Khối thị trường tiềm năng
Đây là nội dung được đưa ra tại hội thảo “Thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng sang khu vực Tây Á” do Vụ Thị trường châu Á – châu Phi , Bộ Công Thương tổ chức chiều 12/12 tại TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, với quy mô 15 quốc gia, dân số gần 500 triệu dân và có mức sống cao, khu vực Tây Á đang nổi lên như khối thị trường xuất khẩu tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Trong giai đoạn 2018 – 2022, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và khu vực Tây Á ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc. Nếu như năm 2018, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều mới chỉ đạt gần 14 tỷ USD, thì đến năm 2022 con số này đã đạt gần 19,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam bình quân đạt khoảng 8 tỷ USD/năm. Dự báo trong năm 2023, tổng giá trị xuất nhập khẩu có thể đạt mức 20 tỷ USD.
Về cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước Tây Á có tính chất bổ sung cho nhau rất rõ nét. Việt Nam xuất khẩu sang khu vực chủ yếu là các mặt hàng: Điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện, điện tử, nông sản (gạo, hạt tiêu, cà phê, chè, hạt điều, rau quả…), thủy sản, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến, sản phẩm gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại hội thảo |
Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang khu vực này hiện nay, ngoài nhóm hàng chế tạo của khối doanh nghiệp FDI, trong thời gian gần đây, nhiều mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam đã tiếp cận được thị trường Trung Đông và bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Có thể kể đến như: Hạt điều (trên 300 triệu USD/năm), hàng thủy hải sản (trên 250 triệu USD/năm), gạo, cà phê, hạt tiêu (trên 100 triệu USD/năm), hàng rau quả (trên 90 triệu USD/năm)…
Cũng theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, Việt Nam và các nước khu vực Tây Á vẫn có nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng quy mô thương mại song phương, bởi cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước trong khu vực này cơ bản không cạnh tranh trực tiếp mà có tính bổ sung cho nhau. Đây là điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng, củng cố và đa dạng hóa chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt đối với những ngành hàng, mặt hàng mà một bên có thế mạnh, bên kia có nhu cầu và ngược lại. Chẳng hạn như: Hàng dệt may, da giày, thuỷ hải sản, hàng gia dụng, cà phê, hóa chất… của Việt Nam hay các sản phẩm về hóa dầu, dầu mỏ, nhôm nguyên liệu…
Ông Trần Trung Hiếu – Trưởng Thương vụ tại Kuwait cho biết, nằm trong khu vực Tây Á, Kuwait là quốc gia có tăng trưởng GDP cao, song phát triển nông nghiệp kém. Trong cơ cấu kinh tế của Kuwait, nông nghiệp chỉ chiếm 0,4% và nhập khẩu tới 85% nông sản.
Bên cạnh đó, đây là quốc gia có lượng nhập khẩu lao động cao, chiếm tới 2/3 lượng lao động cả nước, do đó nhu cầu thực phẩm rất đa dạng. Đây cũng là thị trường cửa ngõ để xuất khẩu hàng hóa qua các nước châu Phi.
Với Việt Nam, hiện hàng hóa nước ta đã có chỗ đứng nhất định tại thị trường này, nhất là với các mặt hàng nông, thủy sản như cá tra, cá basa, dừa tươi, vải thiều… “Hiện nay, tất cả các siêu thị tại đây đều có sản phẩm cá tra, cá basa và tôm của Việt Nam. Các sản phẩm này đều được người tiêu dùng Kuwait đánh giá cao về chất lượng và giá cả phải chăng hơn so với các sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác”, ông Trần Trung Hiếu chia sẻ.
Tận dụng cơ hội xuất khẩu
Ông Đỗ Quốc Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng, mặc dù hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước Tây Á trong những năm qua đã có sự khởi sắc và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại hai chiều vẫn chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng thực sự của mỗi bên. Do đó, để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp cận thị trường Tây Á một cách hiệu quả hơn, ông Đỗ Quốc Hưng lưu ý, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu phân loại, xây dựng chiến lược cụ thể đối với từng nhóm nước tại khu vực Tây Á.
Ông Đỗ Quốc Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị |
Điển hình như, với các quốc gia có tiềm lực về tài chính (ví dụ các nước GCC), thu nhập bình quân đầu người ở nước sở tại thường ở mức cao, số lượng người nước ngoài đến sinh sống và làm việc lớn, ngoài nhóm hàng máy móc, thiết bị điện, điện tử và nông, thủy sản, doanh nghiệp Việt Nam có thể nghiên cứu xuất khẩu các mặt hàng: Dệt may, giày dép, nguyên vật liệu xây dựng, sản phẩm nội thất, thực phẩm chế biến… Trong khi đó, với các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Israel…, doanh nghiệp Việt Nam có thể nghiên cứu xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế hơn và nước sở tại có nhu cầu nhưng không sản xuất được hoặc năng lực sản xuất bị hạn chế như: Gạo, cà phê, trà, hạt tiêu, hạt điều, cá tra, cá ba sa, các loại trái cây nhiệt đới…
Cũng theo ông Hưng, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, để nắm bắt cơ hội đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước Tây Á cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong các hoạt động trao đổi đoàn xúc tiến thương mại, đoàn doanh nghiệp giữa Việt Nam và các nước Tây Á. Đặc biệt là xúc tiến thương mại thông qua các sự kiện, hoạt động quảng bá du lịch, văn hóa, triển lãm thương mại.
Cùng với đó là tăng cường các hoạt động hợp tác kết nối giao thông, vận tải biển, logistics, ngân hàng, tài chính, chuyển đổi số… nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước tại Tây Á.
Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu tại địa bàn sở tại để tăng cường sự nhận diện và bảo vệ cho hàng hóa Việt Nam.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng vào các chuỗi siêu thị lớn ở sở tại như: Lulu, Choithrams, Al Maya, Spinneys… với các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như: Nông thủy sản, rau quả tươi, thực phẩm chế biến và các sản phẩm gia dụng…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhìn nhận, những thuận lợi và cơ hội đang mở ra trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước khu vực Tây Á sẽ là nền tảng quan trọng, tạo thêm động lực và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp hai Bên mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong tương lai. “Bộ Công Thương và Đại sứ quán của các nước khu vực Tây Á tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam triển khai các hoạt động hợp tác trong tương lai”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.