Thông điệp này được ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra trong cuộc trao đổi với Báo Công Thương.
Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: Cấn Dũng) |
Trong tiến trình phát triển của đất nước, không thể không nhắc đến khu vực kinh tế tư nhân. Ông có thể khái quát bức tranh phát triển kinh tế tư nhân của Việt Nam từ sau đổi mới 1986 đến nay? Và những định hướng chính sách nổi bật nào đã làm nên dấu ấn đậm nét trong phát triển doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam?
Đứng từ góc độ Nhà nước thì môi trường thể chế, chính sách có tác động rất lớn đến sự phát triển của kinh tế.
Thứ nhất, về chủ trương của Đảng, tôi có thể điểm qua các mốc quan trọng như:
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VI, Đảng ta đã khẳng định: Kinh tế tư nhân được phát triển không hạn chế địa bàn, quy mô, ngành nghề mà pháp luật không cấm. Đó là thay đổi rất là lớn.
Hội nghị Trung ương 5 khóa IX tiếp tục xác định: Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hóa, nâng cao nội lực của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Thay đổi lớn tiếp theo về chủ trương đó là tại Đại hội X của Đảng, kinh tế tư nhân chính thức được xác nhận là một thành phần kinh tế trên cơ sở hợp nhất hai thành phần kinh tế: Cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân và được xác định rõ “kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”.
Sau đó, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục làm rõ và sâu sắc hơn nhiều vấn đề mới về phát triển kinh tế tư nhân. Đại hội XIII của Đảng khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân…
Thứ hai, về mặt Hiến pháp đã ghi nhận mọi cá nhân được quyền tự do kinh doanh trong ngành nghề mà pháp luật không cấm. Quan trọng hơn là đảm bảo tài sản được bảo hộ, tức là nói đến sự an toàn.
Điểm tiếp theo mà tôi muốn nhấn mạnh là sự ra đời của Nghị quyết 41, không chỉ là tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh như thông thường mà hướng đến động viên tinh thần cho cho doanh nghiệp.
Song song với hoàn thiện thể chế thì chúng ta có một cái mà rất nhiều nước họ làm là các chương trình cải cách thể chế, gọi là chương trình cải cách thể chế theo diện rộng. Bắt đầu từ câu chuyện cấp giấy phép kinh doanh năm 2000 và gần đây nhất là hơn 10 năm Chính phủ có Nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Như vậy, tôi nhấn mạnh lại, cái hiện tại chúng ta đang theo đuổi không chỉ là xóa bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mà chúng ta còn hướng tới giảm rủi ro, tăng tính an toàn, thúc đẩy sự phát triển về chất lượng và động viên cả về mặt tinh thần, vật chất.
Ở góc độ vĩ mô, chúng ta đã có định hướng chiến lược phát triển khu vực kinh tế tư nhân, và hiện thực hóa định hướng này bằng các cơ chế, chính sách phù hợp với các đối tượng, lĩnh vực. Tuy nhiên, không chỉ cộng đồng doanh nghiệp mà các chuyên gia kinh tế nước ngoài tại một số diễn đàn về phát triển kinh tế Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm rằng: Đã có rất nhiều chính sách được ban hành, nhưng điểm yếu của Việt Nam chính là khâu thực thi chính sách. Theo ông, thực thi chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân của chúng ta đang vướng ở đâu?
Đầu tiên phải xác định rõ khái nhiệm đâu là vướng, đâu là rào cản? Chúng ta phải thừa nhận thực tế luôn thay đổi, đòi hỏi của thị trường ngày càng cao hơn.
Chúng ta cũng phải thừa nhận với nhau có những chính sách có thể tại thời điểm ban hành ra nó phù hợp, nhưng ngay sau đấy do doanh nghiệp đòi hỏi, do thị trường đòi hỏi phải nhanh hơn, nhạy bén hơn, phải giảm chi phí hơn để cạnh tranh hơn… nên nó trở nên không phù hợp là điều bình thường.
Thế nên, tất cả các khái niệm đều nói rằng cải cách thể chế là một quá trình thường xuyên, liên tục.
Về thực thi chính sách, tôi muốn nói sâu hơn hai khía cạnh. Thứ nhất là chủ trương của Đảng, các Nghị quyết; Hiến pháp thể chế hóa bằng các điều luật cụ thể. Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực xây dựng thể chế, chính sách, tôi cho rằng tính kịp thời là một thách thức lớn. Kịp thời có nghĩa là chủ trương như này nhưng bao lâu thì chủ trương trở thành quy định?
Thứ hai là tính đầy đủ và tính cụ thể hóa để có thể thực thi được. Chủ trương nói chung là mọi người có quyền tự do kinh doanh nhưng thể chế hóa ra thành một quy định cụ thể như thế nào thì nó không phải là một luật mà cần rất nhiều luật.
