Thúc đẩy hình thành và phát triển thị trường carbon

Việt NamViệt Nam17/02/2025


Trong Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng có đề cập đến việc thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Các chuyên gia, doanh nghiệp kỳ vọng từ việc triển khai, thực hiện cơ chế này sẽ thúc đẩy, sớm hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước để mang lại lợi ích kép cho thành phố và doanh nghiệp.

Việc Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội sẽ giúp thúc đẩy hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước, tạo lợi kép cho thành phố và doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Việc Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội sẽ giúp thúc đẩy hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước, tạo lợi kép cho thành phố và doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo Nghị quyết số 136/2024/QH15, nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon là nguồn thu ngân sách thành phố Đà Nẵng được hưởng 100%. HĐND thành phố quyết định sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố...

Đó là những lợi ích mà thành phố nhận được khi thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ carbon. Tuy nhiên, từ việc thực hiện cơ chế thí điểm này, nếu hình thành và phát triển sớm thị trường carbon trong nước, thì không chỉ có thêm những lợi ích cho thành phố, mà các doanh nghiệp của thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung cũng sẽ được hưởng lợi và gặp thuận lợi trong việc tiếp cận, giao dịch tín chỉ carbon.

Theo các doanh nghiệp và chuyên gia, khi hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa qua thị trường Mỹ, châu Âu và các nước phát triển sẽ gặp thuận lợi trong quá trình tìm mua tín chỉ carbon; các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất năng lượng xanh (điện mặt trời, điện gió...) cũng dễ dàng bán tín chỉ carbon. Đây là những lợi ích kép mà thành phố và các doanh nghiệp sẽ có được khi thị trường carbon trong nước sớm được hình thành và phát triển.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH STI Việt Nam Lê Anh Hưng cho rằng, việc thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon không chỉ giúp Đà Nẵng bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính một cách bền vững mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và nâng cao đời sống của nhân dân. Đây là một bước đi đáng chú ý trong hành trình phát triển bền vững của thành phố.

Để thúc đẩy cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon tại Đà Nẵng, thành phố cần tạo chính sách khuyến khích đầu tư vào các dự án giảm phát thải, nâng cao hấp thụ khí nhà kính và khuyến khích tham gia thị trường carbon; hỗ trợ tài chính và thuế suất thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường và làm giảm tác động của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp để hỗ trợ giao dịch tín chỉ carbon; hợp tác quốc tế và kết nối với các tổ chức, chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực giảm phát thải và phát triển thị trường carbon; tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi...

“Những biện pháp này không chỉ giúp Đà Nẵng thúc đẩy phát triển bền vững mà còn đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc làm giảm tác động của biến đổi khí hậu; làm tăng sự hấp dẫn của thành phố đối với các nhà đầu tư và cộng đồng quốc tế”, ông Hưng nhìn nhận.

Ông Bùi Văn Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Phong Điện Thuận Bình cho rằng, nước ta xuất khẩu nhiều hàng hóa sang thị trường châu Âu và các nước phát triển nên sẽ bị áp thuế carbon nếu không dùng năng lượng xanh và sạch. Điều này đòi hỏi thị trường carbon phải phát triển sôi động.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong tương lai, các quốc gia kể cả Việt Nam, các chủ thể có phát thải khí nhà kính sẽ lựa chọn thị trường carbon quốc tế để giao dịch, trao đổi tín chỉ nên cần chủ động tham gia sớm. Trong khi chờ hình thành, phát triển thị trường carbon trong nước với các tiêu chuẩn đo đạc, kiểm định, xác nhận tín chỉ theo quy định, thành phố Đà Nẵng nhận thấy cần chủ động tiếp cận với thị trường quốc tế để có thêm kinh nghiệm thực tiễn thông qua việc giao dịch tín chỉ carbon với các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế.

Thành phố Đà Nẵng lựa chọn cách tiếp cận thị trường tín chỉ carbon với tư cách là “người bán”, có thể thực hiện giao dịch tín chỉ carbon theo 4 hình thức: trên sàn giao dịch trong nước; sàn giao dịch quốc tế không có sự hỗ trợ của các tổ chức; giao dịch trực tiếp với bên mua; giao dịch trực tiếp với bên thứ 3 thông qua việc tự tổ chức đấu thầu hoặc đấu giá.

Chi cục Biển đảo và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, thực hiện nội dung thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon được quy định trong Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội, năm 2025, Chi cục Biển đảo và môi trường được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng nội dung để Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND thành phố Đà Nẵng ban hành quy định về trình tự, thủ tục và quyết định việc lựa chọn nhà đầu tư mua tín chỉ carbon.

Đồng thời, tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố quyết định sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố. Phó Chi cục Biển đảo và môi trường Phạm Thị Chín cho hay, đơn vị đang tham mưu kế hoạch triển khai và sắp tới sẽ triển khai kế hoạch với các hoạt động cụ thể nhằm thực hiện các công việc liên quan đến tín chỉ carbon.

HOÀNG HIỆP



Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202502/thuc-day-hinh-thanh-va-phat-trien-thi-truong-carbon-4000881/

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available