là do thiếu tư liệu. Nên đây cũng là khó khăn tôi gặp phải trong quá trình thực hiện nghiên cứu của mình”.
Trong thời gian nghiên cứu theo học bổng của Chính phủ Nhật Bản tại ĐH Kanto Gakuin (Nhật Bản), giai đoạn 2019-2021, tiến sĩ Nguyễn Vũ Kỳ đã tiếp cận, khai thác nguồn tư liệu tại Nhật Bản để giải quyết vấn đề nghiên cứu đặt ra. Theo ông, thách thức nằm ở việc tập hợp và xử lý nguồn tư liệu. “Với kho dữ liệu đồ sộ, tôi không thể đem hết về nhà để khảo sát, nghiên cứu. Tôi đã tập trung số hóa những tài liệu đọc được thành kho tư liệu cho riêng mình. Khi thấy tài liệu hay, chứa vấn đề mình đang nghiên cứu, tôi sẽ tập hợp, chuyển thành tư liệu số và ghi chú thông tin liên quan của tài liệu đó. Có những ngày chỉ để số hóa dữ liệu nghiên cứu là vì vậy”, ông Kỳ giải thích.
Từ nghiên cứu đến các giải thưởng khoa học
Năm 2022, tiến sĩ Kỳ thực hiện công trình “Tác động của Chiến tranh Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế Nhật Bản giai đoạn 1965 – 1973”. Kết quả nghiên cứu sau đó được biên soạn thành sách chuyên khảo với tiêu đề “Chiến tranh Việt Nam và kinh tế Nhật Bản (1965 – 1973)”, do NXB Khoa học xã hội phát hành.
Động lực thôi thúc tiến sĩ Vũ Kỳ nghiên cứu sâu chủ đề này là để giải đáp thắc mắc từ thời học sinh. “Khi học lịch sử ở THPT, tôi thường được nghe ý kiến cho rằng Chiến tranh Việt Nam như “ngọn gió thần” thổi vào nền kinh tế Nhật Bản những năm 60 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, tôi không khỏi thắc mắc mức độ tác động của cuộc chiến tranh đến Nhật Bản là như thế nào. Đó cũng là một trong những mục đích tôi thực hiện nghiên cứu để bổ sung thông tin còn thiếu hụt đó”, ông Kỳ chia sẻ.
Với nghiên cứu trên, tiến sĩ Kỳ được Bộ GD-ĐT, Bộ KH-CN phối hợp với T.Ư Đoàn trao giải nhất Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2024. Ông Kỳ cho biết, giải thưởng có ý nghĩa động viên, cổ vũ tinh thần to lớn. “Khi công bố đề tài năm 2023, kết quả đã được hội đồng trường nghiệm thu một lần. Đến năm 2024, kết quả được công nhận thêm lần nữa bởi một hội đồng độc lập khác (ở đây là hội đồng của giải thưởng), điều đó càng khẳng định giá trị khoa học và thực tiễn của nghiên cứu”, ông cho hay.
Cũng trong năm 2024, tiến sĩ Kỳ vinh dự là một trong 9 nhà khoa học đầu tiên được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Khuê Văn Các. Giải thưởng này nhằm công nhận các nhà khoa học trẻ tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trên cả nước; đánh dấu sự ghi nhận xứng đáng cho hành trình phấn đấu và nỗ lực nghiên cứu trong thời gian dài của bản thân.
Là cán bộ hướng dẫn của tiến sĩ Kỳ khi làm nghiên cứu sinh, PGS-TS. Nguyễn Tiến Lực, nguyên Trưởng khoa Nhật Bản học, nhận xét: “Tiến sĩ Nguyễn Vũ Kỳ là giảng viên trẻ, năng động, sớm thành công trên nhiều lĩnh vực. Riêng về nghiên cứu khoa học, tiến sĩ Kỳ có niềm đam mê sâu sắc, biết nắm bắt được xu hướng nghiên cứu mới, có năng lực, kỹ năng nghiên cứu khoa học và sớm gặt hái được những thành công đáng ghi nhận”.
Bí kíp cho giảng viên, nhà khoa học trẻ
Tính đến thời điểm hiện tại, tiến sĩ Nguyễn Vũ Kỳ đã đạt nhiều giải thưởng khoa học của Việt Nam, bao gồm giải nhất Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2024; Giải thưởng Khuê Văn Các lần thứ nhất dành cho các nhà khoa học trẻ có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn năm 2024; giải ba, Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật năm 2023…
Theo tiến sĩ Kỳ, việc tham gia các giải thưởng mở ra nhiều cơ hội cho nhà khoa học trẻ. “Trong bối cảnh còn nhiều hoài nghi về ứng dụng của nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, việc tham gia các giải thưởng là một hướng đi nhằm giới thiệu kết quả nghiên cứu cho mọi người biết đến, mở rộng phạm vi áp dụng trong thực tế. Bên cạnh đó, thông qua các giải thưởng, nhà khoa học có cơ hội tiếp xúc với các quỹ hỗ trợ nghiên cứu, nhờ đó có điều kiện xuất bản nghiên cứu thành sách, đóng góp nguồn học liệu cho các thư viện và phục vụ cộng đồng”, ông Kỳ nêu.
Để có thể đạt được thành quả trong nghiên cứu khoa học, tiến sĩ Kỳ cho rằng mỗi người cần lập kế hoạch từ sớm. “Các giải thưởng cho giảng viên, nhà khoa học trẻ thường giới hạn tuổi không quá 35. Do vậy, cần xác định rõ hướng nghiên cứu và kiên trì theo đuổi mục tiêu đã chọn. Khi tham gia giải thưởng, nhà khoa học trẻ nên hướng đến những đóng góp có ý nghĩa cả về khoa học và thực tiễn; đồng thời xem đây là động lực, là khởi đầu cho chặng đường nghiên cứu sau này, thúc đẩy bản thân trở nên tốt hơn. Đó là tư duy nên có ở một nhà khoa học trẻ”, ông chia sẻ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chuyen-ve-mot-tien-si-dat-nhieu-giai-thuong-khoa-hoc-linh-vuc-xa-hoi-18525011115550328.htm