Đã có luật rồi thì thực thi luật như thế nào? Mặt tích cực là chúng ta thường xuyên hoàn thiện luật. Phải nói là bây giờ đi làm rất nhiều thủ tục tiện lợi hơn rất nhiều so với với ngày xưa. Thực tế, tôi vừa đổi bằng lái xe, thủ tục rất thuận lợi. Nhưng so với đòi hỏi thì tôi thấy có một điểm cần cải thiện.
Đầu tiên là về mặt vĩ mô, cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp rất quan trọng. Cùng một thủ tục mà ở nơi này chậm hơn nơi khác là doanh nghiệp có thể kém thuận lợi hơn. Hay cùng một thủ tục nhập khẩu, nhưng ở cảng này giải phóng hàng nhanh hơn, cảng kia chậm hơn thì có những doanh nghiệp có thể bị thiệt hại vì hàng người ta đã bán ra trước. Tôi gọi đây là tính nhất quán, đồng đều.
Tiếp theo, trong thực thi chính sách thì rất hạn chế về hạ tầng. Ví dụ như việc khai trực tuyến, nhiều khi nghẽn mạng, hạ tầng hay phần mềm không thuận lợi… thì rõ ràng nó ảnh hưởng rất nhiều đến thực thi.
Hoặc trong quá trình thực thi có thể không sai về luật, ví dụ quy định trong vòng 5 – 10 ngày chúng ta cấp giấy phép, nhưng đối với doanh nghiệp cấp sớm 1-3 ngày có thể là cơ hội kinh doanh và cấp muộn 1-3 ngày có thể bị thiệt hại. Tôi gọi đây là tính thực hiện luật tốt hơn so với kỳ vọng.
Nếu các địa phương, các cơ quan khác nhau thực hiện các thủ tục khác nhau thì đôi khi doanh nghiệp sẽ rơi vào hoàn cảnh cạnh tranh không bình đẳng. Đấy là điều thực tiễn đang diễn ra.
Chúng ta đã có rất nhiều chương trình cải cách thể chế, việc thực thi đầy đủ, nhất quán các chương trình cải cách rất quan trọng. Như việc thực thi Nghị quyết 41 về doanh nghiệp, doanh nhân; Chính phủ đã có chương trình hành động, nhưng từ chương trình hành động của Chính phủ chuyển thành các điều, khoản quy định cụ thể như thế nào để doanh nghiệp được hưởng lợi cũng rất thách thức.
Rõ ràng câu chuyện này có thể cải thiện được. Tôi nhìn có nhiều thứ có thể cải thiện được nếu làm hết sức, luôn vì lợi ích của doanh nghiệp.
Từ góc độ của doanh nghiệp, họ rất mong thực thi chính sách phải tốt hơn chứ không chỉ đơn thuần là đúng luật. Trong kinh nghiệm quốc tế có câu “vượt lên trên sự tuân thủ” – tức là luật thì quy định thế này rồi nhưng người ta luôn mong muốn các đối tượng thực hiện tốt hơn ngay cả khi luật không yêu cầu.
Việc nỗ lực cải thiện chính sách và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách sẽ giảm tải gánh nặng thủ tục cho người dân, doanh nghiệp. (Ảnh: Tiến Đạt) |
Tiếp sức cho doanh nghiệp và để đưa Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới vào cuộc sống thì cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và của mỗi doanh nghiệp. Ủy ban kinh tế của Quốc hội đã và sẽ có những tham mưu cụ thể nào cho Quốc hội, các cơ quan Chính phủ để tạo nên môi trường hoạt động thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và chúng ta cần ưu tiên những chính sách nào cho doanh nghiệp tư nhân, thưa ông?
Chính phủ đã có chương trình hành động nói rất rõ là Bộ nào, ai làm gì, làm như thế nào rồi. Ở góc độ đại biểu Quốc hội là người mà làm luật, công việc của chúng tôi khu trú lại ở phạm vi làm luật, tôi cho rằng quan trọng nhất tinh thần Nghị quyết 41 không phải chỉ riêng Ủy ban kinh tế, mà tất cả các Ủy ban, các cơ quan tham gia vào trong quá trình xây dựng luật, Nghị định và các văn bản khác phải thể chế, mang tư tưởng đó khi hoàn thiện, viết ra.
Chúng ta đều biết không có điều luật nào để thể chế hóa Nghị quyết 41, tuy nhiên tôi vẫn nhấn mạnh đến những việc chúng ra làm từ rất lâu và đang phổ biến như: Giảm bớt thủ tục hành chính, giảm bớt điều kiện, giảm bớt rảo cản…
Ví dụ như trước đây yêu cầu 4-5 hồ sơ, giờ chỉ khoảng 3 hồ sơ. Hay thời hạn giải quyết hồ sơ từ 15 ngày thì tại sao không giảm xuống còn 5 ngày?
