Ngoài ứng dụng trong điều trị các bệnh lý cơ xương khớp và phục hồi tổn thương thần kinh, phương pháp cấy chỉ còn được chỉ định trong điều trị các rối loạn chức năng khác, trong đó có viêm loét dạ dày tá tràng.
Bác sĩ cấy chỉ điều trị cho một bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng - Ảnh: T.DƯƠNG
Mới đây, một nữ bệnh nhân 60 tuổi (ngụ ở Tây Ninh) tìm đến Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM với mong muốn được điều trị bệnh viêm dạ dày. Bệnh nhân kể lại trước đó nhiều năm bà đã được chẩn đoán viêm dạ dày mãn tính, không nhiễm Helicobacter pylori (HP).
4 lần cấy chỉ điều trị bệnh dạ dày
Bệnh nhân đã được điều trị thuốc tây liên tục, uống nhiều loại thuốc tây. Những loại thuốc này chủ yếu là các thuốc kiểm soát tiết a xít và bảo vệ dạ dày. Bệnh nhân cũng được dặn dò kiêng cữ rất nhiều loại thức ăn, thậm chí phải kiêng cả gia vị như bột ngọt, muối…
Tuy nhiên sau nhiều năm điều trị, bà vẫn "đau âm ỉ thượng vị, ăn vào mau có cảm giác đầy chướng bụng, tối nằm ngủ thường nóng sau xương ức". Những triệu chứng này khiến bà ngủ không ngon. Cùng với phải kiêng cữ quá nhiều loại thức ăn đã làm bà chán nản vì không ăn được những món yêu thích.
Tại Bệnh viện Y học cổ truyền, sau khi thăm khám, bác sĩ quyết định giảm bớt một số loại thuốc Tây y bà đang sử dụng, chỉ giữ lại một loại thuốc tây cần thiết, kê thêm hai loại thuốc Đông y do bệnh viện sản xuất đồng thời thực hiện phương pháp cấy chỉ.
Sau lần cấy đầu tiên, tình trạng mau đầy chướng bụng sau ăn có cải thiện, cảm giác nóng sau xương ức về đêm có giảm bớt.
Sau lần cấy chỉ thứ hai, các triệu chứng như đầy chướng bụng, nóng sau xương ức về đêm tiếp tục được cải thiện thêm. Người bệnh có cảm giác ăn ngon miệng hơn và ngủ khá hơn, do đó tinh thần thoải mái hơn.
Bệnh nhân tiếp tục được cấy chỉ thêm hai lần nữa.
Sau lần cấy chỉ thứ tư, bệnh nhân thử đi ăn tiệc cưới - điều mà trước đây bà không dám làm vì phải kiêng khem quá nhiều loại thức ăn, gia vị.
Lần này, mặc dù sau bữa ăn bà vẫn hơi đầy bụng nhưng bà có thể chịu được, tình trạng dần ổn định sau vài ngày, không quá khó chịu như các lần trước.
Kết hợp cấy chỉ với thuốc tây
Bác sĩ Lý Và Sềnh, trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, cho biết mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận vài trường hợp người bệnh đến thực hiện phương pháp cấy chỉ điều trị viêm loét dạ dày tá tràng. Các trường hợp điều trị này đều có hiệu quả rất tốt.
Viêm loét dạ dày tá tràng là những tổn thương của lớp cơ, niêm mạc của dạ dày tá tràng. Bệnh là hậu quả của sự mất cân bằng giữa yếu tố bảo vệ và yếu tố phá hủy niêm mạc dạ dày tá tràng, dẫn đến tổn thương hàng rào niêm mạc dạ dày tá tràng.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng, trong đó nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori và sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau là thường gặp nhất.
Các triệu chứng thường gặp trong viêm loét dạ dày tá tràng bao gồm đau thượng vị (cảm giác đau rất đa dạng, có thể cồn cào khi đói hoặc nóng rát sau bữa ăn, thức giấc về đêm do đau), đầy bụng khó tiêu, ợ chua, buồn nôn, nôn, sau nôn dễ chịu…
Theo y học cổ truyền, các triệu chứng trên thường được mô tả trong chứng Vị quản thống. Nguyên nhân có thể do tình chí (căng thẳng, buồn, giận, âu lo), ăn uống thất thường kéo dài hoặc hàn tà (thức ăn sống lạnh hoặc thời tiết lạnh) ảnh hưởng đến chức năng của tỳ, vị.
