Việc bàn giao khu vực biển cho người dân nuôi trồng thủy sản đã góp phần nhanh chóng khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh sau siêu bão Yagi.
Thuê mặt nước biển, người dân một huyện của tỉnh Quảng Ninh lại làm lồng bè thả đủ loại hải sản quý
Thanh Tuyền Chủ nhật, ngày 02/02/2025 05:38 AM (GMT+7)
Việc bàn giao khu vực biển cho người dân nuôi trồng thủy sản đã góp phần nhanh chóng khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh sau siêu bão Yagi.
Phát huy những tiềm năng sẵn có, những năm qua, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản luôn khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản nhiều năm qua của Vân Đồn liên tục tăng. Từ nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Vân Đồn đã làm giàu, nhiều hộ trở thành triệu phú, tỷ phú.
Tuy nhiên, bão số 3 (siêu bão Yagi) đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ninh hồi tháng 9/2024 đã khiến “vựa” nuôi trồng thủy sản của tỉnh thiệt hại nặng nề. Toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản trên biển Vân Đồn gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Trong đó, tổng sản lượng thủy sản đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại khoảng 32.112 tấn (25.638 tấn hàu, 636 tấn cá và 5.840 tấn hải sản khác). Ngoài ra, bão số 3 còn gây thiệt hại cho khoảng 2.000ha hàu và 3.500 ô lồng nuôi cá mới thả giống. Tổng thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản của huyện Vân Đồn khoảng trên 2.300 tỷ đồng.
Để người dân bắt tay vào khôi phục sản xuất sau những thiệt hại do bão số 3 gây ra, tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện Vân Đồn nói riêng đã tích cực vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ. Việc giãn nợ ngân hàng và nhiều cách thức hỗ trợ khác đã giúp người dân nhanh chóng tái thiết hoạt động nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản được khôi phục sau siêu Yagi là 3.577ha. Sản lượng thủy sản ước đạt 4.670 tấn, trong đó sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 1.650 tấn, sản lượng nuôi trồng ước đạt 3.020 tấn. Bên cạnh đó, đến nay người dân đã khôi phục, sửa chữa xong trên 6400 ô lồng nuôi cá, khôi phục làm giàn trên 5400ha, xuống giống trên 2669ha…
Đến nay, mọi thứ đã dần trở lại bình thường. Giờ đây, vùng biển Vân Đồn mênh mông đều là những dây phao nhựa HDPE nổi trên mặt nước đều tăm tắp, hàng nối hàng vô cùng đẹp mắt. Đó đều là diện tích được người dân tái thả giống sau bão, mang lại niềm tin, sự kỳ vọng cho người dân.
Với ngư dân Vân Đồn, siêu bão Yagi có thể cuốn trôi tất cả tài sản tích cóp cả đời, nhưng không thể cuốn đi khát vọng và ý chí làm giàu từ biển. Mỗi ngày, hàng trăm con tàu của ngư dân Vân Đồn vẫn ra vào bến cảng. Đó là những chiếc tàu đánh bắt thủy sản, tàu chở khách, chở vật liệu nổi ra tái thiết nuôi trồng thủy sản ở những hòn đảo xa bờ.
Theo nhiều người dân huyện Vân Đồn, ngay sau bão, họ đã tận dụng hết sức của gia đình, bạn bè, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để mua vật liệu mới, thuê thợ làm lại bè, thả giống mới để sớm tái thiết lại hoạt động nuôi trồng thủy sản. Ngay từ tháng 12/2024, bà con đã thả hàu giống, cá song, ngao… bởi đây chính là thời điểm thích hợp nhất để xuống giống vụ mới. Vào thời điểm này, nhiệt độ dòng nước vẫn mát, con giống thả xuống dễ thích nghi, khỏe mạnh và phát triển. Bên cạnh đó, thả giống vào thời điểm này sẽ giúp hạn chế địch hại của hàu, thu hoạch trước khi mùa mưa bão đến.
Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ, chính quyền huyện Vân Đồn cũng đang đẩy nhanh tiến độ giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản theo Đề án "Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển huyện Vân Đồn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Theo báo cáo của UBND huyện Vân Đồn, tính đến ngày 17/1/2025, trên địa bàn huyện đã có HTX thủy sản Trung Nam được thuê khu vực biển với diện tích 47,98ha. Ngoài ra, đã có 5 đơn vị được cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển với diện tích là 2.009,8ha gồm: Công ty TNHH Thương Mại Vân Đồn; HTX TM & DV thủy sản Mạnh Đức; HTX Thương mại và dịch vụ thủy sản Trọng Vinh; HTX Dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Bảo Anh; HTX thủy sản Thắng Lợi. Huyện cũng đã giao mốc giới vị trí, khu vực biển 8.589ha cho 85 HTX với 1.208 cơ sở/hộ gia đình. Vân Đồn cũng đã giao khu vực biển cho 5 hộ chuyên nuôi cá lồng bè (dưới 1ha trong vùng 3 hải lý thuộc thẩm quyền UBND huyện) với tổng diện tích 2,6ha.
Ông Trần Văn Thiên – Giám đốc HTX hàu sữa Vân Đồn cho biết, thời điểm siêu bão Yagi quét qua đã gây thiệt hại nặng đối với các thành viên HTX. Riêng gia đình ông cũng mất trắng toàn bộ tài sản, trong đó toàn bộ dàn hàu sữa đang chuẩn bị thu hoạch nên thiệt hại càng lớn. Tới nay, hệ thống lồng bè của HTX đã cơ bản được khôi phục. Việc UBND huyện Vân Đồn giao khu vực nuôi trồng thủy sản chính là điều kiện quan trọng để gia đình cũng như những hộ nuôi trồng khác yên tâm tái thiết sản xuất sau bão.
Mỗi dây hàu, con cá, con thưng, con ngao… thả xuống biển đều mang theo biết bao hy vọng làm lại từ biển của bà con nơi đây. Vượt qua đau thương, mất mát, những ngư dân Vân Đồn vẫn quyết tâm bám biển, tiếp tục làm giàu từ biển.
Việc giao khu vực biển cho người dân nuôi trồng thủy sản thực sự đã góp phần nhanh chóng khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn là nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Nguồn: https://danviet.vn/thue-mat-nuoc-bien-nguoi-dan-mot-huyen-cua-tinh-quang-ninh-lai-lam-long-be-tha-du-loai-hai-san-quy-20250130000705542.htm
Bình luận (0)