Xuân, ấy là lúc vạn vật đong đầy sự sống, là thời khắc tươi đẹp của thiên địa luân hồi. Còn gì tuyệt hơn khi chúng ta dành cho mình một khoảng lặng để thưởng trà nhằm giao hòa với trời đất, gần gũi với thiên nhiên, tìm lại chính mình. Hơn thế, nếu thưởng trà với tri âm, sẽ mang lại cảm giác an yên như ai đó đã viết: “Trà thơm đợi bằng hữu/ Chén quỳnh phút tri giao/ Đối ẩm nhìn trăng sáng/ Bể dâu nhớ thủa nào!”.
Bên ấm trà thơm khiến con người gần gũi, ấm áp hơn, dễ dàng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn... |
Trong không khí rộn ràng đầu Xuân, tôi tìm cho mình một nơi tĩnh lặng, bình yên để thưởng trà và ngẫm về cuộc đời, thanh lọc, buông xả những ưu phiền để quay về với thế giới nội tâm. Là người con của đất chè nổi tiếng được mệnh danh “Đệ nhất danh trà” không biết từ bao giờ, thức uống này không chỉ mang lại cho tôi cảm giác tự hào mỗi khi có bạn bè ở muôn phương nhắc tới mà còn làm mê hoặc lòng tôi như thể “người tình”.
Không biết từ bao giờ, trà đã đi sâu vào tiềm thức người Việt một cách tự nhiên. Dẫu cuộc sống ngày càng hiện đại và phát triển, nhiều thức uống ngon, lạ ra đời từ chè và có thể thay thế trà để mời khách, mời bạn bè, người thân… nhưng trà vẫn là trà, vẫn là thức uống mang những nét truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt, không thể thay thế. Giờ, không chỉ trà có nhiều loại mà không gian trà cũng trở nên phong phú hơn, thoải mái hơn. Nơi thưởng trà có thể là không gian riêng tư tại nhà, có thể một góc trà quán, hay đơn giản là một góc phố hay vỉa hè…
Nhưng văn hóa trà thể hiện rõ nét nhất mỗi độ Xuân về, một thú vui tao nhã của gia đình người Việt. Khách đến nhà “chén trà là đầu câu chuyện”. Bên ấm trà thơm khiến con người gần gũi, ấm áp hơn, dễ dàng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống mà bình thường không dễ gì nói ra. Chẳng thế, ông Đỗ Văn Toàn, nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên đúc kết: Người dân Việt Nam coi việc uống trà cũng là một ứng xử văn hóa quan trọng và biểu hiện sự trân trọng, hiếu lễ và mến khách. Ngày Tết, uống trà là một cách để giao hòa với trời đất, thiên nhiên, nên nhà nhà thường ưu ái chọn loại chè ngon nhất để pha mời khách, mừng Xuân mới...
Tuy nhiên, cách thưởng trà của người Việt lại không cầu kỳ, kiểu cách như trà đạo Nhật Bản, không nghệ thuật như trà Kinh Trung Quốc…, văn hóa trà Việt dung dị, đơn sơ mà đầy tinh tế. Nghệ thuật thưởng trà của người Việt hội đủ 5 yếu tố chính đó là: Nước pha, chè, ấm, chén, bạn trà.
Trước tiên, nước pha phải tinh khiết, trong lành. Hầu hết người thưởng trà đều cho rằng thứ nước ngon nhất để pha trà là nước sương đọng trên lá sen, hay nước mưa hứng từ tàu cau, nếu không có thì pha trà bằng nước giếng, tối kỵ dùng nước máy, trà sẽ mất vị. Nước pha trà cũng chỉ đun sôi sau đó để nguội xuống khoảng 80 độ C, bởi nếu sôi quá lửa, trà sẽ bị nồng, khét... Yếu tố quan trọng thứ hai là chè phải ngon, phù hợp khẩu vị. Có người thích chè móc câu, người lại thích chè đinh, chè tôm nõn, hay chè ướp hoa sen, hoặc hoa nhài, hoa mộc…
Thứ ba là chọn loại chén uống trà, cũng được xem là yếu tố rất quan trọng trong nghệ thuật thưởng trà. Người thưởng trà thường chọn hai loại chén. Ngày hè, dùng chén trà có miệng rộng cho trà bốc hơi, nguội nhanh hơn; mùa đông, chọn chén trà dày, miệng khum nhỏ lại để giữ nhiệt, thường được làm bằng gốm sứ nung không tráng men.