Nhưng ba thứ rất mới và rất khó đó là thể chế hóa Nghị quyết 41 phải có sự an toàn, giảm rủi ro. Như vậy phải thể chế hóa thành một điều khoản cụ thể, tạo sự an toàn cho doanh nghiệp.
Thứ hai, là giảm rủi ro. Ví dụ “thiết kế” quy định “im lặng là đồng ý”. Đơn cử việc mở bán nhà theo Luật Kinh doanh bất động sản mới đây, sau 15 ngày nếu như cơ quan nhà nước không có ý kiến phản hồi gì thì có nghĩa là doanh nghiệp được quyền làm. Tôi nghĩ đấy là những thứ giảm rủi ro cho doanh nghiệp.
Thứ ba là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Đây là những điều Nghị quyết 41 thể hiện rất nhiều, ở đây tôi chỉ mong muốn ngoài những điều chúng ta đang làm thì cũng cần quan tâm đến những khía cạnh nêu trên.
Muốn doanh nghiệp phát triển bền vững lâu dài, yên tâm bỏ tiền ra đầu tư thì không có gì khác ngoài ít rủi ro, an toàn hơn và tránh hình sự hóa các quan hệ.
Để giữ được ngọn lửa cải cách môi trường kinh doanh và làm bùng lên ngọn lửa lớn trong mỗi doanh nghiệp, doanh nhân về ý chí phát triển để xây dựng đất nước hùng cường, điều mà ông muốn gửi tới cơ quan quản lý nhà nước và tới các doanh nghiệp Việt là gì?
Vấn đề này rất hay, tôi suy nghĩ rất nhiều. Như chúng ta biết, chủ trương của Đảng và Nhà nước không chỉ động viên về vật chất, về thể chế mà còn động viên về tinh thần. Chúng ta phải công nhận, Ngày Doanh nhân Việt Nam và Nghị quyết 41 mang tính chất động viên tinh thần rất là lớn với các doanh nghiệp, doanh nhân.
Việc phải làm thế nào để tinh thần của doanh nghiệp, doanh nhân được “thổi bùng” hơn, phát triển hơn chúng ta đã nói nhiều rồi. Ở đây tôi chia sẻ sau khi đã tiếp xúc, đối thoại với nhiều doanh nghiệp, họ phản hồi lại rằng: Khi một thủ tục nào đó có vướng mắc, có thể do lỗi của doanh nghiệp, có thể do lỗi của cơ quan nhà nước, họ mong muốn phải được giải quyết chứ không để xảy ra tình trạng có vướng mắc nhưng không biết thế nào, có được giải quyết hay không và có giải quyết được hay không… Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và động lực của doanh nghiệp.
Do đó, tôi có hai kiến nghị. Thứ nhất, có những vướng mắc giải quyết về mặt thể chế thì phải sửa kịp thời. Hiện nay tôi vẫn mong muốn Chính phủ nên tiếp tục suy nghĩ thêm về cơ chế.
Ví dụ, Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang hoạt động và có hiệu quả nhất định. Quốc hội khóa XV đã một lần sửa nhiều luật và bây giờ Chính phủ đã chuẩn bị trình sửa nhiều luật khác. Tôi muốn nhấn mạnh theo kinh nghiệm quốc tế làm sao để cơ quan này độc lập chuyên môn, hoạt động thường xuyên chứ không kiêm nhiệm.
Thứ hai, khi vướng mắc không phải là do luật mà do quá trình thực hiện. Khi gặp vướng mắc doanh nghiệp phản ánh lên địa phương, cơ quan nhà nước thì làm thế nào để vướng mắc đó được giải quyết, được chỉ rõ ra. Thực tiễn, tôi chưa nhìn thấy cơ chế nào để giải quyết vướng mắc trong khâu thực thi.
Tôi rất mong muốn khi doanh nghiệp gặp vướng mắc thì sẽ có một đường dây nóng để phản ánh; phản ánh để được giải quyết chứ không phải phản ánh để được ghi nhận. Phải có cơ chế để giải quyết vướng mắc phát sinh trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo tôi khi doanh nghiệp gặp khó khăn họ nhìn thấy “đường ra” thì mới là động viên được tinh thần. Còn khi gặp vướng mắc mà không thấy “đường ra”, không biết ngày nào được giải quyết, không ai giải quyết cho thì tinh thần của họ sẽ dễ bị “thui chột” đi rất nhiều.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://congthuong.vn/thuc-thi-chinh-sach-khong-don-thuan-la-dung-luat-347285.html