Bên cạnh việc điều chỉnh các chức năng của tỳ, vị bằng dược liệu, y học cổ truyền còn chú trọng đến việc điều trị các rối loạn bên trong thông qua hệ thống huyệt vị trên cơ thể. Có nhiều phương thức tác động lên hệ thống huyệt vị, trong đó cấy chỉ là phương pháp châm cứu hiện đại, được thực hiện bằng cách đưa chỉ tự tiêu vào huyệt.
So với phương pháp châm cứu truyền thống, cấy chỉ tạo ra sự kích thích liên tục và lâu dài tại huyệt, do đó không những giúp đạt được tác dụng điều trị như châm cứu mà còn tiện lợi, tiết kiệm thời gian cho người bệnh.
Ngoài ứng dụng trong điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, phục hổi tổn thương thần kinh, phương pháp cấy chỉ còn được chỉ định trong điều trị các rối loạn chức năng khác, trong đó có viêm loét dạ dày tá tràng.
Trước khi thực hiện cấy chỉ, người bệnh sẽ được bác sĩ thăm khám cả về y học hiện đại lẫn y học cổ truyền.
Việc phân thể y học cổ truyền rất quan trọng, vì đây là cơ sở để xác định công thức huyệt để thực hiện thủ thuật cấy chỉ cho người bệnh. Bên cạnh công thức huyệt chung thường dùng như Túc tam lý, Nội quan, Trung quản có tác dụng giúp giảm đau, giảm đầy chướng bụng, an thần; tùy theo thể bệnh mà bác sĩ sẽ điều chỉnh công thức huyệt phù hợp cho từng người bệnh (gọi là cá thể hóa điều trị).
Sự khác nhau giữa cấy chỉ và uống thuốc
"Hiện nay nhiều người mắc bệnh đau dạ dày thường dùng phương pháp điều trị Tây y. Vậy phương pháp cấy chỉ so với phương pháp điều trị Tây y sẽ có ưu và nhược điểm gì?". Trước câu hỏi này, bác sĩ Lý Và Sềnh cho rằng không thể so sánh cấy chỉ với điều trị Tây y, vì việc dùng thuốc nào, phương pháp nào, đông hay Tây y là tùy thuộc tình trạng của người bệnh.
Ví dụ nếu viêm loét dạ dày tá tràng do nhiễm Helicobacter pylori, thì việc tiệt trừ Helicobacter pylori theo đúng phác đồ Tây y là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trên nhiều người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng mặc dù đã sử dụng nhiều nhóm thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, thuốc kháng a xít, thuốc ức chế bơm proton và điều trị tích cực nhưng các triệu chứng vẫn chưa được kiểm soát tốt và xuất hiện dai dẳng, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nghiên cứu lâm sàng gần đây cho thấy việc kết hợp cấy chỉ - một phương pháp điều trị không dùng thuốc của y học cổ truyền - với thuốc Tây y được chứng minh giúp cải thiện triệu chứng trên người bệnh tốt hơn so với chỉ dùng thuốc Tây y đơn thuần.
Với những người bệnh mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, bác sĩ Sềnh khuyên người bệnh nên lựa chọn các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để khám và điều trị. Việc điều trị cần tuân theo nguyên tắc điều trị nguyên nhân gây bệnh như nhiễm khuẩn Helicobacter pylori, sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm kéo dài… Loại bỏ yếu tố làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng.
Nhận xét về phương pháp cấy chỉ điều trị bệnh viêm loét dạ dày, ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương - trưởng khoa nội soi tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cho biết bệnh viêm loét dạ dày có cơ chế của dây thần kinh số 10. Cấy chỉ là biến thể của châm cứu, phương pháp cấy chỉ có tác dụng lên hệ thần kinh, do vậy sẽ hỗ trợ Tây y trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cay-chi-tri-benh-viem-loet-da-day-20250219075853388.htm
Bình luận (0)