Thuyền rồng là loại hình dịch vụ du lịch, hiện diện trên sông Hương từ hơn 30 năm trước. Các chủ thuyền đa phần là người dân vạn đò, trước đây làm nghề khai thác, đánh bắt sông nước… Khi du lịch phát triển, họ chuyển nghề, đầu tư, gia cố những chiếc thuyền đánh bắt cá thành thuyền rồng bằng nhôm, phục vụ du khách du ngoạn trên sông Hương, nghe ca Huế, được cơ quan chức năng cấp phép.
Theo Nghị định số 111/2014/NĐ-CP về quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa, thuyền chỉ sử dụng không quá 30 năm, đến nay đã có 10/127 chiếc thuyền rồng trên sông Hương buộc dừng hoạt động vì hết niên hạn. Năm 2023, gần 50% thuyền rồng hết hạn và đến năm 2025 gần 100% thuyền rồng bị “khai tử”.
Theo đơn kiến nghị của nhiều chủ thuyền gửi đến các cấp chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế, việc chấp hành quy định của Nhà nước là trách nhiệm và nghĩa vụ. Tuy nhiên, để đóng và hoàn thiện một thuyền mới sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí. Chưa kể, do ảnh hưởng của 2 năm dịch Covid-19, hiện tại họ hoàn toàn không đủ khả năng thực hiện.
Người dân mong muốn được sửa chữa, hoán cải để tiếp tục sử dụng thuyền phục vụ du lịch trên sông. Nếu được đồng ý, sẽ cam kết đảm bảo an toàn, chất lượng phục vụ khách.
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thống nhất sẽ thiết kế một mẫu thuyền mới, giao Sở Du lịch phối hợp với Sở GTVT nghiên cứu, thực hiện các quy trình. Mẫu thuyền này phải đáp ứng các tiêu chí về mẫu mã và kỹ thuật, phù hợp với việc khai thác dịch vụ ca Huế và dịch vụ du lịch trên sông Hương.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, chia sẻ khó khăn với các chủ thuyền và cho hay hiện các sở liên quan (VH-TT, Du lịch) phối hợp tìm giải pháp hỗ trợ cho những chủ thuyền cũng như người làm việc trên thuyền rồng. Sắp tới, các ngành chức năng sẵn sàng tham gia cùng chính quyền địa phương, nhất là ở TP.Huế, để xây dựng đề án hỗ trợ cho chủ thuyền rồng, đầu tư làm lại thuyền mới theo hình thức phù hợp.