(CLO) Ngày 27/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lý luận phê bình “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế”, mang đến cái nhìn tổng quát, chuyên sâu về những thành tựu trong 50 năm qua và xu thế của văn học Việt Nam trong một kỷ nguyên mới.
Hội nghị do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương và Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức. Hội nghị đã nhận được 43 tham luận, qua đó cung cấp cái nhìn vừa tổng quát, vừa chuyên sâu về những thành tựu của văn học Việt Nam 50 năm qua và về xu thế của văn học Việt Nam trong thời đại mới.
Phát biểu khai mạc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh, hội nghị mang tới một cái nhìn khoa học, có tính lịch sử, có tính tổng kết cũng như phác thảo một diện mạo văn học Việt Nam trong những thập kỷ tới của đất nước.
Các đại biểu xác định: Văn học Việt Nam sau năm 1975 tồn tại và phát triển trong một bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội mới. Sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống XHCN ở Đông Âu, toàn cầu hóa và kinh tế thị trường, sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, Internet và truyền thông hiện đại đã tạo nên khuôn diện mới của thời đương đại. Đây là những yếu tố tác động sâu sắc đến đời sống xã hội, văn hóa và văn học Việt Nam.
“Cao trào Đổi mới văn học diễn ra vào giữa thập niên 80 và tiếp tục được mở rộng về sau đã chứng kiến sự xuất hiện của một đội ngũ cầm bút tài năng. Về văn xuôi là Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương… Về thơ là Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Inrasara… Về kịch là Lưu Quang Vũ, Xuân Trình…”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho hay.
Trong môi trường dân chủ xã hội được mở rộng, tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng, văn học sau năm 1975 đã cố gắng miêu tả đời sống trong tính đa chiều với nhiều cách tân nghệ thuật táo bạo. Nhờ đó, văn học Việt Nam đương đại đa dạng về khuynh hướng và bút pháp, phong phú về phong cách và giọng điệu nghệ thuật. Trong lĩnh vực lý luận, phê bình, ý thức đổi mới tư duy nghiên cứu và nỗ lực hiện đại hóa lý luận, phê bình đã giúp cho đời sống lý luận, phê bình có nhiều khởi sắc.
Chia sẻ về định hướng phát triển của văn học trong thời kỳ mới, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình VHNT Trung ương cho rằng, cần tăng cường đổi mới nhận thức về bản chất, đặc trưng của văn học nghệ thuật, vai trò, sứ mệnh của lý luận, phê bình văn học trên nền tảng mỹ học Mác-Lênin, đường lối văn nghệ của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp hài hòa việc kế thừa tinh hoa văn học dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.
Ông Nguyễn Thế kỷ đưa ra kiến nghị cần chăm lo phát triển, bồi dưỡng đội ngũ, chú trọng phát hiện tài năng, tôn trọng quyền tự do sáng tạo, khuyến khích sự tìm tòi, đổi mới của các nhà lý luận, phê bình. Bên cạnh đó, cần tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế, chú trọng “đầu vào” và “đầu ra” trong tiếp nhận và quảng bá văn học, coi đây là cách thức hiệu quả để văn học Việt Nam tiến ra thế giới một cách hiệu quả.
Cũng tại hội nghị, nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng sau khi Đảng khởi xướng Đổi mới, văn học đã ráo riết biến chuyển theo “thân nhiệt xã hội”.
Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, văn học bắt đầu chia tách theo từng mảng khá tương ứng với hiện thực đời sống, ở đó dấu ấn của những cách tân, tìm tòi trong hình thức thể hiện là không thể phủ định. Với thiên lương của mình, văn học nửa thế kỷ sau ngày thống nhất đất nước, vừa cần mẫn vá lại những vết thương, những rách nát của con người, vừa dìu con người lần hồi tiến về phía trước trong ánh sáng của tinh thần lạc quan.
Xuyên suốt hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra một số hạn chế như: Thiếu tương xứng giữa lượng và chất, tác phẩm xuất bản nhiều hơn nhưng còn khiêm tốn về chất lượng; mặt trái của kinh tế thị trường và sự phân hóa, biến đổi trong thị hiếu tiếp nhận có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn học; việc tiếp thu ảnh hưởng văn học, nghệ thuật hiện đại của thế giới có khi chưa chọn lọc, vẫn còn bắt chước, lai căng…
Đồng thời hội nghị cũng nhấn mạnh đến một số giải pháp phát triển văn học: Quan tâm, đầu tư vào những người cầm bút; tăng cường mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế để đẩy mạnh hơn nữa tiến trình hội nhập, đưa văn học Việt Nam nhanh chóng bắt kịp tư duy, nhịp điệu của nghệ thuật hiện đại thế giới; đẩy mạnh sự phát triển của lý luận, phê bình văn học vì lý luận, phê bình.
Nguồn: https://www.congluan.vn/thanh-tuu-va-xu-the-cua-van-hoc-viet-nam-trong-ky-nguyen-moi-post323111.html