Sáng 15/6, UBND tỉnh tổ chức họp trực tuyến toàn tỉnh về tình hình thực hiện công tác trẻ em, công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm và tăng cường chỉ đạo về công tác trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em. Các sở, ban, ngành và các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch hàng năm, bố trí kinh phí cho công tác phòng chống tai nạn thương tích, trong đó chú trọng phòng chống đuối nước ở trẻ em. Công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai đa dạng với nhiều hình thức đã giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng về phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước ở trẻ em. Công tác giáo dục kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước ở trẻ em trong các cơ sở giáo dục ngày càng được quan tâm. Cơ sở vật chất đầu tư phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, bơi lội của trẻ em ngày một phát triển…
Tính đến hết tháng 5/2023, bằng nguồn ngân sách tỉnh, huyện và nguồn xã hội hóa, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 218 bể bơi. Tính riêng từ năm 2021 đến tháng 6/2023, toàn tỉnh đã tổ chức được hơn 1.200 lớp dạy bơi cho hơn 22.000 trẻ, trong đó có hơn 860 lớp dạy bơi miễn phí cho hơn 17.000 trẻ; đã tập tuấn và cấp giấy chứng nhận hướng dẫn viên bơi và bơi cứu đuối cho 948 huấn luyện viên, giáo viên, tình nguyện viên, cộng tác viên…
Mặc dù công tác trẻ em nói chung, công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em nói riêng của toàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực song trong thời gian qua, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ tai nạn thương tích và tử vong do tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là đuối nước có xu hướng tăng. Toàn tỉnh có 20 trẻ bị tử vong do tai nạn thương tích tăng 4 trẻ so với cùng kỳ năm ngoái trong đó đuối nước là 14 trẻ. Các địa phương xảy ra nhiều ca tử vong do tai nạn thương tích trẻ em gồm TP Hạ Long, TX Quảng Yên, huyện Ba Chẽ…
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, địa phương đã làm rõ nguyên nhân, tìm giải pháp để kéo giảm tỷ lệ tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em trên phạm vi toàn tỉnh.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33- CT/TU ngày 29/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước. Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tập trung cụ thể các giải pháp trọng tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, kiến thức bảo vệ trẻ em với mục tiêu trên 90% trẻ em, người dân nắm, biết thông tin, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em; tổng kết rà soát các điểm, các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước để có các giải pháp khắc phục như lắp đặt rào chắn, lắp biển báo cảnh báo cho trẻ em, người dân về nguy cơ tai nạn thương tích, đuối nước. Toàn tỉnh xây dựng kế hoạch phổ cập bơi an toàn cho trẻ em, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, nâng cao tỷ lệ trẻ em biết bơi trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đồng chí giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì rà soát; các địa phương trong tỉnh nhanh chóng huy động sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội tiến hành tổng rà soát lại các điểm có nguy cơ gây tai nạn thương tích như điểm đen giao thông, sông hồ, ao, kênh, mương có nguy cơ đuối nước… để kịp thời có những cảnh báo phù hợp. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thành lập tổ công tác để xây dựng kế hoạch phổ cập bơi cho trẻ em toàn tỉnh một cách tổng thể, bài bản với sự tham gia của các địa phương. Các sở, ngành, đơn vị liên quan sớm có phương án trông giữ trẻ, tạo sân chơi cho trẻ vào thời gian nghỉ hè… Các địa phương kiện toàn lại Ban Chỉ đạo vì sự tiến bộ phụ nữ và trẻ em để công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em được triển khai hiệu quả, thiết thực; giao rõ trách nhiệm và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng tai nạn thương tích, đuối nước.