Nhiều người gọi loài hoa hiếm ở dãy núi Himalaya là Nagapushpa, một số khác còn gọi chúng bằng những cái tên “dị bản” như Nagapushpam, Naga Pushpa hay Naga Pushpam… Thậm chí có người còn cho biết ngày giờ hoa nở như chính mắt họ đã nhìn thấy vậy.
Trên thực tế, chẳng có loài hoa nào 36 năm mới nở một lần. Trong tiếng Phạn quả thật có từ “Nagapushpa” – phiên âm chính xác là “nAgapuSpa “( नागपुष्प), dùng để chỉ hoa của cây vấp (hay vắp), một loài cây có tên khoa học là Mesua ferrea, tên tiếng Anh là Indian rose chestnut, Sri Lanka ironwood hay Cobra’s saffron.
Loài cây này thuộc họ Calophyllaceae, có nguồn gốc từ khu vực sinh thái Indomalaya (còn gọi là khu vực sinh thái Đông Dương). Người ta trồng Mesua ferrea để làm cảnh do chúng có vẻ ngoài duyên dáng, hoa lớn màu trắng có mùi thơm, tán lá màu xanh xám với những chiếc lá non rũ xuống. Lá non tuyệt đẹp và có màu hồng cho tới đỏ. Mesua ferrea là quốc thụ của Sri Lanka, cũng như của bang Mizoram và bang Tripura ở Ấn Độ. Dĩ nhiên, loài cây này có ngoại hình chẳng hề giống loài được cho là 36 năm nở hoa 1 lần.
Giới nghiên cứu đã tìm hiểu và nhận thấy ảnh gốc của loài hoa “36 năm nở 1 lần” này xuất phát từ trang Pinterest, được đưa lên từ năm 2013, nằm trong thư mục Strange Flowers (Hoa lạ), kèm theo chú thích “Sea feather” (Lông vũ biển) của Gordon B Bowbrick. Về sau, có người đã cố tình ngụy tạo, lấy tên loài hoa Nagapushpa để gán cho…loài “lông vũ biển” này, một loại động vật biển chuyên ăn sinh vật phù du.
Trong tiếng Việt, người ta thường gọi lông vũ biển là “bút biển”, một nhóm thuộc loại “san hô mềm” (san hô tám ngăn – octocorallia), có nhiều hình dạng, kích cỡ và màu sắc khác nhau.
Bút biển là động vật không xương sống thuộc lớp Anthozoa (ngành Cnidaria), có tổng cộng khoảng 35 chi nằm trong 14 họ thuộc bộ Pennatulacea. Người ta ước tính có khoảng 300 loài bút biển phân bố toàn cầu, chủ yếu ở vùng biển nhiệt đới và ôn đới, cũng như từ vùng triều đến độ sâu hơn 6100 m. Bút biển cùng nhóm với san hô tám ngăn sừng cứng (octocorals) và roi biển (gorgonians).
Người Trung Quốc gọi loài này là hải bút (海笔, hǎi bǐ); cũng có nghĩa là “bút biển” như cách gọi của người Anh, Đức và Nga (Sea pen, Seefedern, Морские перья). Những loài giới thiệu ở đây có ngoại hình giống như thân cây đứng, cao khoảng 40cm, gợi nhớ đến cây bút lông cổ nên được đặt tên như thế.
Giống như những loài san hô khác, bút biển sinh sản theo mùa hoặc quanh năm. Chúng “phóng ra” trứng và tinh trùng. Những trứng thụ tinh phát triển thành ấu trùng gọi là “planulae”, trôi dạt tự do một tuần rồi tập hợp lại, tạo thành nơi trú ẩn cho những loài cá.
Trên thị trường cá cảnh nước ngoài, thỉnh thoảng cũng có bán vài loài bút biển. Tuy nhiên, khó chăm sóc chúng, vì bút biển cần lớp nền rất sâu, có chế độ ăn đặc biệt.
Cuối cùng, xin nhắc lại, không có loài hoa nào ở Hymalaya có tên là Nagapushpa. Ai đó đã lấy tên cây Nagapushpa (Mesua ferrea) đặt cho loài bút biển rồi chú thích ngụy tạo là “loài hoa 36 năm nở hoa 1 lần”. Hiện nay, vẫn còn nhiều người cả tin, họ đã chia sẻ nguồn tin này, biến nó thành một hiện tượng giật gân trên mạng.