Thủy sản Nam Việt (mã ANV) chuẩn bị tăng vốn cổ phần lên gấp đôi
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa thông báo đã nhận được tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty Cổ phần Nam Việt (mã ANV).
Theo đó, Nam Việt dự kiến phát hành 133,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới.
Nếu đợt phát hành thành công, vốn điều lệ của Nam Việt sẽ tăng lên 2.666 tỷ đồng, gấp đôi mức hiện tại. Điều này sẽ giúp Nam Việt trở thành doanh nghiệp cá tra có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường chứng khoán.
Kế hoạch tăng vốn trên đã được thông qua tại Đại hội hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của doanh nghiệp nhưng chưa được thực hiện nên tiếp tục được dời sang năm 2024. Sau đó, kế hoạch này đã được thông qua tại Đại hội hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 tổ chức hồi cuối tháng 6.
Công ty TNHH Nam Việt – tiền thân của Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico; HoSE: ANV) – được thành lập năm 1993 với vốn điều lệ 27 tỷ đồng, kinh doanh chủ yếu là công nghiệp và xây dựng dân dụng. Sang năm 2000, công ty mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang chế biến thủy sản, chuyên chế biến xuất khẩu cá basa đông lạnh, cá tra.
Đến năm 2006, công ty chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, nâng vốn điều lệ lên 660 tỷ đồng. Cũng chính từ đây, vốn điều lệ của Thủy sản Nam Việt đã liên tục chứng kiến những bước bật tăng về vốn điều lệ.
Xét về hoạt động kinh doanh, quý II/2024, Nam Việt ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.193 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, quý II/2024, Nam Việt ghi nhận khoản chi phí khác tăng đột biến lên 18,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ vào khoảng hơn 1 tỷ đồng. Do đó, sau khi trừ các chi phí, Nam Việt báo lãi 17,5 tỷ đồng, cũng cải thiện đáng kể so với số lỗ 51 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Nam Việt đạt 2.209 tỷ đồng, giảm nhẹ so với nửa đầu năm 2023. Kết quả, doanh nghiệp ngành thủy sản này báo lãi 34 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, Thủy sản Nam Việt đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 306 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 2 quý đầu năm, công ty đã hoàn thành 44% kế hoạch doanh thu và 11% chỉ tiêu lợi nhuận.
Nhiều kỳ vọng kinh doanh bứt tốc nửa cuối năm
Trong kế hoạch của mình, ANV đã thiết lập mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ đồng năm nay, tăng 13% so với năm 2023 và lãi sau thuế 306 tỷ đồng, gấp 8 lần (tăng 685% so với thực hiện năm 2023). Kế hoạch này được cho là đầy tham vọng của Nam Việt.
Công ty Chứng khoán BIDV nhận định, năm 2024, nhu cầu tiêu thụ cá tra sẽ dần hồi phục khi lạm phát hạ nhiệt, chi tiêu của người dân tăng trở lại, nhất là những tháng cuối năm. Mảng tiêu thụ cá tra nội địa của Nam Việt sẽ tốt hơn. Ngoài ra, giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc kỳ vọng sẽ tăng nhờ nhu cầu hồi phục, trong khi nguồn cung thu hẹp và điều kiện thuỷ văn không thuận lợi giai đoạn đầu năm 2024.
Cũng theo báo cáo mới công bố của hãng chứng khoán Vietcombank Securities (VCBS), tổ chức này cũng kỳ vọng doanh thu thuần của ANV năm 2024 đạt 4.999 tỷ đồng, tăng 12%; lợi nhuận sau thuế đạt 220 tỷ đồng, gấp 5,2 lần so với thực hiện năm 2023.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, tình hình xuất khẩu cá tra sẽ khởi sắc hơn từ quý IV/2024, qua đó giúp tăng giá xuất khẩu thêm ít nhất 10% so với giá hiện tại.
Nam Việt (ANV) lại vừa đón tin vui lớn khi Mỹ dỡ bỏ thuế đối với cá tra đông lạnh. Bộ Thương mại Mỹ xác định Nam Việt và nhiều doanh nghiệp cá tra lớn của Việt Nam không có hành vi bán phá giá, đồng nghĩa với việc sẽ không bị áp thuế chống bán phá giá.
Hoạt động kinh doanh của Nam Việt do đó sẽ bứt tốc ở thị trường Mỹ cùng với giá bán cá tra sang Mỹ hồi phục trở lại. Ban lãnh đạo Thủy sản Nam Việt cho biết, công ty đã hợp tác thành công với các nhà phân phối thủy sản lớn, và kết nối lại với tập khách hàng cũ nhờ lịch sử xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn trước năm 2014.
Thủy sản Nam Việt cũng đang đẩy mạnh tệp khách hàng tại Trung Quốc, nhằm gia tăng doanh số tại thị trường này. Sau quá trình nghiên cứu thị trường, Thuỷ sản Nam Việt đã mở rộng thêm dòng sản phẩm cá tra xẻ bướm tẩm gia vị, đáp ứng đúng nhu cầu cao tại Trung Quốc.
Ngoài ra, với lợi thế tự chủ 100% cá nguyên liệu, công ty đã giải quyết được tình trạng thiếu hụt cá tra cỡ lớn (1,5 – 2kg) mà toàn ngành cá tra Việt Nam gặp phải trong 9 tháng đầu năm nay; đây cũng là cỡ cá được ưa chuộng ở Trung Quốc.
Nam Việt hiện là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra có chuỗi sản xuất khép kín lớn thứ hai thế giới. Doanh nghiệp sở hữu 250ha vùng nuôi truyền thống, cung cấp 120.000 tấn cá nguyên liệu/năm, và 600ha vùng nuôi công nghệ cao được đầu tư từ năm 2018, cung cấp 250.000 tấn cá nguyên liệu/năm.
Doanh nghiệp đang sở hữu 20.000 cặp cá bố mẹ có khả năng sản xuất 14 tỷ cá giống. Với nhà máy thức ăn có công suất thiết kế 800.000 tấn/năm, Nam Việt có khả năng cung cấp 100% thức ăn cho vùng nuôi cá giống có diện tích 150ha của công ty.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang vận hành 4 nhà máy chế biến thủy sản với công suất chế biến lên đến 1.200 tấn cá nguyên liệu/ngày và đạt đầy đủ các chứng nhận chất lượng quốc tế.
Được biết, Nam Việt đã công bố thông tin về việc chi trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông công ty.
Theo đó, Nam Việt thống nhất việc chi trả cổ tức năm 2023 với tỉ lệ 5% bằng tiền tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 500 đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 11/10 và ngày thanh toán vào 27/12/2024.
Với hơn 133 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, dự kiến Nam Việt sẽ chi hơn 66,5 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông công ty.
Trước đó, từ năm 2020-2022, Nam Việt từng duy trì trả cổ tức ở mức 1.000 đồng/cổ phiếu, trước khi giảm một nửa về còn 500 đồng/cổ phiếu vào năm 2023, mức cổ tức thấp nhất từng chia. Một phần lý do là vì năm 2023 là năm kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp ngành thủy sản nói chung và Nam Việt nói riêng.
Nguồn: https://danviet.vn/thuy-san-nam-viet-tang-von-gap-doi-nhieu-ky-vong-kinh-doanh-but-toc-cuoi-nam-20240930154426091.htm