Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023 chiều 31/7, nhiều thông tin về nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tại các thị trường đã được đại diện Thương vụ Việt Nam lưu ý tới các doanh nghiệp thuộc các ngành đồ gỗ, dệt may và da giày.
Với chủ đề “Chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày”, Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.
Hội nghị tập trung trao đổi, cập nhật thông tin về tình hình, diễn biến, các quy định về chính sách, yêu cầu mới đối với nhập khẩu, đánh giá thị hiếu tiêu dùng của thị trường nhập khẩu đối với các mặt hàng và sản phẩm ngành đồ gỗ, dệt may và da giày; thảo luận đánh giá cơ hội, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động xuất – nhập khẩu, yêu cầu xúc tiến thương mại.
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Công nghiệp chế biến, chế tạo “hụt hơi”
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy thương mại, xuất khẩu, đặc biệt một số nhóm ngành công nghiệp chế biến – chế tạo chủ lực như: dệt may, da giày, đồ gỗ… trước đây luôn duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định.
Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động và ảnh hưởng sâu đến sự ổn định toàn cầu mà nổi lên trong đó là cuộc xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraine; trong khi đó hậu quả của dịch Covid-19 kéo dài dẫn tới hệ lụy, làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, tổng cầu thế giới giảm sút.
Lạm phát ở nhiều quốc gia ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước, đặc biệt tại các quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản… đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng do đây là những thị trường nhập khẩu nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực như may mặc, da giày, đồ gỗ…
Từ cuối năm 2022 đến nay, ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu, các ngành xuất khẩu này đã bị sụt giảm mạnh về đơn hàng, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm sút, lên tới vài tỷ USD so với cùng kỳ.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 7 tháng 2023, xuất khẩu dệt may đạt gần 19 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ, đồ gỗ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26,2%, giày dép gần 11,7 tỷ USD, giảm 17,1%. Về tổng quan thương mại, 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước mới đạt đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức giảm hơn 23 tỷ USD.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Tình hình trong nước và quốc tế vẫn khó khăn, nhưng dự báo từ nay đến cuối năm, nhu cầu nhập hàng hóa tại các thị trường sẽ dần hồi phục, đại diện Thương vụ tại các thị trường tăng cường kết nối đơn hàng, xúc tiến thương mại hiệu quả cho các ngành tăng tốc xuất khẩu.
Các cơ quan thương vụ cần thông tin cập nhật về thị trường xuất nhập khẩu, các khuyến nghị đối với doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến phát triển thị trường, tiếp thu các ý kiến của Hiệp hội, địa phương để có kế hoạch hỗ trợ công tác thị trường thiết thực hơn, sát với nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp”.
Tận dụng triệt để các FTA
Cập nhật về tình hình thị trường EU, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU lưu ý, nhu cầu tiêu dùng tại EU giảm, nhưng các tiêu chuẩn tại EU lại được nâng lên, buộc các nhà sản xuất phải đáp ứng. EU đã và đang chuẩn bị ban hành nhiều quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, phát thải carbon, quyền sửa chữa và tái chế, nhân quyền, đạo luật chống phá rừng … “.
Chẳng hạn, với ngành dệt may, EU đã đề ra chiến lược cho ngành dệt may bằng cách sẽ đưa ra các biện pháp pháp lý mới để tăng tính tuần hoàn trong hàng dệt may. EU cũng đang xem xét việc giới thiệu EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) trên toàn EU đối với hàng may mặc…
“Cần phải nói thêm, khu vực thị trường EU đang là điểm đến xuất khẩu cực lớn của ngành da giày nước ta. Năm 2022, xuất khẩu giày dép các loại sang EU đạt 5,8 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 24,5% xuất khẩu giày dép”, ông Quân nói.
Theo ông Quân, các doanh nghiệp Việt Nam đang có những lợi thế nhất định do tận dụng được Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá hơn 46 tỷ USD sang thị trường 27 nước EU, tăng 15% so với năm 2021. Thời gian tới, Thương vụ Việt Nam sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia các hội chợ triển lãm, tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương, mở rộng cơ hội xuất khẩu tại EU.
Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, tốc độ tăng trưởng kim ngạch và thị phần da giày của Việt Nam tại Canada cho thấy hiệu ứng tích cực của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại.
“Nghiên cứu mới đây của Thương vụ cho thấy dù da giày là mặt hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi CPTPP cao nhất (72%) so với các mặt hàng khác của Việt Nam, tuy nhiên, ước tính vẫn có đến trên 230 triệu USD hàng xuất khẩu của chúng ta xuất với thuế suất MFN từ 5-20%; trong khi đáng lẽ chúng ta được hưởng thuế CPTTP bằng 0%; trong đó chủ yếu là giày thể thao, giày đá bóng (17.5%), giày dép da giá trị thấp (11%), giày dép vải (10%), phụ kiện giày dép (5-8%)”, bà Quỳnh thông tin.
Để tốc độ tăng trưởng kim ngạch vào địa bàn bền vững và để mở rộng thị phần, theo bà Quỳnh, các doanh nghiệp Việt Nam cần sớm chuyển đổi theo hướng xây dựng thương hiệu riêng. Phân tích đối thủ cạnh tranh trên thị trường Canada cùng phân khúc như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh cho thấy Việt Nam khá yếu về chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho ngành.
Sản xuất thương hiệu riêng của Việt Nam cần hướng vào phân khúc thu nhập trung bình thấp của giới trẻ, chịu khó thay đổi và sẵn sàng tiêu dùng vì đây vẫn còn là các thị trường ngách nhiều tiềm năng, có biên độ lợi nhuận cao.
“Các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tham gia các Hội chợ, triển lãm quốc tế vì đây vừa là cơ hội làm việc trực tiếp với các nhà mua buôn để tìm kiếm các đơn hàng gia công, vừa là cơ hội để mở rộng khả năng tham gia vào các phân khúc giày dép túi xách thời trang, đồ đi biển, giày dép trẻ em và giày dép trong nhà…”, bà Quỳnh cho biết.
Còn với Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng Việt, trong đó có 3 ngành hàng kể trên, ông Đỗ Mạnh Quyền, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Mỹ lưu ý, doanh nghiệp cần đầu tư cho sản xuất nhiều hơn để có quy trình sản xuất xanh, sạch, giảm phát thải để theo kịp yêu cầu ngày càng cao từ các nhà mua hàng.