Mới đây, một “hot streamer” (người sáng tạo nội dung phát trực tiếp) có buổi livestream (phát trực tiếp) để giải đáp những câu hỏi của cộng đồng mạng về ồn ào tình ái cá nhân.
Mạng xã hội phát triển không ngừng, trở thành không gian lý tưởng cho tính hiếu kỳ, tâm lý đám đông, thói quen thích bàn luận, thích phán xét của người dùng có cơ hội thể hiện. (Nguồn: Trí thức trẻ) |
Tin liên quan |
Buổi livestream nhanh chóng bùng nổ mạng xã hội với tổng 4,8 triệu người xem. Đáng chú ý, có thời điểm thu hút cùng lúc hơn 1,5 triệu người xem.
Trước đó một tháng, phiên livestream sao kê các khoản thu chi từ thiện của một “hot tiktoker” (người sáng tạo nội dung trên nền tảng tiktok) cũng đã thu hút khoảng 1,1 triệu người xem...
Tiếp nhận thông tin thụ động
Thực tiễn truyền thông cho thấy, bị tác động bởi những thuật toán trên các nền tảng mạng xã hội, một bộ phận người dùng trẻ có thói quen tiếp cận thông tin theo cách ngẫu nhiên đám đông.
Tức là người dùng không chủ động tìm kiếm tin tức theo nhu cầu cá nhân mà thường “gặp” các thông tin đang “hot” (tin nóng), đang “viral” (được lan truyền nhanh chóng) trong quá trình sử dụng mạng xã hội, cùng với những hiệu ứng đám đông.
Điều này dẫn đến việc công chúng “bị thao túng” trong quá trình tiếp nhận thông tin, không có cơ chế chọn lọc, giảm kỹ năng nhận diện và xử lý thông tin; bị cuốn vào các thông tin theo trào lưu, dù không liên quan đến bản thân, thậm chí là những thông tin tiêu cực, xấu độc.
Vì sao người trẻ thích “hóng drama”?
Mạng xã hội phát triển không ngừng, trở thành không gian lý tưởng cho tính hiếu kỳ, tâm lý đám đông, thói quen thích bàn luận, thích phán xét của người dùng được cơ hội thể hiện. Bên cạnh đó, hội chứng sợ bỏ lỡ cũng có thể xem là lý do khiến người trẻ dành cả thanh xuân để "hóng drama”.
Không muốn bản thân “trở thành người tối cổ”, hoặc lo sợ mình bị bỏ lỡ những điều thú vị trong cuộc sống mà người khác đang được trải nghiệm, khiến cho nhiều người trẻ chìm sâu vào mê trận thông tin bất tận của những "scandal" (tai tiếng, bê bối) trên mạng xã hội.
Nếu công chúng tiếp xúc thường xuyên với những thông tin “drama, scandal”, sẽ ảnh hưởng xấu đến nhận thức, tâm lý, hành động của bản thân. “Hóng drama” khiến chúng ta mất sự tập trung cần thiết, mất kết nối với các mối quan hệ trong đời sống thực, ảnh hưởng giấc ngủ, hiệu quả học tập, năng suất làm việc.
Về cảm xúc, chúng ta dễ cảm thấy bức bối, cáu gắt, gia tăng mức độ căng thẳng, lo âu, áp lực. Về nhận thức, cuốn vào “vòng xoáy drama”, dễ khiến chúng ta suy giảm niềm tin vào cuộc sống xung quanh, dễ bị tiêu cực hóa vấn đề, có thể dẫn đến trạng thái trầm cảm.
Ngoài ra, việc một bộ phận người dùng mạng xã hội “hóng drama” quá mức cũng khiến các tin đồn thất thiệt, thông tin sai lệch bị lan truyền không kiểm soát.
Cũng từ đây, bạo lực mạng xuất hiện khi nhiều công chúng dù chưa biết đúng sai phải trái ra sao, vẫn tự cho mình quyền phán xét, phân xử, dùng nhiều lời lẽ bỡn cợt, miệt thị, xúc phạm, gây ảnh hưởng đến tâm lý, uy tín, danh dự những người trong cuộc.
Chọn lọc thông tin có ích
Thói quen “hóng drama” sẽ khiến giới trẻ bị cuốn vào những câu chuyện gây sốc, tiêu tốn thời gian theo dõi, tham gia tranh cãi vào các luồng ý kiến tranh luận.
Để rồi, họ bỏ qua những thông tin tích cực cần thiết, những vấn đề xã hội đáng quan tâm, có ảnh hưởng thiết thực đến cuộc sống của bản thân.
Để tránh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống do mải mê chìm đắm trong những “drama, scandal” trên mạng xã hội và trở thành công chúng có trách nhiệm, chúng ta cần xây dựng thói quen tiếp nhận thông tin một cách khoa học, hữu ích.
Chúng ta cần chọn lọc thông tin từ những nguồn tin uy tín, báo chí chính thống, cần có tư duy phản biện, đánh giá, phân tích thông tin một cách khách quan, biết phân biệt giữa thông tin giải trí, thông tin vô bổ và những thông tin mang tính giáo dục, phản ánh các vấn đề xã hội quan trọng.
Chúng ta cũng cần quy định thời gian sử dụng mạng xã hội phù hợp. Thay vì chỉ theo dõi các “scandal”, hãy dành thời gian tìm hiểu các vấn đề xã hội, học hỏi kiến thức từ những chuyên gia, tham gia các hoạt động mang tính phát triển bản thân như đọc sách, chơi thể thao, học kỹ năng mềm, các khóa học nghiệp vụ ngắn hạn, kết nối bạn bè hội nhóm, du lịch hoặc hỗ trợ các chiến dịch xã hội cộng đồng...
Tăng cường vai trò định hướng dư luận của báo chí chính thống Về góc độ truyền thông, tình trạng “hóng drama” với những thông tin thiếu kiểm chứng sẽ tạo ra một không gian mạng xã hội độc hại đối với công chúng. Thực trạng đáng báo động này cho thấy vai trò to lớn, nhiệm vụ nặng nề nhưng đầy ý nghĩa của báo chí chính thống trong công tác định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội. Báo chí chính thống có quy trình kiểm chứng nguồn tin, biên tập nghiêm ngặt, được thực hiện bởi đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, để bảo đảm tính xác thực của thông tin; trong khi ở mạng xã hội, bất cứ thông tin nào cũng có thể được đăng tải và lan truyền. Báo chí chính thống không chỉ cung cấp thông tin, mà còn phân tích, bình luận thông tin theo hướng đa chiều, nhằm cung cấp cho công chúng cái nhìn toàn diện của vấn đề. Còn mạng xã hội, nhiều trường hợp thông tin bị dẫn dắt một chiều, theo tâm lý số đông. Vì vậy, cần phát huy vai trò định hướng dư luận của báo chí chính thống, nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức và hành động của công chúng, theo đúng đạo đức, pháp luật. Từ đó, xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, loại trừ các thông tin sai lệch, tin giả, thông tin xấu độc. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/khi-cong-chung-tre-danh-ca-thanh-xuan-de-hong-drama-309594.html
Bình luận (0)