Thế giới của chúng ta đang sống đặc trưng bởi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Với tư cách là những người ra quyết định, các nghị sĩ từ nhiều nghị viện thành viên IPU tham dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã khẳng định vai trò của người trẻ là trung tâm của sự đổi mới này.
Cải thiện khung pháp lý – yếu tố nền tảng
Chuyển đổi số đang diễn ra ở các quốc gia với các mức độ khác nhau cho thấy, yếu tố nền tảng quan trọng nhất cho quá trình này là phải hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, bảo đảm tính bao trùm và phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, bao gồm thúc đẩy hạ tầng số, hệ sinh thái số, các giải pháp hiệu quả gắn kết chuyển đổi số với phát triển bền vững và không bỏ lại ai ở phía sau.
Chia sẻ tại phiên thảo luận, đại diện Thái Lan cho biết: Là nền kinh tế số lớn thứ hai Đông Nam Á, đất nước “Chùa vàng” quyết tâm hướng tới xây dựng một “Thái Lan số”, phát triển bền vững và bao trùm, tối ưu hóa áp dụng công nghệ số trong các hoạt động kinh tế – xã hội, đặc biệt cho việc xây dựng thương mại điện tử và đổi mới sáng tạo về số.
Quốc hội Thái Lan đóng vai trò trung tâm trong tiến trình này, với nhiều chính sách, đạo luật để thúc đẩy hệ sinh thái số bao trùm và bền vững, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách số… Theo đó, trước tiên, Chính phủ Thái Lan tăng cường hoàn thiện cơ sở hạ tầng số để bảo đảm sự tiếp cận đầy đủ và công bằng đối với nền kinh tế số cho cả xã hội, từ đó thu hẹp khoảng cách về số. Thứ hai, áp dụng các chương trình đào tạo kỹ năng số cho người lao động. Và, cuối cùng là tăng cường môi trường pháp lý, giảm thiểu các rào cản về pháp lý để người dân có thể được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi số. Chính phủ Thái Lan đang nỗ lực xây dựng ví điện tử. Đây là dự án mới và mỗi người dân có 10 ngàn bạt trong ví và khoản tiền này có hiệu lực trong 6 tháng nhằm kích cầu tiêu dùng.
Quốc hội Việt Nam thời gian qua cũng đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số. Trong đó, đã sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, Luật Tần số vô tuyến điện và đang tiến hành sửa đổi Luật Viễn thông; đồng thời đã ban hành các Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030… Đây là những văn bản pháp lý quan trọng để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số quốc gia.
Công nghệ giúp đưa “tương lai” vào quá trình ra quyết định “hiện tại”
Chuyển đổi số trong các hoạt động của nghị viện không thể tách rời xu thế chung của quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghị viện nhằm phát triển nghị viện số hóa, giúp tăng cường hiệu quả hoạt động của nghị viện cũng như sự kết nối giữa nghị viện với cử tri.
Đề cao vai trò của ứng dụng công nghệ trong hoạt động lập pháp, nghị sĩ Walter Cervini từ Nghị viện Uruguay nhấn mạnh: Công nghệ đang tạo ra sự thay đổi nhanh chóng đòi hỏi các mô hình, khuôn khổ khái niệm và phương pháp phù hợp để giải quyết vấn đề. Để các cơ quan ra quyết định ứng phó với sự biến đổi nhanh chóng này một cách hiệu quả cần có “dự đoán chính sách” hiệu quả. Nghị viện có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm rằng hoạt động quản trị mang tính dự đoán được áp dụng trong toàn bộ cơ cấu quản trị của nghị viện, trong đó, việc ứng dụng công nghệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình dự đoán chính sách.
Cho biết Uruguay sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh của Ủy ban Vì tương lai trong vài ngày tới, nghị sĩ Walter Cervini cho rằng, tầm quan trọng của việc “kết hợp tương lai vào quá trình ra quyết định hiện tại là không thể bàn cãi”. Sự chuẩn bị trước của nghị viện trong việc “đưa tương lai” vào hiện tại rất cần tới công nghệ bởi khoa học công nghệ cho phép việc hoạch định chính sách dựa trên thông tin đầy đủ và thực tiễn, cho dù đó là về vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển hay giải quyết xung đột, và những chính sách phải thực sự đáp ứng nhu cầu của cuộc sống.