Thưởng trà có nhiều cách, một người gọi là độc ẩm. |
Thứ tư là ấm pha trà, thường làm bằng đất nung, gần gũi với thiên nhiên. Cách pha trà cũng quyết định nhiều đến chất lượng nước trà. Trước khi pha, người pha dùng nước sôi để tráng chén lẫn bình trà nhằm làm sạch và tạo nhiệt, rồi mới cho 1 lượng chè cho vừa đủ với nhu cầu thưởng thức tránh bị nhạt hoặc quá đắng, chát. Rót nước sôi vừa ngập mặt trà rồi nhanh tay tráng qua sau đó đổ đi để “rửa trà”, tiếp theo mới rót nước vừa đủ vào bình và đậy nắp, rồi rót thêm lên trên nắp bình một ít nước nóng để giữ được hương trà. Đợi khoảng khoảng 1-2 phút mới rót ra thưởng thức. Mỗi bước pha trà đều phải có nghệ thuật, tạo nên sự thanh nhã, lịch sự.
Cuối cùng là bạn trà (người cùng thưởng trà). Thưởng trà có thể là độc ẩm (uống một mình), đối ẩm (hai người) hoặc quần ẩm (nhiều người). Có người quan niệm rằng, thường xuyên có người cùng thưởng trà, tức là có được bạn tri âm, đó là điều may mắn, hạnh phúc.
Theo người xưa, uống trà chỉ cần 3 tuần trà (3 lần cho nước vào ấm trà và uống 3 lần) là đủ để thưởng thức hết cái vị chát ngọt của nó. Viết đến đây, tôi chợt nhớ tới câu chuyện, trong đó có một vị thiền sư, khi mời khách thưởng trà, ông đã nói: “Tuần trà thứ nhất tựa gió thoảng, tuần thứ hai giống dòng sông xuân, còn tuần thứ ba cơ hồ như ánh trăng vàng chiếu rọi. Uống trà, cái đạo tối cao không nằm ở vị ngon đầu lưỡi, vị ngọt nơi cuống họng mà chính ở tâm thái. Thí chủ chỉ cần xem kĩ thì sẽ nhận ra rằng tuần trà nào cũng có dư vị riêng, như gió như sông như trăng, mỗi thứ một vẻ, thứ nào cũng quý. Như hai ta đang ngắm cảnh mưa xuân lúc này, vạn vật đua chen nhưng đều không lấn át được nhau…”
Ngày nay, thú uống trà theo nếp sống hiện đại cũng có nhiều thay đổi, không quá cầu kỳ, chi tiết với nhiều nguyên tắc, nghi lễ nhưng cái hồn cốt, cái tinh thần và tình yêu đối với trà vẫn không thay đổi. Trong những ngày Tết, ngồi bên nhau, uống cùng nhau một chén trà thơm ấm nóng trở thành một cái cớ để người thân, bạn bè xích lại gần nhau, mở lòng với nhau, cùng lắng nghe và chia sẻ. Nói mộc mạc cũng đúng, nói tinh tế cũng đúng, chuyện uống trà, thưởng trà khi bình dị dân dã như một thói quen, lúc cầu kỳ như một thứ nghệ thuật mà không phải bất kỳ ai cũng chạm tới ngưỡng.
Tết đến Xuân về, là dịp để mỗi chúng ta dành cho mình chút thời gian để thưởng trà bên người thân, bạn bè, tri kỷ… Chén trà mở đầu câu chuyện, gắn kết mọi người lại với nhau, hãy mở lòng, lắng nghe và chia sẻ về những ước muốn, hy vọng trong năm mới... để tận hưởng một mùa Xuân bình an và hạnh phúc!
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202501/thuong-tra-ngay-xuan-4dd1ffd/
Bình luận (0)