Có nhiều nguyên nhân gây chuột rút, chẳng hạn căng thẳng, vận động quá sức, mất nước, mất cân bằng điện giải hoặc rối loạn nội tiết. Trong nhiều trường hợp, chuột rút nghiêm trọng hay xảy ra khi chơi thể thao hoặc mắc bệnh, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Chuột rút cơ được phân thành nhiều loại, bao gồm chuột rút ở chân, chuột rút do kinh nguyệt và chuột rút về đêm. Trong đó, chuột rút ở chân dù đau đớn nhưng thường kéo dài vài giây hoặc vài phút. Nguyên nhân hay gặp là do vận động quá sức.
Chuột rút do kinh nguyệt xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, có thể từ nhẹ đến nặng. Chuột rút về đêm là chuột rút xuất hiện trong khi ngủ và khiến người mắc giật mình nửa đêm với cảm giác đau đớn.
Khi nói đến chuột rút thì tần suất và mức độ sẽ là những yếu tố cần xem xét. Nếu chuột rút chỉ thỉnh thoảng xảy ra thì thường là vô hại. Tuy nhiên, trường hợp bị chuột rút thường xuyên, kéo dài hơn vài phút hoặc đau dữ dội thì có khả năng là triệu chứng của một bệnh tiềm ẩn nào đó.
Chuột rút nghiêm trọng trên khắp cơ thể là do sự mất cân bằng điện giải. Trong khi đó, dễ bị chuột rút khi vận động, chẳng hạn chân chuột rút khi leo cầu thang, là dấu hiệu của xơ vữa động mạch. Đây là những trường hợp cần phải sớm được điều trị y tế.
Ngoài tần suất và mức độ thì để xác định chuột rút có nguy hiểm hay không thì cũng cần xem xét tác động của chúng đến cuộc sống hằng ngày. Nếu chuột rút gây sưng đỏ chân, yếu cơ thì dù nguyên nhân là gì cũng cần đến bác sĩ kiểm tra. Điều này đặc biệt cần thiết nếu các biện pháp thông thường như xoa bóp, kéo giãn cơ, chườm ấm không hiệu quả. Trong trường hợp chuột rút làm rối loạn giấc ngủ thì người mắc có thể cần dùng đến một số loại thuốc kê đơn.
Để giảm nguy cơ chuột rút, đặc biệt là chuột rút do kinh nguyệt, mọi người có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà như dùng đệm sưởi, xoa bóp hay tập yoga. Chườm lạnh hoặc chườm ấm lên vùng bị chuột rút đều có thể giúp giảm đau và cảm giác khó chịu. Trong một số trường hợp, bổ sung canxi và magiê cũng có tác dụng giảm chuột rút, theo Healthline.