Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hữu Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang về những cách làm hiệu quả tại địa phương.
PV: Thưa ông, thời gian qua địa phương đã có những giải pháp gì để hỗ trợ người dân xoá đói giảm nghèo hiệu quả?
Ông Đỗ Hữu Tùng: Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, bảo lũ và dịch bệnh COVID-19 nhưng với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, có trong tâm, trọng điểm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nên công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả nổi bật. Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo đến cuối năm 2022, toàn huyện còn 3.394 hộ nghèo, tỷ lệ 45,18%, giảm so với năm 2021 hơn 511 hộ, tương ứng giảm 7,7%.
Có được những thành quả như vậy là nhờ địa phương đã thực hiện tốt các chương trình, chính sách giao khoán quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn đến các cộng đồng thôn đạt hiệu quả. Đến thời điểm hiện tại các chương trình, chính sách giao khoán QLBVR trên địa bàn đã mang lại hiệu quả, hiệu ứng rất tốt, người dân có nguồn thu nhập ổ định, đơn giá bảo vệ rừng ngày càng được nâng lên, góp phần ổn định đời sống cho người dân địa phương.
Đặc biệt địa phương tạo điều kiện để người nghèo, cận nghèo, người đăng ký thoát nghèo tiếp cận được các nguồn vốn vay, tham gia trực tiếp các lớp tập huấn, hội thảo, nâng cao năng lực từ các chương trình chính sách giảm nghèo bền vững. Qua thực tế hiện nay, người nghèo, người cận nghèo trên địa bàn huyện được hỗ trợ đầy đủ các chính sách về bảo hiểm y tế, giáo dục, dạy nghề và vay vốn, giải quyết việc làm, nhà ở… đã chứng minh chính sách này đã đi vào cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo vẫn bộc lộ một số tồn tại hạn chế như việc bố trí nguồn vốn, cơ chế khuyến khích đào tạo nghề, tạo việc làm cho người nghèo chưa phù hợp theo đặc thù vùng miền; công tác xét chọn hộ, chọn mô hình tham gia dự án hỗ trợ sản xuất và đa dạng sinh kế nhân rộng mô hình giảm nghèo chưa đổi mới cả tư duy nhận thức và phương thức sản xuất; nguồn lực tập trung cho mô hình dàn trải bình quân chia đều; việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo còn gặp khó khăn do định suất thấp, yêu cầu phải vay vốn chính sách, đóng góp của dòng tộc cộng đồng; công tác điều tra, rà soát xác định hộ nghèo tại một số địa phương còn lúng túng do tiêu chí có thay đổi nhưng công tác hướng dẫn chưa cụ thể; việc tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo tại một số địa phương có lúc chưa kịp thời do áp lực về thời gian và chỉ tiêu giao.
PV: Có được kết quả xoá đói giảm nghèo hiệu quả một phần là nhờ việc quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm giám sát đối với công tác tín dụng chính sách xã hội tại địa phường?
Ông Đỗ Hữu Tùng: Đến ngày 30/4/2023 dư nợ của ngân hàng CSXH huyện là 265 tỷ đồng với gần 5.000 hộ vay, chiếm tỷ lệ 66% trên tổng số hộ dân của. Chất lượng tín dụng tốt với nợ quá hạn thấp với 35 triệu, chiếm tỷ lệ 0,01%. Tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện, giúp người dân chủ động hơn trong phát triển sản xuất, nhiều mô hình dự án được đầu tư vay vốn đã phát huy được hiệu quả, thu hút được nhiều lao động, tăng thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.
Để thực hiện tốt chính sách vay vốn đối với người nghèo, địa phương đã hỗ trợ các hộ nông dân làm tốt công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy phát triển sản xuất đi đôi với triển khai tín dụng chính sách xã hội để tăng năng suất, tăng hiệu quả sử dụng vốn vay; triển khai cho vay các mô hình sản xuất nông – lâm kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng.
Chúng tôi cũng nêu cao vai trò của Chủ tịch UBND cấp xã – thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện trong tổ chức vận hành hoạt động tín dụng chính sách. Trong đó, tập trung chỉ đạo rà soát, cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, gắn kết hoạt động cho vay với các chương trình, dự án tại địa phương, các hoạt động hỗ trợ người vay để phát huy hiệu quả vốn vay.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông, các tổ chức Hội nhận ủy thác, tổ chức các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng, mô hình làm ăn hiệu quả, thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ vốn vay NHCSXH.
Các hộ được vay vốn đều được hướng dẫn và giám sát thường xuyên, vì vậy việc sử dụng nguồn vốn vay trong các hộ nghèo đều đảm bảo đúng mục đích và hiệu quả.
PV: Thời gian tới, địa phương tiếp tục có những giải pháp gì để thực hiện tốt chính sách vay vốn đối với người nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững?
Ông Đỗ Hữu Tùng: Chương trình vay vốn là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của địa phương. Thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội sẽ góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Do vậy, chúng tôi tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của các cấp về chủ trương, chính sách giảm nghèo bền vững; kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác giảm nghèo; nâng cao năng lực cho cán bộ giảm nghèo cơ sở; kiểm tra, giám sát, đánh giá Chương trình ở các cấp; điều tra xác định hộ nghèo, cận nghèo và phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Bên cạnh đó, huy động nhiều nguồn lực phục vụ thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước kịp thời, đủ để thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo, chú trọng huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, vận động sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.