(CLO) Ngày 9/11, tại Hà Nội, hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học”, thuộc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII, đã thu hút đông đảo ý kiến thảo luận từ các nhà làm phim, nhà văn và chuyên gia điện ảnh. Đây được xem là mảnh đất màu mỡ giúp điện ảnh Việt Nam ghi dấu ấn và khơi dậy lòng tự hào dân tộc.
Mảnh đất màu mỡ nhưng chưa khai thác hết
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, nhấn mạnh: “Tác phẩm văn học và lịch sử là nguồn cảm hứng vô tận không chỉ cho điện ảnh Việt Nam mà cả thế giới”.
Ông chỉ ra rằng, cứ năm phim điện ảnh quốc tế thì có một phim chuyển thể từ văn học, trong khi ở Việt Nam, dù đã có những tác phẩm nổi bật như “Chị Tư Hậu” (từ truyện ngắn “Một chuyện chép ở bệnh viện” của Bùi Đức Ái), “Mẹ vắng nhà” (từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Thi) hay “Bến không chồng” (từ tác phẩm của nhà văn Dương Hướng).. song con số vẫn còn hạn chế so với tiềm năng.
Đối với đề tài lịch sử, điện ảnh cách mạng Việt Nam có những tác phẩm ghi dấu ấn như “Sao tháng Tám”, “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”… hay điện ảnh đương đại cũng có nhiều tác phẩm gây tiếng vang như “Long Thành cầm giả ca”, “Những người viết huyền thoại”, “Mùi cỏ cháy” và đặc biệt gần đây là “Đào, phở và piano”…
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng bày tỏ lo ngại khi khán giả trẻ đang quay sang xem phim lịch sử của nước ngoài, với những tác phẩm chỉn chu, đầu tư công phu. Theo ông, đây là thách thức nhưng cũng là động lực để các nhà làm phim Việt Nam đẩy mạnh dòng phim này, mang đến những trải nghiệm chân thực và phong phú về lịch sử Việt.
Sáng tạo đột phá – Phá bỏ những giới hạn
Tham dự hội thảo, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ rằng, làm phim lịch sử và chuyển thể đòi hỏi sự sáng tạo chứ không chỉ là sao chép. Ông nhận định, một tác phẩm điện ảnh thành công là khi đạo diễn vừa giữ được tinh thần của tác phẩm gốc, vừa sáng tạo thêm chiều sâu cho nhân vật và câu chuyện.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh rằng, sự bó buộc vào nguyên tác khiến các nhà làm phim lo ngại phản ứng dư luận, từ đó hạn chế tính sáng tạo và sự bứt phá trong tác phẩm.
Đạo diễn Charlie Nguyễn, người từng tham gia sản xuất nhiều phim lịch sử, đồng tình với quan điểm này và chia sẻ thêm, để thực sự tạo ra được tác phẩm chạm đến lòng người, đạo diễn cần nghiên cứu sâu về nhân vật, về lịch sử và đặc biệt là kết nối cảm xúc nhân vật với cuộc sống hiện đại, tránh thần thánh hóa mà vẫn giữ được giá trị lịch sử.
Điều này, theo ông, là đạo đức nghề nghiệp cần thiết với mọi nhà làm phim.
Khó khăn từ chi phí đến sự chấp nhận của khán giả
Làm phim lịch sử và chuyển thể không chỉ đòi hỏi tư duy sáng tạo mà còn cần nguồn lực tài chính lớn, theo nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan.
Ông cho rằng, chi phí phục dựng bối cảnh, trang phục, đạo cụ để tái hiện lịch sử là thách thức rất lớn, trong khi dòng phim này không dễ thu hồi vốn.
Cùng với đó, đạo diễn Võ Thanh Hòa nhấn mạnh rằng Nhà nước cần có chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ vay vốn và tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phim trường để dòng phim này phát triển mạnh mẽ hơn.
Học hỏi từ quốc tế: Góc nhìn từ Trung Quốc
Là một trong những chuyên gia trong lịch vực này, ông Qian Zhongyuan, Giám đốc sản xuất của As One Production (Trung Quốc), đã có những chia sẻ kinh nghiệm sản xuất phim lịch sử ở Trung Quốc, nơi các nhà làm phim được hỗ trợ kinh phí, tư vấn chuyên gia và các địa phương cũng tích cực hỗ trợ quay phim.
Ông Qian cho rằng, “Phim lịch sử vừa cần tôn trọng sự thật vừa có không gian sáng tạo, giúp mở rộng góc nhìn và tư duy khán giả về một giai đoạn văn hóa”. Phương thức này giúp những bộ phim về lịch sử không chỉ giữ được giá trị gốc mà còn có tính giải trí và lan tỏa.
Hướng đi tương lai – Điện ảnh gắn kết tự hào dân tộc
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhấn mạnh vai trò của dòng phim lịch sử và chuyển thể trong việc nâng cao tinh thần tự hào dân tộc.
Ông kêu gọi sự ủng hộ từ các nhà làm phim, nhà sản xuất và khán giả. Nhà nước, theo ông, có thể đặt hàng phim về các dịp kỷ niệm lớn, đồng thời tổ chức các trại sáng tác về đề tài lịch sử để khuyến khích dòng phim này phát triển.
Hội thảo khép lại với nhiều ý kiến và kỳ vọng, mở ra tương lai đầy hứa hẹn cho dòng phim lịch sử và chuyển thể văn học tại Việt Nam. Đây không chỉ là lĩnh vực quan trọng trong phát triển điện ảnh, mà còn là cầu nối giúp khán giả tiếp cận gần hơn với văn hóa và lịch sử nước nhà, làm giàu lòng tự hào dân tộc.
Hoài Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/thuc-day-phim-lich-su-va-chuyen-the-van-hoc-chia-khoa-de-nang-tam-dien-anh-viet-post320681.html