Công tác tiêu chuẩn, đo lường và sở hữu trí tuệ được Bộ Công Thương tích cực triển khai, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này.
Thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
Thông tin với phóng viên Báo Công Thương về thực hiện công tác tiêu chuẩn, đo lường và sở hữu trí tuệ trong năm 2024, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, đối với hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Vụ đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Bộ rà soát Kế hoạch xây dựng TCVN (tiêu chuẩn Việt Nam) năm 2024, đồng thời, đề nghị gia hạn, bổ sung và dự kiến Kế hoạch xây dựng TCVN năm 2025 gửi Bộ Khoa học và Công nghệ.
Việc thực hiện công tác tiêu chuẩn, đo lường giúp từng bước thiết lập hệ thống hàng rào kỹ thuật bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh |
Đôn đốc các đơn vị nghiên cứu, xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc Kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia năm 2024 của Bộ Công Thương.
Trong đó, Vụ đã tổ chức thẩm tra và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố 20 dự thảo TCVN về tinh quặng, 2 TCVN về nhà máy nhiệt điện; các TCVN, QCVN (quy chuẩn Việt Nam) còn lại vẫn đang trong tiến độ thực hiện.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp các đơn vị thuộc Bộ xây dựng báo cáo công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Bộ Công Thương năm 2024 và định hướng năm 2025 theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tổ chức các hội đồng kỹ thuật chuyên ngành của Bộ Công Thương thẩm tra 12 dự thảo QCVN do Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Hóa chất chủ trì xây dựng thuộc Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công Thương năm 2024 đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng hồ sơ dự thảo QCVN. Các dự thảo QCVN này đang được các đơn vị hoàn thiện, trình Bộ trưởng ban hành trong năm 2024.
Đáng chú ý, về công tác tham mưu xây dựng QCVN thuộc trách nhiệm của Bộ, Vụ đã chủ trì rà soát, báo cáo và tham mưu lãnh đạo Bộ về việc xây dựng, ban hành QCVN về kỹ thuật điện - Hệ thống lưới điện nhằm hoàn thiện các quy định hiện hành liên quan đến quản lý trang thiết bị thuộc hệ thống lưới điện.
Rà soát quy định pháp luật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến những vướng mắc trong quá trình xây dựng, ban hành dự thảo QCVN về xăng dầu dự trữ quốc gia và đề xuất kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính một số nội dung. Ngày 1/10/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo dứt điểm giao Bộ Tài chính thực hiện đúng quy định pháp luật về thẩm quyền xây dựng, ban hành QCVN về xăng dầu dự trữ quốc gia tại Văn bản số 7047/VPCP-KTTH.
Mặt khác, rà soát, tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ Công Thương trong việc xây dựng, ban hành các QCVN thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm đang tồn tại vướng mắc giữa Luật An toàn thực phẩm và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Theo đó, Vụ Khoa học và Công nghệ đang tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành liên quan để làm rõ và tiếp tục nghiên cứu, báo cáo lãnh đạo Bộ.
Tham mưu lãnh đạo Bộ liên quan đến việc xây dựng, ban hành TCVN, QCVN đối với xe điện và trạm sạc điện: Theo quy định của luật và các nghị định hướng dẫn Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, về xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với xe điện, trạm nạp cho xe điện không thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng, ban hành các Tiêu chuẩn quốc gia/Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về: Hạ tầng cung cấp điện cho xe điện; Yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ trong công tác quản lý trụ/thiết bị sạc điện, đồng thời, đảm bảo phù hợp với các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam.
Ngoài ra, Vụ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu lãnh đạo Bộ cử công chức, chuyên gia tham gia các ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng); tham gia đoàn khảo sát kinh nghiệm nước ngoài trong xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về pin lưu trữ năng lượng do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì.
Tích cực triển khai công tác sở hữu trí tuệ
Triển khai thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã phê duyệt Quyết định số 828/QĐ-BCT ngày 9/3/2021 ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 ngành Công Thương.
Các FTA thế hệ mới đặt ra nhiều cam kết về sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý. Ảnh minh họa |
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai kế hoạch nêu trên, tập trung vào các nhiệm vụ: Nghiên cứu, đề xuất cơ chế đánh giá khuyến khích các nội dung về sở hữu trí tuệ trong các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Công Thương; xây dựng Đề án Tổ chức các cuộc thi sáng kiến, sáng tạo trong ngành Công Thương. Đề xuất lấy Ngày Sáng kiến Công Thương để trao giải cho những cá nhân, tập thể xuất sắc; xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động về đào tạo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia về sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã cử đại diện tham gia Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị định và góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Ngày 26/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện chức năng điều phối chung các hoạt động liên quan đến các hiệp định FTA. Vấn đề sở hữu trí tuệ, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý, được đánh giá là một trong những vấn đề khó đàm phán nhất trong các hiệp định FTA.
Đơn cử như, trong Hiệp định EVFTA và Chương 12 - Sở hữu trí tuệ của hiệp định này quy định về sở hữu trí tuệ với nhiều cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng là một trong những chương có dung lượng lớn nhất trong toàn bộ nội dung của hiệp định.
Lý do bởi EU là khu vực xuất khẩu các sản phẩm trí tuệ hàng đầu thế giới, do đó, có nhu cầu tăng cường bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ. EU cũng đồng thời có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền sở hữu trí tuệ này.
Còn về phía Việt Nam, thông qua Hiệp định này, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận các sản phẩm sở hữu trí tuệ phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, khoa học, xã hội với chi phí thấp nhất có thể. Nhìn chung, về quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ các hiệp định FTA, Việt Nam đã cam kết bảo hộ ở mức độ cao.
Đối với nhóm các doanh nghiệp và chủ sở hữu quyền, các cam kết này không chỉ giúp gia tăng lợi ích kinh tế, tăng động lực sáng tạo mà còn góp phần tiết kiệm chi phí, tự tin trong đăng ký bảo vệ quyền.
Trong năm 2025, về công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ, Vụ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng, trình ban hành dự thảo QCVN về Kỹ thuật điện - Hệ thống lưới điện; xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 38/CT-TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo (sau khi Chính phủ phê duyệt Kế hoạch của Chính phủ).
Báo cáo lãnh đạo Bộ về kết quả thực hiện Lộ trình hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN lĩnh vực Công Thương đến năm 2025 và nghiên cứu, đề xuất cho những năm tiếp theo; phối hợp chặt chẽ với đầu mối về đo lường của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc tham gia xây dựng, góp ý, tuyên truyền phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực đo lường trong phạm vi ngành Công Thương.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc triển khai các hoạt động về đo lường trong phạm vi ngành Công Thương; tiếp tục đôn đốc triển khai Đề án về đo lường và sở hữu trí tuệ theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho hay, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ kịp thời xây dựng và đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở đối với các công nghệ, sản phẩm mới, sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm chủ lực đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đổi mới hoạt động hỗ trợ về hàng rào kỹ thuật (TBT) nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. |
Nguồn: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-tich-cuc-trien-khai-hoat-dong-tieu-chuan-do-luong-so-huu-tri-tue-371663.html
Bình luận (0)