Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng Trung du và miền núi phía Bắc do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng chủ trì. Dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng điều phối Vùng, các Uỷ viên Hội đồng cùng lãnh đạo địa phương thuộc Vùng.
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Quang Lộc) |
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Vùng là cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia với Trung Quốc, Lào và các nước ASEAN; có hệ thống nhiều cửa khẩu lớn, nhỏ, có tiềm năng phát triển các hoạt động kinh tế cửa khẩu, kết nối các địa phương khác trong cả nước về giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường Trung Quốc; là một trong những cửa ngõ để thông ra biển và kết nối với ASEAN của các tỉnh phía Tây Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế và trục kết nối vùng và khu vực.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng Trung du và miền núi phía Bắc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Giai đoạn vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng đang đạt được mức khá cao so với cả nước, vượt mục tiêu đặt ra. Cụ thể: Giai đoạn 2010 – 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của vùng đạt 8,42%/năm (so với tốc độ tăng 6,21%/năm của cả nước), giai đoạn 2021 – 2023, đạt tốc độ tăng trưởng 7,65%/năm (so với tốc tốc độ tăng trưởng 5,19% của cả nước). GRDP bình quân đầu người cũng đã gia tăng đáng kể, năm 2023, đạt 64,8 triệu đồng/người, tăng so với mức 52,8 triệu đồng/người năm 2020.
Trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Vùng cho các địa phương. Ảnh: Quang Lộc |
Một số địa phương có mức tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào GDP chung cả nước, có vai trò dẫn dắt, đầu tàu phát triển vùng như: Bắc Giang, Thái Nguyên, Lào Cai, Phú Thọ, tạo nên các cực tăng trưởng trọng điểm, hạ tầng đồng bộ phục vụ phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ trong mối liên kết với Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng và các vùng lân cận.
Tại Hội nghị đã công bố Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thể hiện 8 chữ bằng “Bản sắc – Sinh thái – Liên kết – Hạnh phúc”.
Bản Quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng, với tư duy mới, tầm nhìn mới, có sự bứt phá hướng đến việc chủ động kiến tạo để phát triển; tập trung xác định và giải quyết các vấn đề lớn, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; mạnh dạn tái cơ cấu kinh tế, tổ chức lại không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Hội nghị |
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay, qua gần 2 năm triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ đã hoàn thành 5/17 nhiệm vụ, đề án, gồm: Phê duyệt Quy hoạch vùng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt quy hoạch 14/14 địa phương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành việc thành lập, kiện toàn và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng vùng; đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng mô hình thư viện cơ sở của Vùng; đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.
Về phát triển kinh tế Vùng, ước quý I/2024, kinh tế của Vùng vẫn ổn định và tăng trưởng ở mức khá: GRDP đạt 6,54% (dẫn đầu cả nước); kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 33 tỷ USD; tuy nhiên, thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 26% dự toán, nguyên nhân do thu ngân sách dựa nhiều vào thủy điện và những tháng đầu năm các nhà máy tập trung tích nước, công suất phát điện thấp.
Nguồn: https://congthuong.vn/thuc-day-tiem-nang-phat-trien-vung-trung-du-va-mien-nui-phia-bac-322002.html