Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã và đang đóng góp vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong các lĩnh vực trọng yếu như nông nghiệp, xây dựng, y tế, giáo dục và công nghiệp. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực chính giúp nâng cao năng suất, tăng trưởng bền vững mà còn giúp tạo ra những mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia trên trường quốc tế.
Với mong muốn thúc đẩy hiệu quả hơn nữa hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, mang lại giá trị gia tăng, đóng góp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội, Bộ KH&CN mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp của các ban, bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và nhà khoa học trên cả nước. Qua đó, góp phần tăng cường phối hợp, nâng cao sự liên kết và thống nhất trong tầm nhìn chiến lược về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo; trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, viện nghiên cứu trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh; thúc đẩy xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là nguồn lực từ doanh nghiệp.
Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp và dành nguồn lực thích hợp để tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh hoạt động đổi mới công nghệ; triển khai các giải pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả và hội nhập.
Chia sẻ tại sự kiện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, Hà Nội là địa phương tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước (trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia), với hơn 65% nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc. Thành phố xác định đây là lợi thế đặc biệt quan trọng để Thủ đô tập trung đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội. Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã bổ sung những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, nhằm hỗ trợ Hà Nội phát triển các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo và các mô hình kinh doanh công nghệ tiên tiến. Điều này sẽ tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực.
“Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, tổ chức và nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 được tổ chức với quy mô quốc gia, gồm các hoạt động chính: 5 diễn đàn kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo (Diễn đàn chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; Diễn đàn công nghệ ngành Xây dựng; Diễn đàn công nghệ ngành Y tế; Diễn đàn công nghệ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Diễn đàn Xúc tiến đầu tư công nghệ cao); Tọa đàm vai trò của đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp Thủ đô; Trình diễn, giới thiệu các thành tựu công nghệ năm 2024, kết nối cung – cầu công nghệ; Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo địa phương năm 2024.
Ban tổ chức cho biết, sự kiện năm nay thu hút 200 gian trình diễn những thành tựu công nghệ mới trong và ngoài nước được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực.
Nhân dịp này, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN) đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo với Trung tâm Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Tây Ban Nha); Văn phòng Sản xuất thông minh Hàn Quốc.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/thuc-day-ket-noi-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-viet-nam-nam-2024.html