Ông cũng cho rằng, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 với các nội dung tập trung về chủ đề chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp là tiền đề cho những vấn đề sẽ được thảo luận tại Hội nghị của Ủy ban sắp tới tại Uruguay. “Lồng ghép tương lai vào hoạt động hiện tại của nghị viện còn là sứ mệnh để thu hút nhiều người trẻ tích cực hơn với những quyết sách hiện tại mà có thể ảnh hưởng đến những thế hệ tương lai”.
Nghị sĩ đến từ Uruguay cũng nhấn mạnh rằng, mọi vấn đề của thế giới chỉ có thể giải quyết nếu chúng ta thảo luận và hợp tác cùng nhau, nhất là giữa những nhà lập pháp trẻ, những người trẻ tuổi. Và do đó, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức lần này là “cuộc gặp đầy ý nghĩa” để thúc đẩy sự kết nối giữa các nghị viện trong giải quyết những thách thức về số hóa đặt ra.
Bảo vệ người dân trên không gian mạng bằng công cụ lập pháp
Trong khi thúc đẩy khai thác sức mạnh của công nghệ và đổi mới trong một thế giới đang chuyển đổi, các nghị viện cũng phải nỗ lực để bảo vệ người dân trước những rủi ro, bảo đảm rằng chúng được sử dụng vì nhân loại và môi trường, vừa bảo đảm quyền riêng tư, an ninh và hạnh phúc.
Chia sẻ tại phiên thảo luận, nghị sĩ Mexico Cynthia Lopez Castro, đồng thời là Chủ tịch Diễn đàn Nữ nghị sĩ IPU cho biết, mới đây Nghị viện Mexcio đã thông qua đạo luật Olimpia, trở thành “tấm lưới” bảo vệ đối với nữ giới khỏi những hành vi bắt nạt, xâm hại trên các nền tảng số. Trước đây, việc phát tán bất kỳ các hình ảnh, thông tin, video clip riêng tư mà không được sự cho phép của phụ nữ tại Mexico không được coi là hành vi phạm tội. Vì vậy, Đạo luật Olimpia hình sự hóa hành vi bạo lực mạng. Argentina cũng vừa thông qua đạo luật tương tự vào tháng 7.2022. Đây là những nỗ lực tuyệt vời để chống lại bạo lực đối với nữ giới trên mạng. Diễn giả đến từ Mexico hy vọng, việc ghi nhận những chia sẻ kinh nghiệm lập pháp thông qua Hội nghị này sẽ mang lại động lực để các tiếng nói trẻ toàn cầu nói lên những nhu cầu cấp bách để nghị viện nước họ cũng ban hành những đạo luật tương tự, bảo vệ nhân phẩm cho các thế hệ phụ nữ nói riêng và người sử dụng mạng nói chung, cho thế hệ hôm nay và mai sau. Luật Olimpia không chỉ là cột mốc pháp lý quan trọng mà còn là minh chứng cho nỗ lực của nghị viện Mexico trong việc lấy lại công lý cho người dân trong thế giới số ngày nay.
Thu hẹp khoảng cách số – cách làm sáng tạo của nhiều nước
Khoảng cách số là rào cản đối với phát triển. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy, nơi nào người dân không được tiếp cận với internet cũng đồng nghĩa với nơi đó chịu thiệt thòi hơn rất nhiều thông tin, y tế, việc làm và giáo dục.
Cùng chia sẻ những nỗ lực trong thu hẹp khoảng cách số, đại biểu từ Trung Quốc cho biết, nước này có số lượng lớn người sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn 2,7 tỷ người chưa có khả năng tiếp cận Internet và một số vùng mới bao phủ Internet chỉ khoảng hơn 30%. Để thúc đẩy thu hẹp khoảng cách số, Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách, như tặng tiền thông qua ví điện tử cho người dân, bao gồm cả những người dân ở vùng sâu vùng xa, thúc đẩy các kênh mạng hay thanh toán qua điện thoại, thanh toán online, xây dựng được một không gian mạng dành cho người trẻ vào năm ngoái và nền kinh tế số của Trung Quốc được xếp hạng cao trên thế giới và chiếm hơn 40% GDP. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang tham gia tích cực vào các tham vấn chia sẻ về các cơ chế như là WTO, thúc đẩy ký kết văn bản hợp tác quốc tế như nền kinh tế số của BRICS hay chiến lược phát triển kinh tế số của G20.
