Đó là nghịch lý đang tồn tại trên thị trường hiện nay khi 2 dòng vốn chủ lực là đầu tư công giải ngân chậm và tín dụng trong hệ thống ngân hàng vẫn nghẽn.
Nếu quý 1/2023, vấn đề lớn nhất là thúc đẩy giải ngân đầu tư công làm “vốn mồi” kích thích tổng cung, tổng cầu trong nền kinh tế thì ở thời điểm hiện tại, ngành ngân hàng cũng đang lo ế vốn.
Điều này nghe có gì đó sai sai bởi từ cuối năm ngoái tới nay, các doanh nghiệp (DN) vẫn đang kêu trời vì không vay được, nhiều công ty “chết lâm sàng” cũng chỉ vì khát vốn, đói vốn. Đến mức mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phải lên tiếng yêu cầu các ngân hàng (NH) xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ để cung cấp vốn cho DN. Thế nhưng, ở chiều ngược lại, các NH cũng nói rằng họ “tìm khách hàng đỏ mắt” không được.
Tại sao cung có, cầu có mà không thể gặp nhau? Các NH có thực sự muốn cho vay hay không?
Câu trả lời là các NH đương nhiên muốn cho vay, bởi đó là nghiệp vụ cơ bản nhất của họ, huy động là để cho vay, hưởng chênh lệch lãi suất. Lợi nhuận của các NH phần lớn cũng đến từ khoản này. Chỉ tiếc là trong một bối cảnh đặc biệt, đặc thù thì điều kiện cho vay vẫn áp dụng bình thường nên vốn không thể chảy ra được. Cụ thể, nền kinh tế, người dân, DN đã trải qua hơn 3 năm khó khăn liên tiếp, hết đối mặt với dịch bệnh lại chịu tác động của xung đột Nga – Ukraine gây đứt gãy nguồn cung toàn cầu, chưa kể đến những khó khăn trong nước…
Chúng ta đều đã thống nhất rằng khó khăn hiện nay là lịch sử, là chưa từng có. Nhưng người dân, DN muốn vay vẫn phải có tài sản thế chấp, chủ yếu là bất động sản. Thậm chí một số NH còn ngặt nghèo hơn khi chỉ đồng ý thế chấp bằng bất động sản ở TP.HCM chứ không đồng ý ở các địa phương khác. Còn dự án khả thi, hợp đồng đã ký với đối tác… thì “quên đi”, đừng hy vọng. Rồi DN phải có lãi trong vòng 1 năm, 2 năm, 6 tháng, mà như nói trên, khó khăn đã bước sang năm thứ 4 nên tầm này đa số các DN chỉ cố gắng cầm cự chứ mong gì lời lãi… Vì thế, hồ sơ vay vốn cứ chưa tới cửa NH đã bị dội trở lại. Dần dà, DN cũng thôi, xoay được ở đâu thì làm tới đó, còn khó quá thì tạm ngưng hoạt động.
Hệ quả là thu nhập của người lao động giảm, tình trạng thất nghiệp tăng, kéo theo sức mua suy yếu. Mà sức mua yếu thì càng không có nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh, gia tăng sản xuất… Nên đến lúc này, nói DN yếu quá không hấp thụ được vốn cũng đúng, nhưng bản chất và quá trình là như vậy. Chứ chỉ “túm” lại một câu thôi thì chưa chính xác.
Đặc biệt, nút thắt tín dụng sẽ càng siết chặt hơn khi tháng 9 tới, Thông tư 06 của NH Nhà nước có hiệu lực bổ sung thêm 4 đối tượng không được vay vốn từ các NH… Thông tư 06 đã được các chuyên gia, DN phân tích về sự bất hợp lý cũng như các hệ quả khi triển khai áp dụng. Quan trọng hơn, Thông tư 06 đi ngược với yêu cầu nới lỏng chính sách tiền tệ của Chính phủ mới đây.
Nhắc lại để thấy, việc ế vốn của NH sẽ vẫn là nghịch lý nếu không bỏ đi các rào cản mà ngành này tự dựng lên. Trong bối cảnh đặc biệt, đặc thù cần có tư duy và giải pháp đặc biệt, đặc thù. Nếu không, mọi nỗ lực sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn khi chính ta tự buộc chân mình lại.