Tín hiệu tích cực thể hiện tiềm năng phát triển thanh toán số
Thực tế đã ghi nhận tiềm năng “bứt phá giới hạn” của thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam thông qua nhiều số liệu tích cực.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 7/2023, thanh toán thẻ tiếp tục tăng trưởng ổn định, với hơn 140 triệu thẻ thanh toán đang lưu hành, trong đó có hơn 113 triệu thẻ nội địa và 32,8 triệu thẻ quốc tế. Số lượng giao dịch thanh toán không tiền mặt trong 7 tháng đầu năm cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, đạt 51,14% so với cùng kỳ năm 2022, mở ra triển vọng đầy hứa hẹn cho tương lai của thanh toán số trên toàn quốc.
Có thể thấy, việc chấp nhận và ưu tiên các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong đời sống ở Việt Nam đang ngày càng tăng. Theo Chỉ số thanh toán mới của Mastercard năm 2022, 89% người tiêu dùng Việt đã chuyển sang quản lý tài chính cá nhân trên các nền tảng số, bao gồm thanh toán hóa đơn, chuyển từ giao dịch tiền mặt truyền thống sang chuyển khoản ngân hàng, mở tài khoản ngân hàng mới hoặc thiết lập kế hoạch tài chính dài hạn.
Việc quản lý tài chính này chứng minh tác động hiệu quả của số hóa, khi mức độ thoải mái của người tiêu dùng không chỉ dừng lại ở việc quẹt hoặc chạm thẻ để thanh toán. Chưa kể, tỷ lệ dân số trẻ cao với khả năng tiếp nhận công nghệ vượt trội cũng là một điểm sáng khác giúp Việt Nam tiến nhanh trên hành trình hướng tới thanh toán số toàn diện.
Nhà nước và doanh nghiệp hợp tác thúc đẩy thanh toán số tại Việt Nam
Không chỉ sở hữu nhiều lợi thế từ thói quen tiêu dùng của người dân, thanh toán số tại Việt Nam còn được “hậu thuẫn” bởi nhiều kế hoạch, chính sách hỗ trợ từ chính phủ, cũng như việc đẩy mạnh hợp tác phát triển từ các bên liên quan.
Thời gian gần đây, với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và sự hợp tác, nỗ lực từ các ngân hàng và các công ty công nghệ trong ngành thanh toán như Mastercard, hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp phát triển thanh toán không tiền mặt trong nền kinh tế.
Kế hoạch phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được thực thi với mục tiêu đưa việc sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt trở thành thói quen của cư dân đô thị và từng bước thúc đẩy xu hướng này ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Đồng hành sâu sắc cùng mục tiêu chung kể trên, chuỗi sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam 2023 với sự hợp tác của các nhà tài trợ nổi bật và uy tín như Vietcombank, Agribank, MB Bank, Mastercard,… đã góp phần gia tăng trải nghiệm thanh toán số, cũng như củng cố các kiến thức về an toàn, bảo mật trong thanh toán số đến người tiêu dùng.
Thanh Hoàn (21 tuổi, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), một trong những bạn trẻ tham gia trải nghiệm thanh toán số tại sự kiện Sóng Festival, Ngày thẻ Việt Nam 2023, chia sẻ: “Tôi thường sử dụng ví điện tử, thẻ ngân hàng,… để mua sắm, thanh toán tiền điện nước hoặc săn các mã giảm giá.
Thanh toán số mang lại nhiều lợi ích nhờ tốc độ, hiệu quả và sự tiện lợi. Cá nhân tôi thấy rằng sử dụng các phương thức thanh toán số giúp tôi tiết kiệm được nhiều hơn so với sử dụng tiền mặt”.
Đối với Mastercard, tham gia chuỗi sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2023 lần thứ ba liên tiếp cũng là một trong những hoạt động quan trọng thể hiện cam kết của công ty trong nỗ lực hỗ trợ quá trình phát triển nền kinh tế không tiền mặt tại Việt Nam. Tại chương trình năm nay, gian hàng của Mastercard đã giúp nhiều bạn trẻ nâng cao kiến thức về an toàn, bảo mật trong thanh toán số thông qua cách tiếp cận gần gũi và dễ hiểu.
Ngoài sự kiện Ngày thẻ Việt Nam, Mastercard cũng đang triển khai nhiều sáng kiến và giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam, từng bước hướng đến mục tiêu mang tính tầm nhìn: Kiến tạo nên “Thế giới không tiền mặt” (A World Beyond Cash) ở mọi thị trường mà thương hiệu có mặt.
Bảo Anh