Nghị sĩ đến từ Lítva cho biết, nước này đã dành nguồn lực lớn cho việc ứng dụng công nghệ thông tin ở các cơ quan. Chẳng hạn năm 2020, có 25 cơ quan sử dụng hệ thống công nghệ thông tin tập trung và đến nay có 156 cơ quan và khi Lítva kết thúc quá trình này dự kiến có 325 cơ quan. Việc Chính phủ đầu tư có hệ thống vào cơ sở hạ tầng số sẽ giúp các cơ quan không phải đầu tư vào cơ sở của mình nữa, việc quản lý rủi ro cũng tập trung. Lítva cũng đặt ra mục tiêu 90% dân số sử dụng công nghệ số vào năm 2030, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có người già, người thu nhập thấp, người khuyết tật… Cổng Chính phủ số của Lítva cũng là một nền tảng đang hoạt động rất hiệu quả, với 39 loại hình dịch vụ công tiện lợi và nhanh chóng như đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thu nhập… 62% các dịch vụ công của Lítva người dân có thể tiếp cận trực tuyến.
Để giải quyết thách thức có liên quan đến công nghệ số, từ năm 2022, Việt Nam triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn quốc với nòng cốt là thanh niên, mục tiêu là “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hướng dẫn đến từng người dân sử dụng các nền tảng số. Trong đó, tập trung vào 5 kỹ năng số cơ bản: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Mua sắm trực tuyến; Thanh toán trực tuyến; Tự bảo vệ mình trên không gian mạng; Sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư, trong đó 52/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã. Đây chính là mô hình thiết thực để Việt Nam bảo đảm mọi người dân không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình số hóa.
Thanh niên là người quen với những công nghệ mới, hội tủ đầy đủ giá trị để thúc đẩy các giải pháp mới vì lợi ích của xã hội và của chính thanh niên. Như Chủ tịch IPU Duarte Pacheco chia sẻ: “Là những nghị sĩ trẻ được sinh ra trong thế giới kỹ thuật số, các bạn phải trở thành những người đi đầu trong việc áp dụng công nghệ để đương đầu với những thách thức mà chúng ta gặp phải. Chuyển đổi số là lĩnh vực nơi tiếng nói trẻ trong nghị viện có thể dẫn đầu để chủ động định hình tương lai của chính các bạn”.
Một trong những giải pháp quan trọng để đạt được SDGs là tập hợp được sức mạnh của công nghệ số. Công nghệ số đã chứng minh được sức mạnh của mình, thay đổi cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới một cách tốt đẹp hơn. Công nghệ số tạo ra những thay đổi về công việc, kinh tế, cách thức sử dụng dịch vụ y tế và các dịch vụ công khác. Công nghệ số cũng có tiềm năng to lớn giúp chúng ta giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu, thông qua việc theo dõi khí hậu trái đất qua các vệ tinh, mạng lưới cảm biến thông minh, đến việc hỗ trợ các ngành công nghiệp, tăng cường hiệu suất trong lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp thông minh, cảnh báo sớm thiên tai… Công nghệ số trở nên không thể thiếu trong cuộc sống ngày nay.
Tuy nhiên, còn 1/3 nhân loại chưa có kết nối mạng, đây là sứ mệnh đặt ra đối với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa – UNESCO, nhằm thúc đẩy truy cập toàn cầu an toàn, bền vững; đặc biệt là vai trò của những nghị sỹ trẻ, những thế hệ trẻ đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo tương lai của đất nước.
Chúng tôi khuyến khích, ủng hộ đầu tư phát triển bền vững, tăng cường sử dụng kỹ năng số hóa, khởi nghiệp đầu tư số hóa; Đồng thời, giải quyết bất bình đẳng số hóa, nhằm bảo đảm mọi người đều có thể chia sẻ cơ hội từ sự kết nối, bất kể nơi sinh sống hay tuổi tác. Chính vì thế, chúng tôi đã có sáng kiến Generation Connect – Sáng kiến này nhanh chóng thu hút các quốc gia đến từ các nước trên thế giới cùng tham gia.
Thế giới số đang phát triển và các nghị sĩ trẻ nói riêng, thế hệ trẻ nói chung có vai trò rất quan trọng để thúc đẩy phát triển công nghệ số và bảo đảm sự phát triển bền vững.
Phó Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) Tomas Lamanauskas