Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (DIU) cho biết trên Telegram rằng, tiêm kích Su-34 bốc cháy này thuộc Sư đoàn không quân hỗn hợp cận vệ số 21 của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.
Máy bay bốc cháy khi đang đồn trú tại căn cứ không quân Shagol ở thành phố Chelyabinsk của Nga, cách biên giới Ukraine gần 2.000km.
“Chúng tôi đang tìm hiểu nguyên nhân khiến máy bay này bốc cháy”, DIU cho hay.
DIU cũng đăng tải một đoạn video dường như cho thấy chiếc Su-34 đang bốc cháy.
Trước đó, Ukrainska Pravda dẫn nguồn thạo tin nói rằng, tiêm kích Su-34 của Nga bị cháy rụi tại căn cứ Shagol đêm 3/1, rạng sáng 4/1. Đây dường như là kết quả của một chiến dịch đặc biệt do tình báo quân đội Ukraine thực hiện.
Nga hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Gần đây, Ukraine liên tục thông báo phá hủy tiêm kích của Nga. Cuối tháng trước, trong vòng chưa đầy một tuần, Kiev tuyên bố bắn rơi 5 tiêm kích của Nga.
Giới chuyên gia nhận định, Ukraine có thể đã sử dụng hệ thống Patriot với tầm bắn 160km để tấn công các máy bay chiến đấu của Nga.
Người phát ngôn không quân Ukraine Yuri Ignat mới đây nói rằng, hồi tháng 5, quân đội Ukraine đã sử dụng hệ thống tên lửa tầm xa Patriot do phương Tây cung cấp để bắn hạ 5 máy bay quân sự gồm Su-34, Su-35, trực thăng Mi-8 trên vùng biên giới Bryansk của Nga trong vòng 5 phút.
Ông Ihnat nhấn mạnh tầm quan trọng của các tổ hợp Patriot trong hoạt động phòng không của Ukraine, bao gồm bắn rơi các tên lửa Nga, trong đó có cả tên lửa siêu vượt âm Kinzhal.
Ukraine nhận hơn 200 tỷ USD viện trợ
Bộ Quốc phòng Nga ngày 4/1 công bố số liệu cho thấy, 54 quốc gia đã hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài gần hai năm qua với Nga. Tổng cộng, các nước này đã viện trợ hơn 203 tỷ USD cho Kiev.
Theo báo cáo, hơn 500 vệ tinh của Mỹ và NATO đang phục vụ cho nhu cầu của Ukraine, trong đó có 70 vệ tinh quân sự, số còn lại là vệ tinh thương mại có mục đích sử dụng kép.
Quân đội Ukraine cũng đang dựa vào hơn 20.000 thiết bị đầu cuối Starlink từ SpaceX của tỷ phú Mỹ Elon Musk.
Những nước khác cung cấp cho Ukraine hơn 1.600 tên lửa và thiết bị pháo binh, hơn 200 hệ thống phòng không, hơn 5.200 xe tăng và xe bọc thép, hơn 23.000 máy bay không người lái.
Bộ Quốc phòng Nga ước tính, hơn 13.500 lính đánh thuê nước ngoài đã đến Ukraine để tham chiến cùng Kiev. Trong số này có khoảng 8.500 người châu Âu và hơn 2.700 người từ Bắc và Nam Mỹ, trong khi số còn lại đến từ châu Á và châu Phi.
Gần 6.000 lính đánh thuê đã thiệt mạng, và 6.000 lính đánh thuê khác rút khỏi chiến trường.
Báo cáo cho biết, dòng viện trợ quân sự nước ngoài cho Ukraine đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây. Tại Mỹ, các nghị sĩ Cộng hòa tiếp tục phản đối nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm hỗ trợ thêm 60 tỷ USD cho Kiev. Trong khi đó, Hungary phủ quyết gói viện trợ 4 năm trị giá 50 tỷ euro (55 tỷ USD) theo kế hoạch của EU dành cho Ukraine.