Công bố ở đâu cũng là cống hiến?
Chia sẻ với phóng viên Dân trí về trường hợp PGS.TS Đinh Công Hướng đang bị tố vi phạm liêm chính khoa học khi công bố nhiều bài báo đứng tên 2 trường đại học khác nơi ông làm việc, TS toán học Lê Thống Nhất thẳng thắn nêu: “Tôi chưa thấy sai ở đâu?”.
Ông Nhất chia sẻ trăn trở khi thực tế để có thể sống, nghiên cứu, không ít nhà khoa học phải tìm cách “bán” đi chất xám của mình.
Chính bản thân ông cũng thường xuyên bán chất xám để có tiền lo cho gia đình. Đây là hình thức bán cho các trường cần và nhà khoa học được thưởng.
“Việc này rất rõ ràng, có hợp đồng, vẫn nguyên tên tác giả, chỉ ghi tên đơn vị trường đó thôi. Tôi nghĩ không có gì sai cả. Cả bên cung và bên cầu”, TS Nhất thẳng thắn nói.
Ông thừa nhận có người bán luôn cả tên tác giả và đây mới là hành động sai trái.
“Có người phải bán tên tác giả, đương nhiên phải được giá. Cái nghèo khiến nhà khoa học đâm lao đành phải theo lao. Tôi thấy thương và đau vô cùng”, ông Nhất nói.
Theo vị tiến sĩ này, khi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao tại đơn vị cơ hữu, cán bộ nghiên cứu hoàn toàn có thể hợp tác với các đơn vị khác nhau.
Trước câu hỏi nhiều người cho rằng hành vi này là tiếp tay cho những thành tích “ảo”, chiêu trò “thổi phồng” xếp hạng đại học, một vấn nạn hiện nay, TS Nhất cho rằng đây là một cách để làm thương hiệu.
Ông lý giải, nghiên cứu khoa học không bao giờ giới hạn ở trong một đơn vị.
“Đã là nghiên cứu khoa học, công bố ở đơn vị nào cũng được, đều là sự đóng góp. Điều quan trọng là biết cân đối tiền để đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Khi một công trình khoa học ra đời là cống hiến cho nhân loại chứ có phải cống hiến cho riêng đơn vị nào, đất nước nào?”, ông đặt vấn đề.
Mọi việc chỉ đáng lên án khi có người bán bài báo cho người khác đứng tên hay những người chi tiền mua nghiên cứu khoa học để lên chức, để được phong giáo sư, phó giáo sư… Như vậy, người bán công trình mới là đang tiếp tay cho gian lận.
Ông kể câu chuyện cách đây vài chục năm khi tham gia xây dựng một trường tư nổi tiếng ở Hà Nội, ông đã phải lặn lội khắp nơi “mang” học sinh giỏi về nuôi, trao học bổng, mời giáo viên giỏi về dạy để làm thương hiệu…
Từ đó, giúp trường nổi tiếng nhanh, thu hút người học và dần phát triển lớn mạnh. Không phải đơn vị nào cũng đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học.
Nhân câu chuyện của PGS.TS Đinh Công Hướng, dư luận một lần nữa bàn luận về mức thu nhập và thù lao trả chưa tương xứng cho nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.
“Không phải ai, kể cả có năng lực cũng được cơ hội tham gia vào các công trình khoa học (cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp trường) được cấp kinh phí. Dù có được tham gia, quy trình phức tạp, kinh phí cũng thấp.
Nếu nhà khoa học có thể nghiên cứu mà đơn vị cơ hữu không thể đáp ứng được điều kiện, nguồn lực để làm, trong khi đơn vị khác sẵn sàng đầu tư nguồn lực mà không được làm, đó mới là sự lãng phí. Với những người muốn cải thiện cuộc sống, bán chất xám là cách kiếm tiền quá tốt”, ông Lê Thống Nhất nói.
Người đứng đầu một đơn vị thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên cũng chia sẻ mình “bạc tóc” để “giữ chân” nhân tài.
“Tại Thái Nguyên, mức thu nhập của giảng viên thấp, trong khi họ chỉ mất hơn 1 giờ xuống Hà Nội được trả mức lương cao gấp 2-3 lần, thậm chí hơn nhiều lần. Do đó, tôi “bạc đầu” để nghĩ cách mong giảng viên giỏi ở lại giảng dạy”, người này nói.
Vị này cũng thẳng thắn chia sẻ, sau khi giảng viên hoàn thành tốt công việc ở đơn vị, ông sẵn sàng tạo điều kiện để họ làm việc với các trường đại học khác kiếm thêm thu nhập.
“Nếu ép quá, họ sẽ rời trường. Vì thế, tôi luôn tạo điều kiện hết mức để mong họ tiếp tục ở lại và cống hiến”, vị lãnh đạo cho hay.
Không nên cổ súy cho thành tích “ảo”
Trong một diễn đàn khoa học trên mạng xã hội, nhiều tranh luận được đưa ra xoay quanh chủ đề nhà khoa học tố bán bài nghiên cứu có vi phạm liêm chính học thuật hay không.
Bên cạnh những ý kiến chia sẻ, đồng cảm, có một góc nhìn khác cho rằng không nên xem việc mua bán bài báo khoa học kiểu không ghi tên trường mình công tác mà ghi đơn vị trả tiền là bình thường.
Cần đặt vấn đề đơn vị công bố trong bối cảnh nhiều cơ sở giáo dục đang sử dụng chiêu trò mua bài để nâng xếp hạng đại học, chiêu trò qua mặt kiểm định để đạt “chất lượng quốc tế”.
Việc này khiến xã hội không còn biết cái gì là thật, cái gì là ảo; dẫn đến vinh danh tổ chức và cá nhân ngụy tạo “thành tích ảo”.
Chuyện “cơm áo gạo tiền” của người làm nghiên cứu rất cần được giải quyết song không thể dùng cách “mua bán”, “sang nhượng” công trình nghiên cứu để kiếm tiền, đó là mối nguy hại với cả hệ thống.
Một số người khác bày tỏ quan điểm cần có một cuộc bàn luận nghiêm túc, với những lập luận thuyết phục về liêm chính khoa học để đưa đến thống nhất trong toàn hệ thống.
Hội đồng Giáo sư Nhà nước yêu cầu làm rõ việc đăng bài với danh nghĩa cơ quan khác
Từ năm 2020, Hội đồng Giáo sư Nhà nước từng gửi yêu cầu tới các hội đồng giáo sư ngành, liên ngành để thực hiện thống nhất cách giải quyết một số vấn đề khi xét công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư.
Trong đó, Hội đồng Giáo sư Nhà nước yêu cầu các hội đồng phải phỏng vấn ứng viên để làm rõ lý do đăng bài với danh nghĩa cơ quan khác với cơ quan mình đang công tác.
Cơ quan báo chí truyền thông cũng phản ánh hiện tượng tạo thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học. Cụ thể, một số trường sẵn sàng trả tiền cho các nhà khoa học để công bố nơi công tác bằng đơn vị của mình.
Đáng nói, có những nhà khoa học chưa từng đến làm việc, nghiên cứu hay hoạt động khoa học tại đơn vị công bố nghiên cứu khoa học.